Đà Nẵng cuối tuần
Háo hức với STEM
Những hoạt động giáo dục STEM giúp truyền cảm hứng cho học sinh phổ thông niềm đam mê khoa học, công nghệ, góp phần định hướng lĩnh vực phù hợp trong hướng nghiệp.
Học sinh các trường phổ thông ở Đà Nẵng tham gia cuộc thi U-Invent. (Ảnh do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng cung cấp) |
STEM không chỉ là robot và máy tính. Các chủ đề của STEM rất đa dạng, từ sinh học, hóa học, vật lý, đến khoa học môi trường…
Chơi mà học
Chỉ với các vật liệu đơn giản, dễ tìm như chai nhựa plastic dung tích 1,5 lít, van bơ, van xả, ống dẫn nước, bơm tay, bánh xe, súng bắn keo, keo nến, thước đo, các vật liệu nhẹ như giấy, plastic, nhựa mềm…, 3 nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã được cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (giáo viên môn Vật lý) hướng dẫn thực hiện “Mô hình và hoạt động của xe chuyển động bằng phản lực”.
Cô Hiếu cho biết: “Mô hình này giúp học sinh hiểu được ứng dụng định luật bảo toàn động lượng vào trải nghiệm cuộc sống thực tế bằng cách thiết kế các “động cơ” chuyển động bằng phản lực đơn giản”.
Để có mô hình thành công, có thể chuyển động được, theo cô Hiếu, học sinh phải nắm và vận dụng một số kiến thức các môn Vật lý, Toán, Công nghệ, Kỹ thuật. Với dự án Mô hình và hoạt động của xe chuyển động bằng phản lực, học sinh rất hứng thú, tham gia tích cực, có nhiều sáng tạo khá phong phú. Từ đó, tổ Vật lý - Trường THPT Trần Phú đã triển khai nhân rộng trong hoạt động ngoại khóa của tổ cho học sinh toàn trường.
Trong khi đó, cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, Đại học Đà Nẵng) tổ chức dành cho học sinh các trường THPT ở Đà Nẵng đã bước sang mùa thứ tư với chủ đề “Sáng tạo công nghệ vì lương thực thực phẩm”. Cuộc thi nhằm khuyến khích sự nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng các kiến thức đó để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Các đội đã tự tin sử dụng công nghệ để chế tạo nhiều sản phẩm công nghệ tân tiến như App điện thoại hay xây dựng trang web thông qua việc lập trình; sử dụng bã rơm thay cho nhựa trong các vật dụng thường ngày; hay một chiếc tủ lạnh thông minh có thể quét được mã QR...
Các đội tham gia U-Invent được huấn luyện về tư duy thiết kế và giới thiệu công nghệ; trình bày các vấn đề cần giải quyết và giải pháp sáng tạo, đồng thời tiếp nhận các đánh giá, tư vấn từ chuyên gia. Ban cố vấn là các giảng viên, chuyên gia, huấn luyện viên về mảng công nghệ, hóa - sinh, kinh tế - kinh doanh và những cựu học sinh đã tham gia các mùa U-Invent trước.
Rèn luyện kỹ năng cần thiết
Tấn Tài, Minh Khoa, Nhật Huy, Nhân Kiệt và Thu Hiền (nhóm Aleron) đến từ các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh và THPT Trần Phú chia sẻ: “Từ khi tham gia cuộc thi U-Invent đến nay, nhóm em đã thay đổi khá nhiều ý tưởng. Để tìm được giải pháp cho các ý tưởng, tụi em đã trải qua nhiều giai đoạn, phải “đập đi xây lại” nhiều lần. Tụi em đã có được nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức mới từ những lời góp ý và hướng dẫn.
Tấn Tài cho biết, các bài tập về nhà giúp nắm bắt lại kiến thức về tư duy thiết kế, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian hiệu quả. “Với em, đây là những kỹ năng rất cần thiết, đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện giúp chúng em suy nghĩ sâu hơn vấn đề”.
Để giúp học sinh THPT có định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ triển khai khóa học về STEM tại 3 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, dự kiến khai giảng khóa học vào tháng 3-2021.
“Khóa học sẽ góp phần giúp học sinh có thể ứng dụng kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật cũng như kiến thức cơ bản về Toán học, đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề cũng như khám phá những năng lực của bản thân và dần hình thành lộ trình nghề nghiệp trong tương lai”, TS. Tào Quang Bảng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa cho biết.
HÀ TRẦN