Đà Nẵng cuối tuần
Nơi cộng đồng gắn kết
Một khu dân cư vững mạnh, yên bình là nơi có cộng đồng gắn kết, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần. Sau hai năm Covid-19 xuất hiện, đời sống người dân tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng những nghĩa cử ấy càng ý nghĩa hơn.
Không đợi bản thân giàu có mới giúp đỡ người khác là câu trả lời của chị Nguyễn Thị Đậu (tổ 34, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) khi được hỏi vì sao một người hoàn cảnh khó khăn như chị mà vẫn dành thời gian, tâm sức giúp người khác. Khu dân cư nơi chị Đậu sinh sống có khá nhiều trẻ em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa. Biết vậy, chị tìm cách giúp đỡ, khi chia lại phần quà của gia đình, khi xin bạn bè và người thân trợ giúp.
Trong các trường hợp chị kết nối hỗ trợ thường xuyên, có Võ Thành Vinh (SN 2007, trú 866/4 Ngô Quyền), ba mất, mẹ lấy chồng, em ở với người bà già yếu, cuộc sống muôn phần khó khăn. Những bữa cơm thiếu trước hụt sau của hai bà cháu không khổ bằng cảnh Vinh đi học không đủ tiền, bị bạn bè trêu ghẹo.
Chị Đậu hay tin, tìm tới nhà thăm hỏi, động viên và kết nối giúp Vinh mỗi tháng 500.000 đồng. Một trường hợp khác là em Nguyễn Công Duy (trú 36 An Hải Bắc 6), mẹ qua đời, cha bị mất 2 tay do tai nạn lao động năm 2008, cũng được chị kết nối, hỗ trợ theo tháng với mức tiền tương tự. Cứ thế, giúp đỡ người khác trở thành niềm vui của chị Đậu dù chị bảo mình không có gì ngoài tấm lòng và sự quan tâm dành cho người có hoàn cảnh kém may mắn.
Hiện nay, trong các hoạt động diễn ra hằng ngày trên địa bàn khu dân cư, an sinh xã hội vẫn là câu chuyện được cộng đồng quan tâm và chia sẻ nhiều nhất. Mới đây, một gia đình trẻ có con khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đã nhận được sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của nhiều người sau khi người mẹ lên tiếng gia đình không có tiền mang con đi chữa bệnh.
Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường An Hải Bắc nói rằng, tinh thần sẻ chia, lá rách ít đùm lá rách nhiều rất cần được phát huy và nhân rộng tại địa bàn khu dân cư. Bởi lẽ, theo bà Thanh, tình thương và sự quan tâm giữa con người với con người sẽ là nhân tố tích cực giúp xã hội gắn kết theo chiều hướng có ích cho cộng đồng.
Sự sẵn sàng “tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn” là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Và hơn ai hết, chính lực lượng cán bộ cơ sở là những người tiên phong theo sát hoạt động này. Ông Lê Công Kỷ, Tổ trưởng tổ 90, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết, người dân tổ 90 phần lớn là cán bộ, công chức Nhà nước, họ nắm rõ luật và những quy định hiện hành.
Do đó, trong công tác đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm, bản thân ông làm rất chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công bằng cho tất cả hộ dân. Theo ông Kỷ, với đặc thù sinh sống trong cùng khu chung cư, các hộ dân tổ 90 luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. “Chúng tôi gắn kết người dân trong nhiều hoạt động chung như ra quân dọn vệ sinh môi trường, giữ gìn khuôn viên khu chung cư cũng như hỗ trợ các hộ gặp khó khăn trong Covid-19”, ông Kỷ cho hay.
Có thể nói, gắn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh tập thể tại khu dân cư. Quay lại câu chuyện về chị Nguyễn Thị Đậu, gần 5 năm nay, dù mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe suy kiệt nhưng chị vẫn không dừng việc giúp người. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã cười và nói với chúng tôi rằng, nhờ “cho đi” mà chị đã “nhận về” niềm vui, sự yêu thương, đùm bọc từ bà con, xóm giềng. “Trong cuộc sống, ai cũng thích ở cạnh những người hàng xóm hiền lành, tốt bụng, tối lửa tắt đèn có nhau. Vì thế, tôi chọn làm một hàng xóm dễ thương như thế, để những người sống quanh tôi luôn vui vẻ, chan hòa”, chị Đậu chia sẻ.
HUỲNH LÊ