Đà Nẵng cuối tuần
Lấy nước đường xa - Hành trình vượt lên số phận
Cảm động và trọn vẹn, Lấy nước đường xa (NXB Lao động và Thái Hà books) là cuốn tiểu thuyết mang nặng hơi hướng tường thuật, dày đặc tình huống và chi tiết. Cuốn sách được xây dựng trên nền một câu chuyện có thật về khát vọng và hành trình vượt lên số phận của những đứa trẻ tại đất nước Sudan.
Lấy nước đường xa là cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng thông điệp lớn khi “cận cảnh” vào những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu. Tại Sudan, cuộc nội chiến thứ hai diễn ra từ năm 1983-2005 khiến hàng triệu gia đình rơi vào cảnh ly tán, đói khổ, họ phải bồng bế nhau lên đường tìm nơi tị nạn.
Nhân vật chính của Lấy nước đường xa là Salva - một bé trai có thật. Cậu đã trải qua một hành trình khủng khiếp khi phải đi bộ cả ngàn dặm trên sa mạc; đối mặt với tiếng gầm của sư tử trong đêm khi nghỉ chân giữa rừng khuya, sự tấn công của cá sấu dưới đầm lầy và cả những đe dọa vô cảm của lực lượng phiến quân… Chính trong những thời điểm khó khăn nhất, phẩm chất tốt đẹp của Salva đã tỏa sáng. Cậu bé 11 tuổi can đảm, bám víu vào những hồi ức tốt đẹp về gia đình, bám víu vào những tia hy vọng về ngày đoàn tụ để tiếp tục lê chân về phía trước.
Nội dung đáng mong chờ nhất của cuốn sách không chỉ dừng lại ở một cái kết đẹp khi Salva được gặp lại người cha thân yêu của mình sau 19 năm tìm kiếm ròng rã, mà còn mở ra một hạnh phúc đầy bất ngờ khác, đó là những dự án cộng đồng rất ý nghĩa dành cho trẻ em Sudan. Và để chuyển tải được điều đó, ngoài Salva trong quá khứ, nữ văn sĩ Linda Sue Park đã khéo léo lồng ghép thêm một lát cắt khác nữa ở hiện tại. Ở đó có sự hiện diện của Nya, cô bé 11 tuổi thuộc tộc Nuer. Cuộc sống của gia đình Nya dù được đặt trong bối cảnh 23 năm sau nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nước. Mỗi ngày cô phải mất 8 tiếng đi bộ để lấy nước về cho gia đình, Nya không thể đến trường.
Ở cuối chuyện, Salva tái định cư ở Mỹ và bắt đầu triển khai dự án phi lợi nhuận có tên Nước sạch cho Nam Sudan (WFSS). Từ năm 2005, dự án đã khoan hàng trăm giếng nước sạch tại những ngôi làng hẻo lánh. Thời điểm Nya và Salva gặp nhau, khi Nya chấm dứt hành trình mỗi ngày 8 tiếng đi bộ và bắt đầu được đi học cũng chính là thời điểm kết thúc đầy cảm động của câu chuyện.
Lấy nước đường xa từng nhận Huân chương Newbery (giải thưởng thường niên được trao cho tác giả của cuốn sách thiếu nhi Mỹ xuất sắc nhất), được xếp vào top những cuốn tiểu thuyết bán chạy số 1 của New York Times. Tâm niệm của Salva: “Hãy cố gắng giữ bình tĩnh khi gặp khó khăn. Bạn sẽ vượt qua nếu bạn kiên trì thay vì từ bỏ. Từ bỏ sẽ mang lại hạnh phúc ít hơn so với hy vọng” mãi là bài học sáng giá cho bất kỳ ai mỗi khi đối diện với khó khăn trong cuộc đời.
MINH THI