Indonesia dời đô

.

Năm 2024, Indonesia sẽ có thủ đô mới mang tên Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, thay vì Jakarta nằm trên đảo Java hiện nay.

Kế hoạch dời chính phủ khỏi siêu đô thị sầm uất Jakarta với hơn 10,5 triệu dân đã được nhiều đời tổng thống Indonesia đưa ra, nhưng đến thời Tổng thống đương nhiệm Joko “Jokowi” Widodo thì mới thực hiện được.

Thủ đô Jakarta hiện tại của Indonesia có dân số hơn 10,5 triệu người. Ảnh: Malaysia Now
Thủ đô Jakarta hiện tại của Indonesia có dân số hơn 10,5 triệu người. Ảnh: Malaysia Now

Nỗ lực của Tổng thống Widodo

Ngày 18-1-2022, Quốc hội Indonesia thông qua luật dời thủ đô Jakarta, tạo cơ sở pháp lý để hiện thực hóa “siêu dự án” của Tổng thống Widodo. Tên của thủ đô mới là Nusantara, cách thủ đô Jakarta 2.000km về phía đông bắc, do chính ông Widodo chọn trong số 80 cái tên được đệ trình. Trong tiếng Indonesia, Nusantara nghĩa là “quần đảo”. Theo ông Widodo, đây là danh từ mang tính biểu tượng quốc tế, dễ đọc, dễ nhớ và mô tả đặc thù địa hình của đảo quốc này. Song, nhiều người cho rằng, tên của thủ đô mới có thể dễ bị nhầm lẫn với cả quốc gia.

Theo báo Nikkei, việc lựa chọn tên cho thủ đô mới phản ánh nỗ lực của Tổng thống Widodo trong việc chuyển hướng phát triển ra khỏi đảo Java với kế hoạch dời thủ đô hành chính từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan - nơi dường như an toàn hơn trước các nguy cơ thảm họa thiên nhiên.

Java từng là trọng tâm phát triển của các chính phủ trước đây của Indonesia, dẫn đến sự tập trung nặng nề các hoạt động kinh tế và dân số trên các hòn đảo nhỏ nhất của quốc gia Đông Nam Á này. Thành phố Jakarta có diện tích 661,5km², nhưng dân số quá đông dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên.

Bên cạnh đó, Jakarta đang chìm nhanh, 2/5 diện tích đã chìm xuống dưới mực nước biển. Các chuyên gia khí hậu cảnh báo, đến năm 2050, có 95% phía Bắc Jakarta sẽ bị chìm. Tốc độ sụt lún đáng lo ngại ở Jakarta do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu. Thành phố này nằm trên vùng đất đầm lầy với 13 con sông chảy qua và chịu sự tác động từ biển Java hằng ngày. Ngoài ra, có một nguyên nhân lớn nữa là việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm của cư dân.

Trong tương lai, Jakarta không còn là thủ đô nhưng vẫn là trung tâm thương mại và tài chính của quốc gia. Phát biểu với báo chí, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan khẳng định: “Jakarta sẽ tiếp tục là trung tâm kinh tế, trung tâm các lĩnh vực khác như văn hóa…”. Bà Elisa Sutanudjaja, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu đô thị Rujak nói rằng, tương lai của Jakarta phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Indonesia.

“Siêu dự án” gần 33 tỷ USD

Năm 2019, Tổng thống Widodo tuyên bố sẽ dời thủ đô từ siêu đô thị Jakarta đến khu vực Penajam Paser Utara và Kutai Kartanegara ở tỉnh Đông Kalimantan. Việc xây dựng thủ đô mới dự kiến được triển khai vào năm 2020 nhưng đại dịch Covid-19 khiến dự án bị trì hoãn. Đông Kalimantan có diện tích khoảng 127.000km2, với hơn 3,7 triệu dân.

Kế hoạch dời đô dự kiến sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (gần 33 tỷ USD), trong đó chính phủ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, việc dời đô sẽ được tiến hành trong quý 1-2024, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Widodo. Thủ đô mới sẽ được xây dựng trong 3 giai đoạn, giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2022-2024; giai đoạn 2 và giai đoạn 3 kéo dài 20 năm đến năm 2045.

Ông Imam Santoso Ernawi, người đứng đầu Lực lượng chuyên trách quy hoạch và phát triển thành phố thủ đô mới thuộc Bộ Công trình và Nhà ở công cộng Indonesia (PUPR) cho biết, Nusantara chia thành 3 khu vực, trong đó khu vực 1 cần được hoàn tất vào năm 2024 gồm các công trình cốt lõi của chính phủ như: Phủ Tổng thống, trụ sở các bộ, nhà ở dành cho công chức và nhà thờ Hồi giáo quốc gia. Khu vực 2 gồm một trường đại học cấp quốc tế và một trung tâm thể thao quốc gia. Khu vực 3 gồm một bệnh viện cấp quốc tế.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đưa thủ đô mới lọt top 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới và thu hút nhân tài người nước ngoài, đặc biệt là từ các nước Đông Nam Á.

Indonesia sẽ là quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á dời thủ đô. Trước đó, nước láng giềng Malaysia chuyển thủ đô hành chính đến thành phố Putrajaya vào năm 2003 và Myanmar dời đô đến thành phố Naypyidaw vào năm 2006.

KHÁNH LINH (theo Nikkei, ABC News, Reuters)

;
;
.
.
.
.
.