Đà Nẵng cuối tuần
Cái thú đi câu
Gần nhà tôi có một cái hồ mà những người mê câu cá thường tới ngồi từ chiều đến tối. Chủ hồ mở dịch vụ cho câu cá thuê từ nhiều năm nay, đặt tên là “Hồ câu”. Xung quanh hồ có rất ít cây xanh. Những người đi câu đến bên hồ ngồi tản ra mỗi người một góc, tay cầm cần câu, mắt đăm đăm nhìn xuống mặt hồ. Họ khiến tôi nhớ đến ông cụ chủ nhà mình từng thuê trọ trong những năm tháng sống ở Hà Nội.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Lúc đó, ngày nào cũng vậy, mùa đông cũng như mùa hè, cứ khoảng 16 giờ 30, ông cụ đội chiếc mũ nồi mang theo bộ cần câu ra hồ. Ông ngồi câu cá đến khi trời tối hẳn mới đứng dậy về nhà. Rất nhiều buổi ông về tay không, trong chiếc xô nhựa chẳng có gì ngoài vài chiếc lá khô. Bà cụ thường dốc ngược chiếc xô lên nhìn lá khô rơi xuống, móm mém cười. Bà biết ông đi câu đâu phải vì thích cá nên chỉ cần nhìn thấy dáng người thong thả trở về là đã vui rồi. Ở tuổi ông, việc tìm thấy và duy trì một thú vui gì đó là điều may mắn.
Có lần ông cụ nói: “Tôi sinh ra và lớn lên vào thời chiến tranh. Thời đó, con người không có quyền sống chậm bởi còn bận lao động sản xuất, cuống cuồng chạy bom, gấp gáp hành quân đánh giặc. Chiến tranh kết thúc, tôi cũng như bao người khác phải dồn hết tâm sức cùng cả nước gấp rút xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mãi đến khi nghỉ hưu mới có thời gian sống cho mình. Giờ mà không sống chậm thì còn chờ đến bao giờ nữa”.
Bà kể, lúc còn trẻ, ông đi suốt từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam. Thỉnh thoảng ông tranh thủ về thăm nhà ít ngày rồi lại đi. Bà sinh 6 đứa con đều chỉ có một mình. Thời gian vợ chồng ông bà được sống gần nhau trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mấy chục năm sống cảnh vợ chồng mỗi người một nơi mà bà chưa từng ghen tuông, hờn giận. Ấy thế mà bây giờ nhiều khi bà lại nổi cơn ghen rất lạ. Bà bảo: “Ông ấy đi câu ký ức đấy. Mà ký ức của ông chắc gì đã có bà”.
Có hôm theo chân ông đi câu, tôi chợt nhớ đến lời người xưa: “Sông sâu tĩnh lặng/ Lúa chín cúi đầu”. Chắc không phải người nào đi câu cũng giữ tâm trí mình tĩnh lặng như cái vẻ bên ngoài. Ở độ tuổi ở phía bên kia con dốc của cuộc đời như ông cụ, chắc sẽ có nhiều chuyện nhớ nhớ, quên quên. Mà con người khi càng về già càng tha thiết được nhìn lại đời mình, để hồi tưởng chuyện xưa, nhớ thương người cũ, để biết trân trọng những ngày đang sống khi đã trải qua thăng trầm.
Bây giờ, mỗi lần đi qua chiếc hồ gần nhà, tôi vẫn thường thắc mắc họ đang nghĩ gì trong lúc ngồi câu. Bạn tôi - một người bận rộn - từng nói: “Thời gian của một kẻ đi câu giống như thời gian chết”. Với bạn, đi câu là xa xỉ và phù phiếm vô cùng. Nhưng với bao người trót mê đi câu hẳn thấy đó là quãng thời gian đáng sống.
Bởi lẽ, những khoảng lặng cần thiết ấy sẽ giúp người ta trút bỏ bao gánh nặng lo toan của đời sống thường nhật, để có thể thảnh thơi ngắm mặt hồ phẳng lặng, chờ bóng chim tăm cá. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào/ Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao”.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG