VỀ NHÀ ĐÓN TẾT

Nối liền những cái Tết xa

.

Cùng với niềm trông đợi một năm mới đến, những người con đi làm ăn xa quê còn mong mỏi được về đoàn tụ bên mâm cơm gia đình. Nếu như những dịp Tết khác giờ này nhà ga, bến xe, sân bay đã nhộn nhịp thì năm nay vì dịch bệnh phức tạp, không ít người mang nỗi niềm ăn Tết xa, ngóng về quê hương...

Tết là dịp gia đình đoàn tụ, cùng gói bánh tét, bánh chưng cúng tổ tiên. Ảnh: THANH TÌNH
Tết là dịp gia đình đoàn tụ, cùng gói bánh tét, bánh chưng cúng tổ tiên. Ảnh: THANH TÌNH

1. Cầm điện thoại lướt đi lướt lại, chị Nông Thị Hương Xuân (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vẫn tần ngần, lưỡng lự chưa đặt vé. Chị Xuân thổ lộ: “Năm trước cả nhà tôi đặt vé về quê từ trước Tết nhưng đến ngày về thì hoãn do dịch bệnh phức tạp. Năm nay, dẫu muốn về lắm nhưng tôi đợi đến ngày cận Tết mới đặt vé. Cả nhà tôi sẽ về trước 30 Tết để bọn nhỏ kịp tham gia gói bánh chưng cùng ông bà, còn vợ chồng tôi có thêm thời gian dạo chợ Tết”.

Chị Xuân là người Đắk Lắk, lấy chồng quê ở Thái Bình và lập nghiệp tại Đà Nẵng. Trước đây, năm nào vợ chồng chị cũng ăn Tết ở “3 quê”, sau này vợ chồng chị thống nhất năm này về ăn Tết ở quê nội thì năm sau ăn Tết ở quê ngoại. Tuy nhiên, do năm trước không về quê được nên năm nay gia đình chị sẽ về cả hai nơi. “Gần hai năm nay, vì dịch bệnh mà gia đình tôi chưa về quê ăn Tết. Tết là dịp đoàn viên nên dù bận rộn, vất vả thế nào, vợ chồng tôi cũng sắp xếp đưa con cái về thăm ông bà, để con luôn nhớ nguồn cội và thưởng thức hương vị Tết quê”, chị Xuân bộc bạch.

Mọi năm, chị thường chọn các loại đặc sản của Đà Nẵng như cá khô, mực khô, mắm cá cơm biếu nội ngoại; bánh khô mè, khăn nhung biếu người già hay những chiếc váy nhỏ xinh cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, chị Xuân còn chọn mua các hộp bánh mứt thật đẹp để dâng hương trên bàn thờ tổ tiên.

2. Quê chị Phạm Thị Hà Phương (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) ở tỉnh Quảng Bình. Dẫu chỉ cách hơn 330 cây số nhưng hai năm nay chị Phương không về quê ăn Tết. Chị Phương tâm tư: “Tết mang ý nghĩa rất thiêng liêng, là dịp để gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc xa quê. Nhớ nhất là không khí đầm ấm của đêm giao thừa”.

Nhà neo người nên trước Tết 1-2 ngày chị Phương đều về phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ và cho con cái đi chợ quê, cùng ông bà gói bánh chưng, thức đón giao thừa... để con cảm nhận hương vị Tết cổ truyền. Năm nay ở lại, chị Phương kết nối với các gia đình xa quê không về Tết cùng nấu bánh chưng, bánh Tét.

“Chúng tôi phân công nhau người mua lá dong, người mua nếp, thịt, hành, đậu xanh làm nhân bánh. Khoảng đêm 29 Tết, chúng tôi sẽ thức và cùng nhau canh nồi bánh chưng đón Tết, dẫu không được về quê nhưng thông qua việc làm bánh, nấu bánh, các con sẽ cảm nhận rõ hơn không khí và hương vị Tết quê ngay trong lòng thành phố nhộn nhịp”, chị Phương bộc bạch.

3. Là người gốc Bắc vào lập nghiệp tại Đà Nẵng đã gần 12 năm, rất ít khi gia đình chị Lê Thị Phương Thảo (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) về quê ăn Tết. Để không quên vị Tết quê, vợ chồng chị Thảo rất chu toàn trong việc nấu và bày biện mâm cỗ ngày Tết. Chị Thảo phân trần: “Tôi là người Nam Định, chồng người Quảng Ninh, dù đang ở Đà Nẵng nhưng để gia đình nhớ về vị Tết truyền thống miền Bắc, tôi luôn tự tay sửa soạn, nấu nướng những mâm cơm đậm vị”.

Mang đặc sản, dư vị Tết quê vào thành phố.  Ảnh: THANH TÌNH
Mang đặc sản, dư vị Tết quê vào thành phố. Ảnh: THANH TÌNH

Dù bận rộn với công việc và con cái, những tháng trước Tết, vợ chồng chị Thảo không quên dành thời gian nuôi gà, vịt và trồng thêm các loại hoa như lay ơn, thược dược để nở đúng dịp Tết. Những ngày cận Tết, vợ chồng chị tranh thủ cùng nhau lau dọn, trang hoàng nhà cửa, nấu bánh chưng chờ đợi khoảnh khắc đón giao thừa.

“Thời điểm này nếu ở quê, chúng tôi đã quây quần bên nhau cùng ăn bánh mứt, thưởng thức ly trà nóng trong niềm hạnh phúc. Với người lớn tuổi, không gì vui hơn là thấy con cháu họp mặt đông đủ mỗi khi Tết đến xuân về. Vậy nên, sau khi hoàn tất mọi việc, trước khi giao thừa, cả nhà tôi đều ngồi lại bên nhau chúc Tết online. Ít ra được nhìn thấy mặt nhau, nghe giọng nói của nhau cũng là niềm an ủi”, chị Thảo ngậm ngùi nói.

Một năm đi làm xa nhà, Tết cổ truyền là dịp để những người con xa quê trở về thăm ông bà, cha mẹ, quê hương, trước là vui xuân, đón Tết, sau là tri ân các đấng sinh thành và thưởng thức không khí Tết quê. Truyền thống đó dường như đã ăn sâu vào máu thịt. Song, hai năm nay vì Covid-19 mà dự định đón Tết sum vầy tại quê hương của không ít người phải hoãn lại.

Dẫu vậy, bằng nhiều cách khác nhau như gọi điện, nhắn tin, gọi video qua các ứng dụng của facebook, zalo…, hay dành thời gian chọn những món ngon gửi về biếu ông bà, tự tay nấu những mâm cỗ đậm vị cũng là cách để người ở lại lưu giữ Tết quê. Và với chị Xuân, chị Phương, chị Thảo cũng như mọi người, dù vì nhiều lý do không được về quê dịp Tết, nhưng thông qua cách nào đó họ vẫn “trở về” với quê hương, về với mẹ bằng tất cả tình yêu thương.

NHẬT LỆ

;
;
.
.
.
.
.