Đà Nẵng cuối tuần

Những năm Dần trong đời Phan Châu Trinh

08:20, 20/03/2022 (GMT+7)

Tuy hưởng dương chỉ 54 tuổi nhưng Chí sĩ Phan Châu Trinh có 4 năm Dần “vận” vào cuộc đời ông như “định mệnh”.

Khu mộ Phan Châu Trinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Khu mộ Phan Châu Trinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Canh Dần, 1890

Đây là năm Phan Châu Trinh nghe tiếng Huỳnh Thúc Kháng nên đã tìm đến để kết giao, như Huỳnh Thúc Kháng cho biết trong tác phẩm Huỳnh Thúc Kháng tự truyệnThư gửi Kỳ Ngoại hầu Cường Để (NXB Văn hóa - Thông tin, 2000): “Thành Thái năm thứ hai (Canh Dần, 1890)… tôi về học tại trường Đại Đồng… Năm ấy Tây Hồ Phan quân Châu Trinh nghe tiếng đến tìm” (trang 23).

Sau đó, hai người trở thành một đôi đồng hương (cùng quê Hà Đông), đồng môn (cùng học trường làng Đại Đồng, Trường Huấn Hà Đông, Trường Đốc Thanh Chiêm), đồng khoa (cùng đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Canh Tý), đồng chí (cùng là lãnh tụ của phong trào Duy tân chủ trương dân chủ, bất bạo động); gắn bó với nhau suốt đời và trở thành một đôi tri kỷ hiếm thấy.

Đặc biệt, khi cụ Phan trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24-3-1926, cụ Huỳnh cũng là người cuối cùng nghe lời trăn trối: “Khi tôi đến Sài Gòn thì bệnh Tây Hồ đã nặng lắm, không ngồi dậy được chỉ ngó nhau cười, nhưng khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết: Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoảng ngắn ngủi cũng đủ rồi; can trường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều. Nói xong Tây Hồ qua đời!” (Sđd, trang 61).

Nhâm Dần, 1902

Đây là năm Phan Châu Trinh bắt đầu tiếp xúc với Tân thư (Sách mới) để từ đó hình thành tư tưởng dân chủ, dân quyền, tư tưởng chủ đạo của phong trào Duy tân. Những tư tưởng này đã theo suốt cuộc đời Phan Châu Trinh và được ông vận dụng; tính đến nay đã tròn “hai vòng hoa giáp” mà vẫn mới mẻ, đầy chất thời sự!

Năm 1902, sau khi thi đỗ và làm Hành tẩu Bộ Lễ, Phan Châu Trinh bắt đầu giao du với Đào Nguyên Phổ, Thân Trọng Huề và được những vị này giới thiệu các sách “tân thư” của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vy dịch hoặc nói về tư tưởng dân chủ của Lư Thoa (J.J. Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu).
Huỳnh Thúc Kháng trong Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử cho biết, Phan Châu Trinh “thường qua lại với ông Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ mượn sách ấy xem, trong lòng ham thích quên ngủ, quên ăn, từ đó trong tư tưởng đổi hẳn ra một cách mới mẻ”.

Giáp Dần, 1914

Là năm bi thương nhất trong cuộc đời Phan Châu Trinh: vợ chết và bản thân bị lao tù.

Trước đó, người Pháp muốn “khử” Phan Châu Trinh để tránh hậu họa nên có lần họ định “đày” ông đến một nơi xa xôi hẻo lánh để tách ông ra khỏi những người Pháp tiến bộ trong Hội Nhân quyền và cộng đồng Việt kiều. Ông kiên quyết “bám trụ” tại Paris. Bước tiếp theo, họ định đưa ông (cùng Phan Văn Trường) vào quân đội để vừa cách ly, vừa dễ quản lý. Ông từ chối với lý do là dân An Nam nên không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự cho Pháp.

