SỐNG TỬ TẾ

Ươm mầm sự tử tế

.

Gia đình là chiếc nôi đầu đời - môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người, cũng là nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của trẻ, trong đó có việc giáo dục trẻ sống tử tế.

Việc hướng dẫn trẻ phụ giúp cha mẹ làm công việc nhà là một trong những cách thức hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của các em. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: H.N
Việc hướng dẫn trẻ phụ giúp cha mẹ làm công việc nhà là một trong những cách thức hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của các em. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: H.N

Làm gương cho con

Mở đầu cuộc trò chuyện về phương pháp hướng cô con gái nhỏ 5 tuổi Diệp Thảo Chi đến sự tử tế, chị Bùi Thị Phương Thảo (SN 1990, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Cha mẹ là người đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách, cách cư xử của con với mọi người xung quanh. Vì vậy, việc làm gương cho con là điều tiên quyết trong gia đình mình để dạy con về sự tử tế”.

Những lúc đưa con ra ngoài cà phê, vui chơi, chị Thảo luôn cảm ơn nhân viên phục vụ mỗi lần nhân viên mang thức uống ra. Ở nhà, chồng chị Thảo cũng thường nói: “Ba cảm ơn mẹ vì đã nấu cơm cho cả nhà” để con biết lúc nào cần cảm ơn, trân trọng những việc người khác làm cho mình… Mỗi khi vợ chồng chị Thảo đi làm về, giày dép luôn để đúng nơi, chìa khóa móc đúng chỗ để hình thành cho con thói quen gọn gàng, ngăn nắp theo ba mẹ.

Bên cạnh đó, vợ chồng chị Thảo thường xuyên dành cho cô con gái nhỏ những lời khích lệ mỗi khi con làm được việc tốt như giúp đỡ bạn cùng lớp, lễ phép với ông bà, người lớn; khuyến khích con suy nghĩ tích cực, tự lập. Chẳng hạn, những lúc con té ngã, chị Thảo khích lệ con tự đứng lên và an ủi rằng sẽ sớm hết đau.

Trước một việc mà con than khó, chị động viên: “Mẹ nghĩ Sara (tên ở nhà của Thảo Chi) có thể làm được việc đó…”. Cứ vậy, sau mỗi câu khích lệ, Thảo Chi thường cố gắng hơn, không vòi vĩnh sự giúp đỡ từ ba mẹ nữa.

Ngoài ra, theo chị Thảo, cần dạy con biết cách yêu thương từ những việc nhỏ, yêu thương người thân, yêu thương bạn bè hay yêu thương cả cây cối, động vật. Vợ chồng chị Thảo thường đưa Thảo Chi theo trong những chuyến đi tình nguyện ngắn ngày. Trước mỗi chuyến đi, vợ chồng chị nhờ con gái giúp chuẩn bị những món quà cho các bạn nhỏ khó khăn, chia sẻ với con một vài thông tin về hoàn cảnh của các bạn nhỏ để con đồng cảm.

Song, chị Thảo nhận thấy yếu tố quan trọng và hiệu quả nhất là làm bạn cùng con. “Một đứa trẻ 3-4 tuổi không biết được ba mẹ kiếm tiền bằng cách nào, kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày nhưng sẽ cảm nhận rất rõ thời gian và tình yêu thương ba mẹ dành cho nó nhiều hay ít. Gia đình tôi luôn cùng nhau nấu nướng vào mỗi tối, trò chuyện trong bữa ăn, xem chương trình yêu thích cùng nhau, ôm và chúc nhau ngủ ngon mỗi ngày. Gia đình tôi cũng thường ra ngoài cắm trại mỗi khi có thời gian rãnh rỗi hay cuối tuần. Đi đâu vợ chồng tôi cũng luôn hỏi ý kiến của con, xem con muốn như thế nào, cần chuẩn bị gì cho chuyến đi. Chúng tôi luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Khi mình lắng nghe con, con cũng học được cách lắng nghe, từ đó, con sẽ biết quan tâm, thấu hiểu và sự tử tế sẽ hình thành”, chị Thảo trải lòng.

Cùng quan điểm nuôi dạy con với chị Thảo, chị Ngô Thị Trân Châu (SN 1988, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu), mẹ của một cậu con trai 9 tuổi và một cô con gái 7 tuổi, cũng cho rằng dạy con không chỉ nói mà quan trọng nhất vẫn là làm gương. Để dạy con về sự tử tế, nên bắt đầu từ những điều tốt đẹp xung quanh, nói cho con nghe về những lựa chọn, về kết quả và hậu quả, dẫn chứng cụ thể cho con thấy bằng những hành động cụ thể.

