Sách mới, sách hay

.

1. Cuốn sách Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) vừa được ra mắt vào ngày 15-1, gồm 58 bài viết của 48 tác giả về GS.TS Trần Văn Khê. Nhiều tác giả là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ như: Nguyễn Nhã, Dương Trung Quốc, Kim Cương, Bạch Tuyết, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Thị Hải Phượng, Thái Kim Lan, Nguyễn Đăng Hưng, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lam Điền, Nguyễn Đông Thức…

Cuốn sách chia 2 phần: Phần I: Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp, phần II: Di sản Trần Văn Khê. Phần lớn các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016 cùng các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới được bổ sung vào cuối năm 2021 làm đầy đặn thêm tình cảm, sự đánh giá của các nhà hoạt động văn hóa dành cho con người và sự nghiệp đáng trân trọng của GS.TS Trần Văn Khê.

Các bài viết phản ánh nhiều khía cạnh trong mọi mặt đời sống, nghệ thuật của ông. Đó là một nghệ sĩ uyên bác, tài năng, khiêm nhường, yêu văn hóa dân tộc, cả cuộc đời chỉ có một tâm nguyện là góp phần đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam rộng khắp năm châu, sâu trong dân tộc, nhất là lớp trẻ.

Nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của GS.TS Trần Văn Khê đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: nhã nhạc Cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam bộ… Sách đang được bán để gây Quỹ học bổng Trần Văn Khê.

2. Chuyện trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt (NXB Thế giới, tháng 12-2021) của Trần Quang Đức không phải là một chuyên khảo lịch sử xã hội kiểu biên niên kết hợp với phân tích thuần túy, mà còn có sự kết hợp và pha trộn giữa học thuật với tản văn.

Những sử liệu cổ kim Đông Tây được pha trộn, điểm xuyết bởi những trải nghiệm của tác giả, bởi những ngẫm suy của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay và cả về thế thái nhân tình. Có những đoạn khiến người đọc phải suy nghĩ vì ngồn ngộn sử liệu Đông Tây kim cổ, nhưng cũng có những đoạn mang đến sự bâng khuâng, cảm khái.

Nghe Trần Quang Đức kể “Chuyện trà”, bạn đọc biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua sử liệu mà tác giả thu thập được và xử lý công phu. Lịch sử ấy còn được làm rõ thêm bởi những kiến giải, so sánh với lịch sử trà ở Trung Hoa, Nhật Bản.

Qua “Chuyện trà”, bạn đọc còn biết kỹ thuật pha chế, cách thức thưởng thức trà của nhiều giới, từ quý tộc cung đình đến nho sĩ, tăng lữ và người dân lao động trong suốt chiều dài lịch sử.

KHÁNH LINH

;
;
.
.
.
.
.