Cuối cùng họ quyết đưa ông vào tù bằng cách vu khống cho ông tội thông đồng với Đức âm mưu chống lại nước Pháp. Ngày 14-9-1914, họ lục soát phòng trọ và bắt giam ông vào nhà ngục Santé với mưu đồ làm cho ông “chết mòn, chết rục, chết vắng, chết thầm” trong ngục hoặc “đợi cho đến khi Paris có lộn xộn thì đem đến chỗ vắng mà giết”.

Trong ngục, ông phải chịu cảnh khổ cực: “Tôi không tội gì mà bắt tôi phải nằm một giường sắt, ngủ một cái nệm rơm, trùm một chiếc chăn rách trống đầu trống đuôi mua từ năm 1881, mai húp một chút nước sôi, chiều uống một chút nước rau luộc, mỗi ngày ăn một ổ bánh mì đen mà người ta quăng lên liệng xuống dưới cái sàn dơ nhớp, cả ngày lăn lộn trong một cái xó…” (Thư ngày 2-5-1915).

Trong tù, ông viết Santé thi tập, một tác phẩm đặc biệt với không khí đấu tranh nghẹt thở cận kề cái chết, nhưng rất điềm tĩnh, đầy tính nhân văn.

Ông đấu tranh quyết liệt. Cuối cùng, họ phải trả tự do cho ông sau 9 tháng giam cầm. Nhưng sau khi ra tù, ông bị cắt trợ cấp giảng dạy, con ông (Phan Châu Dật) mất học bổng, phải vừa đi học, vừa đi làm rất cực nhọc, ông lâm vào cảnh vô cùng khốn khó.

Cũng năm này, ở quê nhà Tiên Phước, vợ ông là bà Lê Thị Tỵ, người suốt đời lam lũ, tần tảo nuôi con, lo tất cả cho gia đình để chồng đi làm cách mạng cũng qua đời. Tận nước Pháp xa xôi, hai cha con ông không hề hay biết.

Bính Dần, 1926

Ngày 26-6-1925, Phan Châu Trinh từ Pháp về đến Sài Gòn. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 21 giờ 30 ngày 24-3-1926 (nhằm ngày 11 tháng Hai năm Bính Dần) tại Bá Huê lầu, số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), hưởng dương 54 tuổi.

Lễ quốc tang của ông mỗi ngày có đến hàng ngàn người, đại diện các nhà cách mạng, các đảng phái, công chức, học sinh, thợ thuyền, các điền chủ... đến viếng. Tất cả các báo Sài Gòn đều đăng bài và hình ảnh về lễ quốc tang cùng lời phân ưu của các cá nhân, đoàn thể đối với gia đình ông.

Hàng trăm nhân vật nổi tiếng đủ thành phần, quan điểm, khuynh hướng cả trong và ngoài nước đã tham dự lễ tang, lễ truy điệu hoặc gửi câu đối chia sẻ sự mất mát lớn lao. Tiêu biểu trong số này là Thống đốc Nam Kỳ Cognaq.

Ngày đưa tang có gần 100.000 người, chiếm hơn 1/4 dân số Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ, đeo băng tang lặng lẽ theo sau quan tài tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ truy điệu tưởng nhớ và vinh danh ông.

Tại khu vực nghĩa trang có hơn 200 biểu ngữ, bích chương, câu đối viết bằng ba thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ ca ngợi nhà ái quốc vĩ đại. Nội dung biểu ngữ xuất hiện nhiều từ ngữ mới như duy tân, độc lập, tự do, dân chủ, đoàn kết, đấu tranh, dân quyền, giải phóng… thể hiện tinh thần và tư tưởng của Phan Châu Trinh.

Ban tổ chức cũng nhận được số tiền phúng điếu lên đến trên 10.000 đồng (tương đương 18 tỷ đồng ngày nay) để xây phần mộ cho ông.

Với cái chết của Phan Châu Trinh, toàn dân ta đã “thức tỉnh” và thực hiện “một Big Bang của lòng yêu nước” như cách nói của nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn mấy mươi năm sau.

LÊ THÍ

.