Đà Nẵng cuối tuần

NÂNG NIU MẦM SỐNG

Dạy con từ trong bụng mẹ

06:39, 03/04/2022 (GMT+7)

"Thai giáo" là một trong những phương pháp được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng với mục đích giáo dục con ngay từ trong bụng mẹ. Ở nước ta, "thai giáo" đang dần được các cặp vợ chồng sử dụng với mong muốn con sinh ra khỏe mạnh, thông minh, nhất là phát triển trí não sau khi sinh

Đọc những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích cho thai nhi nghe là một trong những cách thai giáo bằng thính giác rất hiệu quả, tốt cho sự phát triển trí não và tinh thần ở trẻ. Ảnh: M.H
Đọc những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích cho thai nhi nghe là một trong những cách thai giáo bằng thính giác rất hiệu quả, tốt cho sự phát triển trí não và tinh thần ở trẻ. Ảnh: M.H

Tuy nhiên, phương pháp này không đơn giản và không phải ông bố, bà mẹ nào cũng biết cách áp dụng đúng.

Tạo sợi dây kết nối

Chị Mai Nhi (SN 1994, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đang mang thai tháng thứ 6 và có con gái đầu lòng hơn 2 tuổi. Chị Nhi kể, khi chuẩn bị có con đầu lòng, chị tìm hiểu "thai giáo" qua internet, sách báo và tham gia vào các nhóm "thai giáo" trên facebook. Cả hai con đều được chị Nhi áp dụng phương pháp "thai giáo" từ tuần thứ 6 của thai kỳ. “Sách về "thai giáo" hướng dẫn sao thì tôi làm vậy. Tôi cho con nghe nhạc hoặc đọc truyện cho con nghe. Vợ chồng tôi thường dành thời gian trò chuyện cùng con trước khi ngủ và ngay khi thức dậy. Bé thứ hai không biết sau này thế nào nhưng với con gái đầu, tôi nhận thấy từ nhỏ bé đã lanh lợi, nhận biết màu sắc tốt, phản xạ tốt và tình cảm với ba mẹ”, chị Nhi chia sẻ.

Bắt đầu áp dụng "thai giáo" từ tháng thứ 2 của thai kỳ, chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (SN 1992, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết mình cũng có những trải nghiệm đáng nhớ, như thai máy nhiều hơn mỗi khi chị cho nghe nhạc, hoặc nằm yên khi chị đọc cuốn sách hay. Hiện con chị 11 tháng tuổi và rất kháu khỉnh. Theo chị Nguyên, sau thời gian tìm hiểu, chị thấy những em bé được "thai giáo" thông minh, lanh lợi, tình cảm nên quyết định áp dụng phương pháp tiên tiến này.

Tương tự, chị Lê Thị Thu Hạnh (SN 1994, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) sau thời gian tìm hiểu về "thai giáo" qua app POH (ứng dụng chuyên cung cấp những kiến thức, kỹ năng về thai giáo), qua sách báo, đã chọn phương pháp "thai giáo" trực tiếp như sử dụng âm thanh bên ngoài tác động lên thai nhi, giúp thai nhi vui vẻ, hưng phấn, qua đó kích thích sự phát triển tinh thần của bào thai.

“Trong suốt thời gian mang thai tôi thường xuyên đọc sách, mở nhạc cho bé nghe và duy trì thói quen ấy đến tận bây giờ. Tôi cảm thấy có sự kết nối đặc biệt giữa hai mẹ con, bởi từ khi sinh ra, bé thường có phản xạ phấn khích khi nghe tôi đọc sách hay mở những giai điệu mà tôi từng cho bé nghe khi còn trong bụng mẹ”, chị Hạnh bày tỏ.

May mắn cho những người mẹ khi nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ chồng trong giáo dục thai nhi. Chị Hạnh khoe: “Chồng tôi luôn đồng hành cùng tôi trong suốt quá trình "thai giáo". Nếu như tôi là người áp dụng phương pháp trực tiếp thì chồng tôi áp dụng phương pháp gián tiếp, thông qua việc duy trì cho vợ một chế độ dinh dưỡng cân đối, phù hợp. Bên cạnh đó, chồng tôi luôn quan tâm, chăm sóc và mang lại niềm vui cho tôi. Anh cũng rất để ý cách trò chuyện với hai mẹ con để không khí gia đình luôn nhẹ nhàng, bình yên”.

