Rời Microsoft để thay đổi thế giới

.

Từ vị trí quản lý cấp cao của Microsoft, ông John Wood quyết định nghỉ việc để thành lập Room to Read - tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu xóa nạn mù chữ, thất học bằng cách tập trung đầu tư vào giáo dục cho trẻ em và bình đẳng giới.

Ông John Wood, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Room to Read. Ảnh: Generation.asia
Ông John Wood, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Room to Read. Ảnh: Generation.asia

Với John Wood - cựu quan chức tại Microsoft, thế giới quan trong ông đã hoàn toàn thay đổi sau chuyến đi tới Nepal trở về, và ông có một khao khát mãnh liệt muốn thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của mình.
Chuyến đi thay đổi cuộc đời

Trong cuốn sách Leaving Microsoft to change the world (2006) (tạm dịch: Rời Microsoft để thay đổi thế giới) của John Wood, ông chia sẻ tường tận sự thay đổi đó. Đất nước Nepal khiến ông nhận ra đang có biết bao đứa trẻ thất học cần được giúp đỡ. Thực tế đó thôi thúc ông mãnh liệt tới mức ông nghĩ tới việc rời bỏ công việc đang làm tại Microsoft để tìm giải pháp giúp những đứa trẻ thiệt thòi.

Vào những năm 1991-1998, John Wood là nhà quản lý làm việc tại hãng sản xuất phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft. Ông rất yêu công việc và gặt hái những thành công nhất định trong sự nghiệp. Nhưng chuyến đi Nepal đã khiến Wood suy ngẫm rất nhiều về một lĩnh vực mà ông vẫn luôn dành nhiều tâm huyết, trăn trở, đó là giáo dục.

Lúc ở Nepal, Wood tới thăm các trường học ở địa phương. Điều kiện vật chất thiếu thốn của những ngôi trường khiến ông bị sốc. Ông gặp và trò chuyện với một người đàn ông địa phương tên Pasupathi. Pasupathi đưa Wood tới thăm một ngôi trường. Căn phòng có gắn biển “Thư viện trường” trống không. Khi Wood hỏi sách đâu rồi, người ta chỉ cho ông xem một cái tủ khóa trái. Những cuốn sách quý giá tới mức chúng phải được cất đi và khóa chặt lại như thế. Không chỉ vậy, những cuốn sách ít ỏi mà ngôi trường đang có cũng không phù hợp với các em học sinh.

Thấy vậy, Wood ngỏ ý gửi tặng họ 200-300 cuốn sách tiếng Anh. Trở lại thủ đô Kathmadu của Nepal, ông gửi email xin những người quen giúp sách và tiền, cam kết dùng 100% số tiền đó mua sách cho trẻ em nghèo ở đây. Sự hồi đáp của mọi người vượt kỳ vọng. Ông nhanh chóng gom được khoảng 3.000 cuốn sách để gửi tới Nepal.

Khi gửi đi những cuốn sách đó, trong lòng ông ngập tràn niềm vui. Ông hiểu những việc làm của mình đã có tác động sâu sắc. Sau đó, ông xin nghỉ việc và dành trọn đời mình cho giáo dục.

Ban đầu, ông đặt tên tổ chức phi lợi nhuận là Book for Nepal (Sách cho Nepal), nhưng rồi đổi thành Room to Read khi quyết định mở rộng dự án sang nước khác.

Làm từ thiện chưa bao giờ đơn giản

Các tổ chức phi lợi nhuận không thể tồn tại nếu không có sự quyên góp từ các tổ chức/cá nhân trong xã hội nên ông Wood đã nỗ lực rất nhiều trong việc vận động gây quỹ. Ông có chiến lược tốt và thường nhấn mạnh các nguyên tắc mỗi khi thuyết phục đối tác: đó là sự kết nối với các nhà hảo tâm thường là những người có trình độ học vấn cao, thuyết phục bằng việc nhắc họ nhớ về giá trị của chính nền tảng giáo dục họ đã từng nhận được. Ông chứng minh cho họ thấy mối liên hệ rõ ràng giữa các khoản quyên tặng và tác động tích cực từ đó, đồng thời nỗ lực khẳng định khoản đóng góp của họ sẽ tạo nên khác biệt ý nghĩa thế nào với cuộc sống của những người kém may mắn.

Ông Wood nhấn mạnh rằng, chi phí hoạt động chung, tức khoản ngân sách cần để duy trì tổ chức, như tiền lương cho các nhân viên, là rất ít. Tại Room to Read, khoản này chỉ 10%, có nghĩa mỗi USD được quyên tặng sẽ chỉ mất 10 cent cho hoạt động chung và 90 cent sẽ chi cho các trường học.

Ông thể hiện sự đam mê vô tư của bản thân khi chính ông đã rời bỏ một công việc tuyệt vời tại Microsoft để theo đuổi Room to Read. Cuối cùng, ông chia sẻ với họ những hiệu quả về lâu dài mà dự án và các khoản đóng góp tạo ra để chứng minh số tiền của họ đã tạo nên sự khác biệt quan trọng và ý nghĩa ra sao với cuộc sống của nhiều người.

D.K.T (theo Leaving Microsoft to change the world)

;
;
.
.
.
.
.