Đà Nẵng cuối tuần
Làm thế nào để phục hồi du lịch Đà Nẵng?
Thành phố Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn, khá nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái về cảnh đẹp hữu tình hay sự đầu tư đồng bộ cùng tư duy đột phá của chính quyền địa phương, Đà Nẵng còn ghi dấu ấn trong lòng mỗi du khách bởi sự chân tình, nồng hậu của người dân nơi đây. Thế nhưng, diễn biến phức tạp, khó lường của Covid-19 khiến ngành du lịch của Đà Nẵng lao đao gần 2 năm qua.
Các doanh nghiệp đăng ký hưởng ứng cùng đồng hành khôi phục, phát triển du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới vào ngày 28-10. Ảnh: PHÚC AN |
Đã đến lúc cần phải đánh giá đầy đủ các tác động và đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm hoạch định sự phát triển cũng như vực dậy thị trường du lịch Đà Nẵng trong trạng thái bình thường mới.
Nhiều khó khăn, thách thức
Có thể nói, chưa bao giờ ngành du lịch Đà Nẵng lại gặp thách thức to lớn, thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lâu dài như giai đoạn kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay. Hơn 90% doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, nguồn khách nhiều thời điểm gần như bằng 0, thiệt hại về doanh thu qua các đợt dịch ước tính hơn 50.000 tỷ đồng.
Theo khảo sát của Quỹ Xúc tiến Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 2-2021, hơn 43% doanh nghiệp phải cho thôi việc 70-100% nhân viên. Tỷ lệ này tương đương khảo sát đợt 1 vào tháng 10-2020; 53,7% doanh nghiệp buộc phải cho hơn 50% nhân viên giãn việc/nghỉ luân phiên, tăng 14,3% so với khảo sát hồi tháng 10-2020 (39,43%); 39,3% doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ không lương để nhận bảo hiểm thất nghiệp. Nhằm tinh gọn bộ máy về mức tối thiểu để bảo đảm khả năng hoạt động tối ưu của doanh nghiệp, tỷ lệ nhân viên làm việc toàn thời gian đều giảm, trong khi tỷ lệ nhân sự cấp cao (chủ đầu tư, ban giám đốc) tăng gần gấp đôi (từ 11,1% lên 23,1%) và tỷ lệ nhân sự 1-10 người làm việc toàn thời gian tăng đến 16,3% so với trước thời điểm Covid-19.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy không có doanh nghiệp nào ghi nhận tăng trưởng về doanh thu trong năm 2020. 82,9% doanh nghiệp lỗ trong năm 2020 và chỉ có 8 doanh nghiệp hòa vốn (chiếm 7,2%); hơn 21,6% doanh nghiệp thiệt hại hơn 10 tỷ đồng (chủ yếu rơi vào nhóm các doanh nghiệp vừa và lớn). Tất cả các doanh nghiệp nhỏ (chiếm 27,9%) đều thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng trong năm 2020.
Khi du lịch nội địa có dấu hiệu khởi sắc trở lại từ mùa hè, đến cuối năm 2020, trong số gần 90% doanh nghiệp được khảo sát đã trở lại hoạt động, có đến 62,2% doanh nghiệp thiệt hại nhiều hơn dự tính ban đầu, do dịch bệnh bùng phát trở lại và thiên tai trong quý 4-2020. Trong năm 2021, 46,4% doanh nghiệp dự đoán doanh thu sẽ tiếp tục giảm hơn 75% so với năm 2020. Đáng chú ý, có đến 25% doanh nghiệp lo ngại nguy cơ phá sản. Chỉ duy nhất một đơn vị tin tưởng sẽ tăng trưởng về doanh thu. Chỉ khoảng 11,9% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự vốn đến hết năm 2021. Ngoài ra, tổng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, tàu, xe vận chuyển ước tính 3,2 tỷ USD (tương đương 73.000 tỷ đồng) đa số đều không thể hoạt động do ảnh hưởng Covid-19.
Linh hoạt và tích cực tìm giải pháp
Mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tỷ lệ phủ vắc-xin cao, nhưng với diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan các biến chủng mới của SARS-CoV-2 đòi hỏi ngành du lịch Đà Nẵng cần linh hoạt và tích cực đưa ra những lời giải cấp thiết cho bài toán hiện nay.