Chị Châu chia sẻ, có lần con gái hỏi chị rằng “Nếu mình tử tế với họ nhưng họ không tử tế với mình thì sao mẹ?”. Chị Châu trả lời: “Thì con vẫn cứ tử tế, rồi dần dần họ sẽ hiểu”.

Chiếc nôi đầu đời

Bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố (VH&TT) chia sẻ, gia đình là chiếc nôi đầu đời, là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ em nói riêng, con người nói chung, có hành vi tốt hay xấu trước hết và chủ yếu là do môi trường giáo dục của gia đình, rồi mới đến sự giáo dục của nhà trường và môi trường xã hội. Trẻ em bị ảnh hưởng, tác động rất lớn từ lối sống, thái độ, hành vi của ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Tính cách, hành vi, ứng xử của trẻ nhỏ trong xử sự và với môi trường xung quanh phần lớn ảnh hưởng từ lối sống, thái độ ứng xử của cha mẹ nói riêng và các thành viên trong gia đình nói chung. Muốn con trẻ trở thành công dân tốt, ứng xử văn minh, trước hết cha mẹ, người lớn trong gia đình phải là những người tử tế.

“Xác định vị trí đặc biệt quan trọng của gia đình trong việc hình thành nhân cách, lối sống tử tế của trẻ nhỏ, những năm qua, Sở VH&TT luôn chú trọng công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Sở đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đa dạng các hoạt động, các hình thức tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức, lối sống và cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong việc tuyên truyền về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng”, bà Trang nói.

PGS.TS Lê Quang Sơn, chuyên gia Tâm lý học và Sinh học, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, chức năng giáo dục của gia đình, hình thành và phát triển nhân cách trẻ em luôn được thừa nhận trong quá khứ và hiện tại ở bất kỳ xã hội nào. Ở nước ta, từ khi chuyển đổi cơ chế kinh tế, trong một bộ phận không nhỏ các gia đình, chức năng quan trọng này không phải lúc nào cũng được phát huy đúng mức. Cơ chế thị trường đề cao chức năng kinh tế đã tạo ra sự mất cân bằng và hài hòa giữa các chức năng của gia đình, chức năng giáo dục bị xem nhẹ.

“So với các lực lượng giáo dục khác, gia đình có những ưu thế lớn trong việc hình thành nhân cách trẻ em. Thứ nhất, gia đình là môi trường gần gũi nhất về phương diện không gian và lâu dài về phương diện thời gian đối với trẻ, do đó ảnh hưởng của gia đình là liên tục và toàn diện. Sự ảnh hưởng này diễn ra theo cơ chế tập luyện củng cố và cơ chế đồng nhất (bắt chước). Thứ hai, quan hệ trong gia đình được tạo lập trên cơ sở huyết thống và hôn nhân, quan hệ này tạo ra môi trường an toàn để bộc lộ đúng bản chất nhất mọi nhu cầu, hứng thú, cá tính... của cá nhân. Do đó, gia đình có sức mạnh cảm hóa và thuyết phục trong hình thành ý thức, tình cảm và hành vi mà không ai có thể thay thế được. Ảnh hưởng của gia đình là hết sức sâu sắc. Thứ ba, sự tiếp xúc thường xuyên và nhạy cảm trong gia đình cho phép các thành viên hiểu rõ nhau, có thể tác động kịp thời và chính xác đến trẻ em. Giáo dục trong gia đình mang tính cá biệt hóa, thiết thực và linh hoạt cao”, PGS.TS Lê Quang Sơn nhấn mạnh.

Một giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ đã học được 1/3 cuộc đời. Học ở đây là tiếp nhận những nhận thức xung quanh, hình thành những tính cách đầu tiên. Trong khi đó, giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ tiếp xúc nhiều nhất với cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ là tấm gương để trẻ con soi vào. Tất cả hành vi của cha mẹ đều được trẻ ghi nhận và hành xử lại. Theo đó, muốn hướng con đến sự tử tế, trước hết cha mẹ phải chuẩn mực. Khi trẻ chưa sẵn sàng thực hiện một hành vi nào đó, cha mẹ không nên ép và càng không nên phán xét trẻ. Nếu cha mẹ phán xét thì vô tình tạo khoảng cách giữa trẻ và cha mẹ, trẻ sẽ có xu hướng chống đối, không còn tin cha mẹ. Và một yếu tố quan trọng là muốn những hành vi tử tế của trẻ chuyển thành nhân cách thì cha mẹ phải khen ngợi trẻ ngay khi trẻ vừa thực hiện một hành vi tử tế nào đó...

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.