F0 Ở NHÀ

Nhiều giải pháp y tế hỗ trợ F0

.

Với 98% bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố thống nhất triển khai chăm sóc, điều trị F0 tại nhà trên toàn thành phố, bắt đầu từ ngày 1-1-2022.

Ngành y tế khuyến cáo F0 điều trị tại nhà cần trang bị máy đo nồng độ o-xy trong cơ thể.  Ảnh: TIỂU YẾN
Ngành y tế khuyến cáo F0 điều trị tại nhà cần trang bị máy đo nồng độ o-xy trong cơ thể. Ảnh: TIỂU YẾN

Theo đó, trường hợp F0 đáp ứng các tiêu chuẩn về mức độ bệnh, người chăm sóc, cơ sở vật chất… theo hướng dẫn của Sở Y tế tại Công văn số 5891/SYT-NVY ngày 29-11-2021 được hỗ trợ điều trị tại nhà, với sự theo sát của đội ngũ y tế địa phương.

Theo sát bệnh nhân

Là địa phương thực hiện thí điểm điều trị F0 tại nhà của quận Sơn Trà, gần tháng nay, cứ đầu giờ sáng, cán bộ Trạm Y tế phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đến tận nhà bệnh nhân Covid-19 kiểm tra, đo thân nhiệt, cấp thuốc, kết hợp giám sát F0 qua app “Danang Smart City”. Y sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thọ Quang cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin F0 trên địa bàn, cán bộ trạm y tế tiến hành khám sàng lọc, nắm thông tin và tư vấn điều trị.

Theo y sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, thành viên trạm y tế luôn bám sát nội dung hướng dẫn cách ly, điều trị F0 của Sở Y tế. Cụ thể, đối với F0 không có triệu chứng, cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 9, nếu âm tính sẽ hoàn thành cách ly, điều trị, nếu dương tính tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 14. Tương tự, đối với F0 có triệu chứng, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 14, kết quả âm tính sẽ hoàn thành cách ly, điều trị; dương tính tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 21.

Nếu các trường hợp F0 điều trị tại nhà tiếp tục dương tính sau các mốc thời gian trên, ngành y tế địa phương sẽ báo cáo lên Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Sở Y tế để xin ý kiến chỉ đạo. “Để F0 yên tâm điều trị tại nhà, hằng ngày chúng tôi đều tổ chức khám, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú; đồng thời ghi chép, cập nhập thông tin sức khỏe, tư vấn qua điện thoại và hướng dẫn F0 thực hiện các động tác thể dục phù hợp”, y sĩ Linh cho hay.

Ngoài nhân viên y tế, quận Sơn Trà vận động đội ngũ y tế trường học hoặc y, bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu tham gia trạm y tế lưu động, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Đến nay, địa phương đã thành lập 14 trạm y tế lưu động tại 7 phường. Ông Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận Sơn Trà cho biết có hơn 70 nhân viên y tế đã được tập huấn để vận hành các trạm y tế lưu động. “Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế. Ngoài ra, TTYT quận sẽ cử cán bộ xuống cơ sở hỗ trợ chuyên môn, giải quyết các tình huống khẩn cấp”, ông Nam cho hay.

Đến nay, quận Liên Chiểu đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và vật tư y tế, sẵn sàng triển khai điều trị F0 tại nhà theo quy định. Cụ thể, TTYT quận Liên Chiểu đã phối hợp với UBND các phường thành lập 10 trạm y tế lưu động. Bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc TTYT quận Liên Chiểu cho hay, năng lực mỗi trạm y tế lưu động có thể quản lý, điều trị từ 50-100 trường hợp F0.

Quá trình hình thành các trạm y tế lưu động, TTYT quận Liên Chiểu đã cân nhắc nhiều yếu tố, từ con người (mỗi trạm có ít nhất 1 bác sĩ phụ trách và 1 nhân viên y tế quen thuộc địa bàn), đến cơ sở vật chất, đáp ứng nhiệm vụ khám, xét nghiệm, kê đơn và nhận định, đánh giá tình trạng bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.

Trưởng Trạm Y tế phường Hòa Khánh Nam Đinh Thị Kim Thoa cho biết, 2 trạm y tế lưu động trên địa bàn phường có 16 thành viên phụ trách việc quản lý, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. “Các thành viên trạm y tế lưu động bao gồm cán bộ TTYT quận, trạm y tế phường, cán bộ y tế trường học, thanh niên và hội phụ nữ. Dựa trên số lượng F0, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động điều trị phù hợp, cũng như chủ động phối hợp với tổ dân phố hỗ trợ hậu cần, giúp F0 yên tâm chữa bệnh”, chị Thoa nói.

