Đà Nẵng cuối tuần

Vòng nguyệt quế

09:01, 26/12/2021 (GMT+7)

* Vòng nguyệt quế được trao cho người chiến thắng tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia hằng năm tại Việt Nam. Lệ này xuất phát từ đâu và có ý nghĩa gì? (Trần Thị Hoa, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Vòng nguyệt quế trang trí Noel. Ảnh: V.T.L
Vòng nguyệt quế trang trí Noel. Ảnh: V.T.L

- Cây nguyệt quế (dây) có tên thường gọi là cây thường xuân, cây vạn niên; tên khoa học Hedera helix, họ Ngũ gia; có xuất xứ từ châu Phi và một số nước châu Á cùng khu vực phía nam sông Trường Giang (Trung Quốc). Nguyệt quế là loại dây leo, xanh tốt quanh năm, thân dài và thường rủ xuống. Một gốc của cây có rất nhiều thân khác nhau và bò dài theo giàn. Lá có hình trái tim, màu xanh và viền xung quanh màu trắng rất nổi bật. Lá mọc so le khắp thân, có nhiều lông và nhám.

Vì có tên gọi khác là thường xuân nên nguyệt quế biểu tượng cho sự bất tử, xanh tươi suốt mùa đông. Từ ý nghĩa này, người La Mã lấy nguyệt quế làm biểu trưng cho vinh quang trong nghề binh cũng như của trí tuệ. Nghĩa biểu trưng bất tử này cũng được biết đến ở Trung Hoa: Người ta quả quyết rằng trên mặt trăng có một cây nguyệt quế và một ông tiên. Chính dưới gốc cây này, chú thỏ trên cung trăng đã nghiền tán dược thảo để chiết lấy thuốc trường sinh bất tử.

Vòng nguyệt quế ra đời từ Hy Lạp. Theo bài viết “Nguồn gốc, ý nghĩa của vòng nguyệt quế Noel”, đăng trên trang bachhoaxanh.com (Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh), trong thần thoại của nước này, thần Apollo được thể hiện là đội vòng nguyệt quế trên đầu. Từ thời Hy Lạp cổ đại, các vòng nguyệt quế được dùng để tặng thưởng cho những người chiến thắng, cả trong những cuộc thi đấu thể thao, bao gồm cả Olympic cổ đại cũng như các cuộc thi thơ dưới sự bảo trợ của vị thần này. Một số vị hoàng đế cũng đội vòng nguyệt quế.

Trong khi các vòng nguyệt quế cổ đại thường được mô tả có hình móng ngựa thì các vòng nguyệt quế ngày nay thường có dạng hình tròn. Từ để chỉ người được giải thưởng trong một số ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Anh là laureate, tiếng Nga là лауреат (từ tiếng La tinh lаureatus) đều có nghĩa là đội vòng nguyệt quế.

Ngày nay, ở một số nơi, vòng nguyệt quế được trao cho sinh viên đại học khi hoàn thành các dự án lớn ngay trước khi tốt nghiệp. Câu nói “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” ám chỉ việc một người ỷ lại vào thành tích trong quá khứ và không cố gắng cho hiện tại.

Vòng nguyệt quế còn là một biểu tượng trong nghi thức chào đón Giáng sinh tại các nhà thờ và gia đình theo đạo Thiên Chúa. Vòng nguyệt quế, hay còn gọi là vòng ô rô (tên tiếng Anh là laurel wreath) được kết từ thường xuân, tầm gửi và lá cây xanh, sử dụng phổ biến để trang trí nhà cửa hay nhà thờ vào dịp Noel.

Về nguồn gốc nghi thức này, Trang suckhoecuocsong.vn (Trang thông tin điện tử Sức khỏe & Cuộc sống - Bemec Media - Y học Việt Nam) trong bài “Những điều chưa biết về vòng nguyệt quế trong lễ Giáng sinh” cho biết, truyền thuyết thế kỷ XIII kể rằng, Thánh St. Boniface người Đức đã đốn một cây sồi - biểu tượng của ngoại giáo và từ chỗ đó mọc lên một cây thường xuân (nguyệt quế).

Kể từ đó, thánh Boniface tuyên bố thường xuân là biểu tượng hân hoan của người Công giáo về cuộc sống đời đời vì loài cây này xanh tươi quanh năm. Do vậy, cứ đến dịp Noel, những người theo đạo Thiên Chúa đều treo những vòng hoa nguyệt quế này trong nhà để cầu mong về một cuộc sống an lành, vui vẻ, hạnh phúc và may mắn.

ĐNCT

.