Trung Quốc kiên định chính sách "Zero Covid"

.

So với các nước khác, số ca mắc Covid-19 của Trung Quốc trong làn sóng dịch mới khá thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn kiên quyết thực hiện chính sách “zero Covid” với các biện pháp phong tỏa cứng rắn.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại một khu dân cư ở Thượng Hải ngày 21-3. Ảnh: THX
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại một khu dân cư ở Thượng Hải ngày 21-3. Ảnh: THX

Hàng triệu người bị ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa. Các đợt xét nghiệm quy mô lớn được tiến hành. Đường phố vắng vẻ. Các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động. Những gì đang diễn ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc gợi nhớ quang cảnh trên khắp thế giới sau khi Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 rồi lan rộng.

Phong tỏa các thành phố có hàng triệu dân

Đến nay, một số nước ở châu Á từng kiên định “zero Covid” đang dần mở cửa, riêng Trung Quốc vẫn duy trì chính sách này khi ứng phó với làn sóng dịch do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh.

Phát biểu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ngày 17-3, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định cường quốc châu Á này kiên định chiến lược “Zero Covid”. Trước đó không lâu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng bảo vệ chiến lược “Zero Covid” trong một sự kiện có báo chí tham dự. Ông Lý Khắc Cường nói rằng, chính phủ Bắc Kinh cam kết dựa trên cơ sở khoa học hơn nữa để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đồng thời bảo đảm an ninh của chuỗi cung ứng hàng hóa, tránh gây gián đoạn cho nền kinh tế.

Đêm 21-3, Trung Quốc phong tỏa thành phố Thẩm Dương có 9 triệu dân thuộc tỉnh Liêu Ninh, kiểm soát chặt chẽ các khu dân cư, yêu cầu người dân không rời khỏi nhà nếu không có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ. Ngày 22-3, Thẩm Dương có 47 ca nhiễm mới, con số rất ít so với số ca nhiễm mới được ghi nhận ở nhiều nước hiện nay.

Cũng trong ngày 22-3, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 4.770 ca nhiễm mới trên cả nước, phần lớn tập trung tại tỉnh Cát Lâm. Thành phố Cát Lâm có 4,5 triệu dân, thuộc tỉnh cùng tên này, cũng thực hiện lệnh phong tỏa trong 3 ngày từ đêm 20-3.

Biến thể Omicron và dòng phụ BA.2 đang khiến chiến lược “Zero Covid” gặp thách thức lớn. Vì vậy, các nhà chức trách Trung Quốc đã có nhiều động thái điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chẳng hạn cho phép người dân tự xét nghiệm tại nhà và không bắt buộc người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ phải nhập viện…

Thâm Quyến - trung tâm công nghệ, kinh tế hàng đầu của Trung Quốc với 17,5 triệu dân - dự kiến thực hiện phong tỏa toàn thành phố trong vòng một tuần kể từ ngày 14-3. Sau 5 ngày, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ở 5 quận, các quận còn lại áp dụng những biện pháp kiểm soát Covid-19 linh động. Thủ đô Bắc Kinh cũng nới lỏng nhiều quy định như cho phép các khu vui chơi, giải trí nâng tỷ lệ phục vụ từ 50% lên 75% công suất, cho phép tổ chức hội nghị đông người…

“Zero Covid” có còn hiệu quả?

Nhiều chuyên gia Trung Quốc ủng hộ chính sách “Zero Covid” và tự hào rằng chính phủ đã kiểm soát tốt đại dịch. Trong lúc thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 6,1 triệu ca tử vong, con số này ở Trung Quốc đại lục đến nay chỉ hơn 4.600 ca.

Song, theo báo HuffPost, các nhà khoa học giờ đây đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của “Zero Covid” khi ứng phó với biến thể Omicron và dòng phụ BA.2 của nó. “Tôi nghĩ “Zero Covid” có thể đã phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch của một số nước và họ đã làm rất tốt. Nhưng theo tôi, biến thể Omicron cho chúng ta thấy họ sẽ ngày càng khó duy trì được chiến lược đó”, GS. Ravindra Gupta, Viện Nghiên cứu Miễn dịch trị liệu và Các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cambridge (Anh) nói với HuffPost.

Ngay cả Hồng Kông (Trung Quốc) dù vẫn tuân thủ chiến lược “Zero Covid” của chính quyền Trung Quốc nhưng chuẩn bị đánh giá lại các biện pháp phòng dịch và nới lỏng một số quy định hạn chế. Người đứng đầu đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, bà sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bay đối với 9 nước, trong đó có Mỹ; giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh và ngừng việc xét nghiệm quy mô lớn trên toàn đặc khu.

Các chuyên gia y tế cho rằng, các phản ứng khác nhau đối với dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron có thể bắt nguồn từ sự khác biệt về phạm vi tiêm chủng và loại vắc-xin đang được sử dụng. Trung Quốc dựa vào các loại vắc-xin ngừa Covid-19 được sản xuất trong nước, chủ yếu là hai loại vắc-xin bất hoạt của Sinovac và Sinopharm.

Hơn 87% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ, song tỷ lệ người cao tuổi tiêm chủng tương đối thấp, đặc biệt là nhóm trên 80 tuổi. Theo Bloomberg, chỉ 1/2 dân số hơn 80 tuổi của Trung Quốc đại lục đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó gần 20% tiêm liều tăng cường. Ở đặc khu hành chính Hồng Kông, 63% dân số trên 80 tuổi chưa tiêm vắc-xin.

KHÁNH LINH (theo AP, HuffPost, Time)

;
;
.
.
.
.
.