Đà Nẵng cuối tuần

Tết sum vầy

13:46, 22/01/2022 (GMT+7)

Nhiều người hẳn suy tư trước MV Mang tiền về cho mẹ của rapper Đen Vâu. Song, những người cảm thấy “thấm thía” nhất với ca từ “Mang tiền về cho mẹ/ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ” hẳn là những người con đang xa quê. Và điều khiến họ khắc khoải nhiều nhất, ngoài một cái Tết tiếp theo xa nhà, có lẽ là câu hỏi: Tiền gửi về có khiến mẹ bớt âu lo?

Khác với những người Việt nhập cư theo gia đình, những người Việt đi lao động xuất khẩu luôn đón Tết với nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Một lao động tự do ở Liên bang Nga hơn 20 năm, là người đầu tiên giúp chúng tôi - những sinh viên trẻ tuổi - hiểu được nhiều hơn về cái Tết của những người Việt xa quê. Năm 1995, sau khi lo hậu sự cho người bạn làm ăn cùng, ông rơi vào trạng thái trầm cảm.

Toàn bộ vốn liếng đầu tư vào ki-ốt quần áo thua lỗ nặng, ông trải qua quãng thời gian khó khăn nhất cuộc đời. Liền những năm sau ông không dám liên lạc về nhà bởi cảm giác thất bại, bởi suy nghĩ mình chỉ mang thêm ưu phiền về cho mẹ. Ông đón những cái Tết một mình, bên hoa đào, hoa mai bằng giấy tự làm và chiếc bánh chưng mua ngoài chợ.

Một câu chuyện khác cũng khiến chúng tôi nhớ mãi. Thất bại liên tiếp sau nhiều năm bán quần áo ngoài chợ, hai vợ chồng một người Việt sống ở Nga phải vào làm công nhân trong một nhà máy giày. Do phải theo lịch làm việc của nước sở tại nên hai vợ chồng chỉ có một ngày để đón Tết Việt. Chiều tối 30 Tết, sau khi tan ca, ông bà ra cổng nhà máy để đón hai cậu con trai học đại học ở thủ đô Moscow về. Và gia đình họ có một ngày Tết bên nhau trong chiếc phòng nghỉ chỉ khoảng 30m2 của nhà máy. Đó là ngày đoàn tụ, đồng thời là ngày nghỉ trọn vẹn hiếm hoi của ông bà, bởi 364 ngày còn lại cả hai sẽ phải tăng ca để có tiền nuôi giấc mơ đại học cho hai cậu con trai.

Có 2 khoảnh khắc khiến người Việt xa quê nhớ và mong được về nhà nhất: thứ nhất là khi nhà có chuyện hiếu hỉ, thứ hai là mỗi khi Tết đến. Khi đó, đôi chân tưởng như đã quen với tuyết lạnh của họ lại muốn được cởi bỏ những chiếc ủng để chạy trên bãi cát quê hương. Hai năm Covid-19 dài đằng đẵng với bao lệnh phong tỏa và giãn cách ở các nước châu Âu, giấc mơ “mang tiền về cho mẹ” của nhiều bà con xuất khẩu lao động đã khó sẽ càng khó hơn, nhất là khi hiện nay, số ca nhiễm mới ở châu Âu tăng cao, biến thể Omicron tiếp tục lây lan. Sẽ có người tiếp tục theo đuổi ước mơ, sẽ có người chấp nhận từ bỏ để trở về. Nhưng dù thành công hay thất bại, quê hương luôn là nơi để về. Mẹ dù chẳng được mang tiền về, nhưng vẫn sẽ ngóng đợi để ôm những đứa con vào lòng, bởi chẳng điều gì quý giá bằng sự yên bình của những người mà ta yêu thương. Những người thân chỉ cần có ta bên cạnh, để chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, bình an hay khó nhọc...

Qua thông tin từ Bộ Ngoại giao, ước tính có khoảng 140.000 người Việt Nam có nhu cầu về nước đón Tết Nhâm Dần 2022. Dự báo lượng khách về Việt Nam sẽ vượt 30.000 khách/tuần, bao gồm công dân Việt Nam, Việt kiều và người nước ngoài là khách ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư… Nhiều kiều bào ở châu Âu mong muốn sớm mở lại các đường bay chở khách thường lệ để về đón Tết. Cục Hàng không Việt Nam dự kiến tổ chức lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách giữa Việt Nam và Pháp, Đức, Anh, Nga với tần suất ban đầu 10 chuyến/tuần/chiều.

Tết Nhâm Dần 2022, do ảnh hưởng Covid-19, nhiều cuộc đoàn viên sẽ không đủ đầy, trọn vẹn. Nhưng là công dân Việt thì ai cũng hướng về Tết cổ truyền, cũng xao xuyến, bâng khuâng nhớ hương vị bánh tét, bánh chưng, nhớ những khoảnh khắc thiêng liêng đón Giao thừa bên người thân. Và mong muốn trở về sum vầy luôn là nhu cầu tự nhiên nhất. Về nhà, bởi nơi ấy luôn có người chờ ta về với tất cả yêu thương. 

Thế mới hay, “đường về nhà là vào tim ta/ dẫu có muôn trùng qua/ vật đổi sao dời/ nhà vẫn luôn là nhà”.

TRẦN DUY

.