Bảo đảm các điều kiện cần thiết

Để có sự thống nhất trong công tác điều trị, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 5891/SYT-NVY ngày 29-11-2021 hướng dẫn tạm thời cách ly, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú. Theo đó, các F0 không có triệu chứng lâm sàng hoặc ở mức độ nhẹ, đã tiêm đủ liều hoặc 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày, nếu có bệnh nền thì tình trạng bệnh nền phải đang trong giai đoạn ổn định.

Với người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm 1 liều chưa đủ 14 ngày, phải bảo đảm 3 điều kiện: trẻ em trên 1 tuổi hoặc người dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai. Các F0 có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân, đo thân nhiệt, dùng thuốc theo đơn, sử dụng được điện thoại để liên lạc với nhân viên y tế. Đối với trường hợp F0 không thể tự chăm sóc, gia đình phải có người khỏe mạnh, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm thực hiện các biện pháp y tế.

Điều kiện cơ sở vật chất nơi F0 cách ly, điều trị là nhà ở riêng lẻ; trường hợp ở nhà trọ, chung cư, nhà tập thể phải bảo đảm các quy định phòng, chống Covid-19 như có phòng cách ly điều trị F0 riêng và tách biệt khu sinh hoạt chung của gia đình, tập thể, thoáng khí, có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng dùng cho F0…

Người dân có thể chủ động mua thiết bị xét nghiệm nhanh Covid-19 để bảo vệ bản thân. Ảnh: Tiểu Yến
Người dân có thể chủ động mua thiết bị xét nghiệm nhanh Covid-19 để bảo vệ bản thân. Ảnh: TIỂU YẾN

Giám đốc TTYT quận Liên Chiểu Lê Văn Sỹ đánh giá công tác điều trị F0 tại nhà đang được ngành y tế Đà Nẵng triển khai chặt chẽ, đúng quy định. Sau khi xét nghiệm khẳng định F0, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thông báo cho TTYT quận lập danh sách, tiến hành đánh giá, thẩm định các điều kiện và tham mưu UBND quận Liên Chiểu chỉ đạo UBND phường có F0 tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà.

Đồng thời, TTYT quận giao trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động thực hiện các nhiệm vụ liên quan, F0 và người ở cùng nhà ký cam kết tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu F0 và gia đình không tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong quá trình cách ly, điều trị thì chuyển điều trị tập trung tại cơ sở y tế, đồng thời bị xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

F0 điều trị tại nhà sẽ được “Tổ chăm sóc, theo dõi F0 tại cộng đồng” giám sát, hỗ trợ hậu cần, cung cấp tài liệu và hướng dẫn sử dụng các công cụ, đồ dùng sinh hoạt, phương tiện y tế và khai báo y tế trên ứng dụng Danang Smart City theo tần suất quy định, phản hồi các tin nhắn, cuộc gọi kiểm tra đột xuất ngay khi được yêu cầu…

Công tác giám sát người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được thực hiện thông qua phần mềm quản lý cách ly của thành phố, ứng dụng Danang Smart City, tokhaiyte.vn, hoặc qua hình ảnh gửi trên ứng dụng Zalo, Messenger vào khung giờ quy định, hoặc bất kỳ khi nào người giám sát yêu cầu. Theo ông Sỹ, trong quá trình điều trị, nhân viên y tế sẽ kiểm tra các chỉ số nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2, huyết áp… 2 lần/ngày (vào 8 giờ, 16 giờ) và ghi lại thông tin tại phiếu theo dõi.

Ông Sỹ khuyến cáo, trong thời gian điều trị tại nhà, nếu F0 có các triệu chứng như mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo, đau nhức cơ, rút lõm lồng ngực…, phải báo ngay cho nhân viên y tế để có hướng điều trị phù hợp. “Sau thời gian điều trị, nếu F0 khỏi bệnh, trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động kết thúc bệnh án, cấp giấy xác nhận hoàn thành điều trị tại nhà. Trường hợp bệnh chuyển nặng hơn cần báo cáo TTYT quận, Trung tâm Cấp cứu thành phố (115) và nhanh chóng làm thủ tục chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị”, ông Sỹ nói.

Được biết thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu, phát triển mạng lưới “thầy thuốc lưu động” gồm các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ, nhân viên y tế tại cơ sở y tế, trường học, phòng khám tư nhân giúp tư vấn, hỗ trợ điều trị online cho các F0 tại nhà.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.