Đà Nẵng cuối tuần

Hơi ấm vòng tay

14:59, 19/02/2022 (GMT+7)

Có lần tôi tham gia một chương trình truyền hình trong vai trò biên tập viên, trước lúc ê-kíp bấm máy quay, hình ảnh của MC khiến tôi ấn tượng mãi: Cậu ôm thật chặt người thân đi cùng, là bố của mình. Người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ, quần short ngang gối và đi đôi dép lê. Có lẽ vì mặc sơ sài nên ông ngại, chỉ đứng nép ở cánh cửa nhìn vào. Mãi sau này thân với cậu MC, hỏi lại tôi mới biết vì cậu mới vào nghề nên thiếu tự tin. Một cái ôm sẽ khiến cậu tự tin hơn. Cậu luôn cần một cái ôm của người thân, bạn bè, hay bất kỳ ai để cậu nhận được năng lượng sẻ chia, tin tưởng.

Một cái ôm, không phải ai cũng may mắn nhận ra giá trị của nó. Câu chuyện về hơi ấm vòng tay luôn để lại cho tôi nhiều xúc cảm. Bạn tôi, lấy chồng theo đạo Thiên Chúa, trong mỗi thánh lễ đều có nghi thức chúc bình an cho người bên cạnh. Có thể chỉ là cái bắt tay, ánh mắt, hay cúi đầu chào nhau, hoặc là vòng tay - nếu được sự đồng thuận của người bên cạnh. Bạn tôi kể, lần đó hai vợ chồng mới cưới, tuần nào cũng giận nhau thiếu điều muốn ly hôn. Rồi tất cả được hóa giải sau cái ôm mỗi thánh lễ ngày Chủ nhật. Bạn nói, dù giận lắm nhưng thấy vòng tay tha thiết vòng tay thì lại thương, bỏ qua hết. Đến nay vợ chồng bạn đã có hai mặt con, và bạn luôn biết ơn những vòng tay chúc bình an như thế.

Một lần, tôi đi điều trị cơ xương khớp ở một nơi uy tín tận vùng quê. Nơi này chữa trị theo phác đồ tập trung cho việc hít thở, tập luyện thể dục, vật lý trị liệu. Ở phòng khám và làm hồ sơ điều trị, tôi nghe câu chuyện giữa bác sĩ với bệnh nhân. Bệnh nhân là một người bị tai biến, ngồi xe lăn và gần như không chủ động được trong sinh hoạt. Bác sĩ hỏi cặn kẽ người đi cùng bệnh nhân là ai, dường như có điều gì đó rất quan trọng trong việc xác định người đi cùng.

Hình như đâu đó trên bảng nội quy có nhắc đến điều đặc biệt này: Người chăm sóc bệnh nhân tai biến phải là người thân ruột thịt. Tại sao? Chỉ là bệnh nhân tìm đến vì có bệnh cần điều trị, thì việc của bác sĩ chẳng phải là giúp bệnh nhân phục hồi căn bệnh để trở về với gia đình, cuộc sống? Những ngày điều trị và tìm hiểu lý do trên, tôi càng vỡ lẽ ra nhiều điều. Ở nơi này, sự phục hồi của bệnh nhân nhanh hay chậm, ngoài phác đồ phù hợp, còn phụ thuộc vào tinh thần. Nếu bệnh nhân được ân cần chăm sóc bằng chính tình thân thì khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn. Người tai biến luôn cần có người cạnh bên như sự đồng hành, dìu nhau qua những ngày khó khăn nhất, vì vậy mà khác lắm giữa công việc mang hương vị tình thân với công việc được trả thù lao đơn thuần.

Trong một lần ngồi ăn trưa tại bếp ăn từ thiện, vị bác sĩ nói về giá trị của hơi ấm gia đình. Nếu cha mẹ, ông bà mình là bệnh nhân thì những người con trong gia đình còn chần chờ điều gì ngoài việc quan trọng nhất: ở bên cạnh đấng sinh thành của mình. Đừng nói là bạn có tiền, bạn sẽ thuê người làm thay những việc tay chân; cũng đừng nói bạn bận rộn nên không thể túc trực chăm sóc. Khi ấy, việc của những người con là ở bên cạnh cha mẹ, ông bà mình, không có bất cứ điều gì quan trọng hơn. Đó mới là đạo hiếu. Hơi ấm của tình thân là mối quan hệ ruột thịt mà không một ai khác thay thế được. Có như vậy, bệnh nhân mới ấm lòng mà có động lực vượt qua giai đoạn ốm đau bệnh tật.

Ngày rời khỏi giường bệnh, tôi ngoái lại nhìn cánh cổng phòng khám - nằm giữa cánh đồng nhấp nhô theo từng vạt nắng, cảm nhận sâu sắc hơn về hơi ấm tình thân chính là liều thuốc phục hồi nhanh nhất mà giữa dặm dài mệt mỏi nhiều khi ta có phần lãng quên.

ÁNH HƯỜNG

.