Một mùa xuân nữa đang về

.

Sông quê tôi mùa nào cũng đẹp, nhưng biêng biếc, tỏa khói, gợi nhiều bâng khuâng nhất có lẽ vào những ngày giáp Tết.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bao giờ cũng thế, nhìn những làn khói không ngừng bay lên trên đỉnh những ngọn tre và mái những ngôi nhà ở bên kia sông, tôi luôn mường tượng cảnh sum vầy no đủ. Ở đó có tiếng chày thình thịch của người chồng đang phụ vợ giã bột làm bánh, người bà ngồi chẻ lạt bên cạnh bếp lửa đang đun nước sôi tí tách. Sát giếng nước là dáng dấp một phụ nữ vừa giặt giũ, vừa nhắc nhở những đứa con đừng nghịch nước mà lem lấm hết áo quần. Khói bên sông khiến tôi nhớ nhà ngay cả lúc đang ở nhà.

Đã nhiều lần tôi thơ thẩn bên bờ sông và bị mẹ mắng khi không chịu cần mẫn múc nước giúp mẹ tưới ngô non. Cùng đôi chân trần náu mình trên màu đất nâu sẫm, mắt tôi không ngừng bám lấy những lay động có màu sắc pha trộn lạ lùng. Màu xanh biếc của làn nước trong veo, màu hồng tía của những vệt nắng đẹp như dải lụa thi nhau đan xuống, màu xanh lơ pha chút tối sẫm của những hàng cây đang rủ bóng sát mặt sông. Tất cả quyện lại thành bức tranh thủy mặc nửa hư nửa thực, ẩn ẩn hiện hiện sau làn khói sương mờ xám.

Trước đây, khi các xóm, thôn còn đông đúc, hệ thống nước máy chưa “phủ sóng” về làng, những ngày như thế này, bờ sông quê tôi luôn nhộn nhịp như những buổi họp chợ. Những cô gái mang áo, mang chiếu ra sông giặt; những mệ già gánh rổ rá, xoong nồi ra cọ rửa; những trai tráng lại lựa bờ cỏ mềm để mổ lợn, mổ gà chuẩn bị cho việc chia thịt, cúng điếu ở đình làng… Tiếng vỗ nước rào rào, tiếng chuyện trò râm ran trên bờ dưới bến. Bờ bên này cũng vui nhộn hệt bờ phía bên kia. Thế mà, đứa hiếu kỳ như tôi vẫn không ít lần tò mò và so sánh. Tiếng cười bên kia hình như vang hơn, những người bên kia đang vui hơn, những câu chuyện lạ xa hẳn có nhiều điều hấp dẫn?

Làng tôi gần sông, mỗi năm lũ về lại mang theo ít đất ra biển. Nếu đầu làng lở, cuối làng chắc chắn sẽ có đoạn bồi. Thế nhưng, rất khác ngày xưa, cư dân bây giờ chẳng còn chuyển dời theo con nước. Họ đi tìm sự sống và tương lai mới ở những nơi chốn nhộp nhịp, gần quốc lộ nhiều hơn.

Tôi biết, nếu lấy điểm nhìn từ phía bờ bên kia, những ngọn khói làng tôi đã không còn dày đặc, tỏa ấm như thuở trước. Ngay như xóm nhà tôi, nếu trước đây thuộc hàng quần tụ bậc nhất thì bây giờ chỉ còn lác đác vài ba nóc nhà chìm chơi vơi giữa những tầng cây xanh um màu lá. Bà Mùi, bà Tí già rồi và neo con cháu nên không mạnh dạn chuyển đi theo diện di dời. Ba tôi cũng là người cố chấp, ba bảo dù ai đi ngược về xuôi thì ba sinh ra, lớn lên và sẽ qua đời trên chính mảnh đất của tổ tiên để lại. Ba có lý, vì lo cho dân, Nhà nước cũng đã làm kè kiên cố, xây nhà chống lũ ngay tại địa phương. Sau này, dù nước lớn bao nhiêu cũng không còn lo nhiều nữa. Có lũ bồi phù sa, lũ tắm ruộng biền, nhờ nước sông mang cá đến, biền bãi gọi chim về… Khó nơi đâu trù phú bằng ngôi làng bên sông!

Trên bến người đã chuyển đi, con nước dưới bờ vì thế cũng nhiều đồng vọng, thế nhưng sông muôn đời vẫn luôn mang vẻ đẹp tựa như một người con gái biết uyển chuyển, tĩnh lặng để đợi chờ. Mùa hè, sông không còn ngát hương thơm của hoa chanh, hoa nhãn, không trập trùng chở những hoa trái của miền miệt vườn mang ra chợ bán. Nhưng chỉ cần gió xuân gõ cửa, lộc biếc cựa mình thì sông lại cùng bờ bãi thay mới xiêm y. Những biền cà, biền đậu, biền ngô bắt đầu dàn hàng nhú lên tít tắp… Một màu xanh như mạ non mang đến vẻ trong trẻo, tinh khôi muôn thuở  cho xóm làng.

Sáng nay, sau thời gian xa quê, tôi ùa về thăm cha mẹ. Khu vườn của ba đã rậm tán hơn nhiều, tôi men theo luồng gió, ùa chạy ra phía sông xanh. Nghe đâu đó xa xôi nhịp mái chèo lộc cộc của người ngư dân chài cá. Bờ bên kia, những làn khói ấm đang bay lên, mái ngói nâu sẫm nhà ai bỗng chùng chình, sinh sôi thương nhớ… Tôi nghe tiếng cười, tiếng thăm hỏi, dặn dò nhau, một mùa xuân nữa đang về…

ĐAN HẢI

;
;
.
.
.
.
.