Một là, cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành chức năng trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ và của riêng Đà Nẵng, đặc biệt là các gói về tài chính - tín dụng, giúp doanh nghiệp tránh đóng cửa, giải thể, phá sản. Bên cạnh đó là các cơ chế đột phá, thích ứng với trạng thái bình thường mới để phục hồi nguồn khách cả trong và ngoài nước trong bối cảnh Đà Nẵng là một trong 5 địa phương trong cả nước được chọn thí điểm chương trình “Hộ chiếu vắc-xin” cho khách du lịch quốc tế; triển khai các nhiệm vụ theo kết luận của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tại Tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Đà Nẵng” do Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố cùng Sở Du lịch tổ chức ngày 1-4-2021.
Hai là, rất cần vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, các hãng hàng không, các công ty lữ hành trong việc mở cửa dịch vụ, tạo sản phẩm đột phá thu hút khách. Với tình hình hiện nay, khó có thể để thị trường phục hồi một cách tự phát mà cần vai trò định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp để nhanh chóng chào tạo ra các luồng khách trong lẫn ngoài nước quay lại địa phương một cách chủ động, vừa giúp phục hồi nguồn khách, vừa bảo đảm an toàn chống dịch.
Ba là, chú trọng các hoạt động liên kết để nhanh chóng phối hợp nguồn lực tạo ra lợi thế về sản phẩm thị trường và tăng hiệu quả xúc tiến khai thác khách. Trong đó, cần liên kết với tỉnh Quảng Nam trong việc hình thành các sản phẩm liên tuyến cho chương trình thí điểm “Hộ chiếu vắc-xin”, đủ sức cạnh tranh với các thị trường nhận khách lớn như: Thái Lan, Singapore, Campuchia...; liên kết với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trong định hướng trao đổi khách; liên kết giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ, các hãng hàng không, các công ty lữ hành tạo ra những liên minh đủ mạnh để định vị nguồn khách, tạo sản phẩm, xúc tiến có mục tiêu vào các thị trường khách có độ an toàn cao và khả năng phục hồi nhanh như nguồn khách trong nước, nguồn khách từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các nước Đông Nam Á...
Bốn là, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch về một hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách trên cơ sở ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến thị trường như nghiên cứu triển khai mô hình “Sàn giao dịch du lịch trực tuyến” (mô hình Chợ du lịch trực tuyến) để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối, giao dịch kinh doanh và tổ chức mua bán trực tuyến dịch vụ phục vụ du lịch với khách hàng; thí điểm thẻ du lịch thông minh; nghiên cứu khảo sát du lịch trực tuyến, tổ chức hội chợ ảo, tour ảo, các chương trình livestream (phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội) để giới thiệu sản phẩm du lịch và triển khai hướng dẫn đến doanh nghiệp các hoạt động du lịch thông minh qua công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số.
Năm là, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho điểm đến bằng cách đầu tư thêm nhiều tuyến du lịch đường sông mới lạ, nối liền trải nghiệm đô thị với cộng đồng sinh thái vùng quê, kết hợp thêm địa điểm văn hóa, lịch sử, tâm linh để tạo nên tuyến du lịch hấp dẫn; xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch tại chỗ (hoạt động dã ngoại, du lịch cộng đồng, tour trekking Hòa Bắc, Hòa Vang...), xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch biển, golf, du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch MICE để phục vụ khách; thúc đẩy và hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đón đầu xu thế du lịch nhóm nhỏ, nhóm gia đình, du lịch tăng trải nghiệm, sáng tạo... sau Covid-19.
Tháng 10 vừa qua, Đà Nẵng đã triển khai Kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trong tình hình bình thường mới, theo phương châm: “Chủ động - thích ứng - linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và bảo đảm an toàn cho khách du lịch, người lao động du lịch và cộng đồng”. Theo đó, Đà Nẵng tổ chức đón khách nội địa ở 2 giai đoạn: khởi động trở lại các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố từ tháng 10-2021 (giai đoạn 1) và triển khai phục vụ khách liên vùng từ tháng 11-2021 (giai đoạn 2). Triển khai phương án đón khách quốc tế theo 3 giai đoạn: thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ từ tháng 11-2021 (giai đoạn 1); mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ từ tháng 1-2022 (giai đoạn 2); mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế (giai đoạn 3).
Cùng với sự chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt của cơ quan quản lý Nhà nước, sự đồng hành và gắn kết của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới, hy vọng ngành du lịch Đà Nẵng sẽ có những bước khôi phục vững chắc đầu tiên trong lộ trình phát triển ổn định trong thời gian đến.
TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN XUÂN - TS. CAO TRÍ DŨNG
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng