Cô gái nhìn ra ngoài ngõ…
Con ngõ dài như được thắp lên một màu bông trang rực đỏ.
Những mùa bông trang đã đi qua trái tim cô gái để lại những hoài âm dịu ngọt. Đó là ngày tuổi thơ cùng mấy đứa con gái trong xóm đi bứt bông trang để hút mật. Những đôi môi thanh tân ngậm chặt cuống hoa nhấm nháp vị ngọt thanh thanh của gió, của sương và nắng mùa xuân vàng ruộm khu vườn. Cứ thế bầy con gái nhỏ mắt môi long lanh như những con ong an nhiên bay trên những ngõ hoa trang hút mật quanh vườn.
Cây bông trang có tên gọi khác là cây hoa mẫu đơn, hay cây đơn, có giống màu đỏ, màu vàng, màu trắng, hoặc màu hường. Ảnh: vuonuomsomot.com |
Bông trang vốn là bông của tuổi thơ vụng dại. Bọn con gái ở quê ngày ấy rất thích bứt hoa trang làm bông tai đeo điệu đà như mấy chị gái lớn trong làng đeo tằm đong đưa theo mỗi bước chân. Chẳng là hồi ngày ấy ở quê, con nít chỉ được đeo khuyên tròn. Lớn lên đến tuổi cập kê thì đeo tằm. Lớn chút nữa lấy chồng thì đeo bông tai búp (nụ). Có con tay bế tay bồng rồi thì đeo bông nở... Bởi thế, hồi xưa có cái hay, chỉ cần ngó vô đôi bông tai là biết “vườn hồng” đã có “ai vào hay chưa”!
Bông tai bằng hoa trang chưa qua buổi sáng đã héo hắt giống như giấc mơ đổi đời các cô gái thôn quê ra thành phố. Vài mươi bữa lại có đôi cô gái khăn gói rời làng đi tìm giấc mơ của mình. Rồi cũng đôi ba tháng lại có người lặng lẽ trở về con ngõ nhỏ. Nhìn màu hoa trang mà nhớ chuyện ngày xưa ở nhà ngoại.
Bông trang có vị chua chua chát chát nên hay được làm món ăn. Nhớ cái món “tam hữu” của bà ngoại làm mỗi khi nhà có đám giỗ chạp, tất niên... Một lát chả lụa hay chả bò cắt cỡ ngón tay, một con tôm luộc đỏ au, một lát thịt heo ba chỉ luộc, mỡ trong veo nổi rõ 3 đường vân thịt hồng hồng, vài cánh bông trang đỏ vàng và nhánh rau thơm xanh mướt. Lấy nhánh hành lá trụng nước sôi cho dai rồi quấn chung lại với nhau thành một cuộn nhỏ xinh xinh. Xếp tất cả cuộn hoa lên chiếc đĩa có hình cô tiên xiêm áo thướt tha… thì không khác gì một bức tranh tiên cảnh.
Món “tam hữu” này thường được dùng như một món khai vị trong mâm cỗ quê. Người ăn nhẹ nhàng gắp một cuộn hoa chấm ngập vào chén mắm ớt tỏi đặc quánh. Vị chua chua của hoa cỏ vườn nhà, vị ngọt thanh của tôm sông quyện với cái béo ngậy của thịt heo khi đưa vào miệng bỗng hóa thành nỗi luyến lưu của bao người.
Bữa mô không có bông trang, ngoại lại biểu mấy đứa nhỏ bẻ bông phượng thay thế. Cây bông phượng quê chỉ nhỉnh hơn đầu người lớn chút đỉnh chứ không cao lớn như cây phượng vĩ mà người Pháp đem sang vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX và trở thành loại hoa biểu tượng cho tuổi học trò. Phượng quê thân nhỏ nhiều gai và có đủ màu vàng, hồng, đỏ... Loại bông này thường hay dùng để chưng bình bông cúng rằm, mồng một. Bông phượng tuy không có mật ngọt nhưng cánh hoa cũng có vị chan chát và chua nhẹ. Đôi khi ngẫu hứng, ngoại lại cho cả bông trang, bông phượng vào khiến món ăn thành một mùa xuân ngập tràn hương sắc.
Cô gái từng có những ngày lê la ở làng rau Trà Quế ở Hội An không chỉ vì những vườn rau tơ nõn mà vì một món ngon mang tên “tam hữu”. Nó không chỉ ngon vì rau tươi, thịt ngon, tôm ngọt mà nhìn món ăn này cô gái lại nhớ đến ngoại của mình. Chỉ tiếc là vắng sự hiện hữu của màu hoa trang đỏ của những con ngõ đầy nắng.
Tết năm nay thật là tĩnh lặng khiến người ta có đủ thời gian đem phơi ký ức trước hiên nhà. Những hoài niệm mang hình dáng của những cuộn hoa, chấm ngập vào chén nước mắm ớt tỏi chua ngọt đầy luyến lưu ở bờ môi.
Xỏ chân vào đôi dép, cô gái rời mái hiên lấp lánh nắng bước ra vườn. Bứt nhẹ một cánh bông trang đưa lên miệng cười một mình. Sắc xuân ngập ngừng lướt qua trên những cánh hoa quê ngoại…
NHƯ HẠNH