"Bước khởi đầu" vững vàng

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, có 2 phương pháp "thai giáo" chính gồm trực tiếp và gián tiếp. Với phương pháp trực tiếp, bố mẹ sử dụng những thông tin, hiểu biết của mình trao đổi với con. Trong khi đó, phương pháp gián tiếp hướng đến việc chuẩn bị cho người mẹ chế độ dinh dưỡng, thể chất tốt và sự gắn kết của cha mẹ trong tiếp xúc, trò chuyện với con cũng góp phần chuẩn bị tinh thần, thể chất tốt cho người mẹ.

Người mẹ có thể kết hợp cả phương pháp gián tiếp lẫn trực tiếp trong "thai giáo". Đó là chế độ dinh dưỡng cho mẹ, giúp tăng khứu giác và vị giác cho bé. Chưa kể, các biện pháp bằng nghệ thuật, âm nhạc, các bài tập vận động cho bà bầu cũng rất tốt nhưng cần áp dụng đúng thời điểm. Kết hợp nhiều biện pháp "thai giáo" khác nhau sẽ giúp cho đứa trẻ phát triển mọi giác quan.

"Thai giáo là quá trình giáo dục với các biện pháp tổng hợp được bắt đầu từ lúc mới mang thai nhằm điều chỉnh hoàn cảnh trong và ngoài cơ thể tránh những kích thích, ảnh hưởng không tốt, mang đến cho thai nhi những ảnh hưởng có lợi, thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, để thai nhi có sự phát triển toàn diện và đầy đủ.
Các biện pháp thai giáo, nếu được áp dụng đúng đắn, đúng thời điểm, đúng phương thức sẽ rất tốt và an toàn cho cả người mẹ lẫn thai nhi, giúp em bé phát triển tốt về cả mặt thể chất lẫn tinh thần"

Ths.BS Nguyễn Lê Thị Thu Hương, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đà Nẵng

Mỗi giai đoạn của thai kỳ sẽ có những phương pháp "thai giáo" khác nhau, tùy theo sự phát triển của em bé. PGS.TS Lưu Thị Hồng lý giải rằng, giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, khi em bé mới hình thành, người mẹ thường bị nghén. Phương pháp "thai giáo" giai đoạn này cần chú ý tới vấn đề dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe để người mẹ an tâm dưỡng thai. Các bà mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn, không ăn đồ ăn quá nóng để tránh bị nôn. Thêm vào đó, việc người thân động viên, giữ tinh thần cho người mẹ rất quan trọng.
Trong 3 tháng kế tiếp, khi bào thai phát triển hình hài, bên cạnh dinh dưỡng, có thể áp dụng các phương pháp "thai giáo" nghệ thuật, "thai giáo" ngôn ngữ… Tuần thứ 13, người mẹ có thể áp dụng những biện pháp "thai giáo" kích thích phát triển thị giác, khứu giác… Từ giai đoạn này trở đi, người mẹ cần chú ý đến sự phát triển 5 giác quan của em bé như thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác.

Ths.BS Nguyễn Lê Thị Thu Hương, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, để đạt được hiệu quả thai giáo chúng ta phải bắt đầu từ thời điểm chuẩn bị mang thai. 3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn khó khăn của cả mẹ bầu và thai nhi. Bởi khi đó, mẹ bầu khá mệt mỏi từ những cơn ốm nghén, còn thai nhi chưa phát triển ổn định. Việc áp dụng thai giáo 3 tháng đầu thai kỳ đúng cách sẽ giúp mẹ bầu cải thiện sức khỏe và thai nhi phát triển ổn định. Theo đó, thực hiện đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, thông minh hơn, chỉ số IQ cao, phản xạ tốt hơn, tăng chỉ số cảm xúc, tăng khả năng nhận thức, hiểu và truyền đạt sau này. Đồng thời, "thai giáo" còn là con đường gắn kết tình thân giữa bố mẹ và thai nhi, giúp mẹ bầu tránh bị trầm cảm.

Ths.BS Nguyễn Lê Thị Thu Hương cũng chỉ ra rằng, hiện vẫn có tình trạng thai phụ chưa hiểu đúng về thai giáo nên áp dụng sai và có thể vô tình gây hại cho thai nhi. Thai phụ ép mình nghe nhạc cổ điển trong khi bản thân không hề thấy hay, không cảm thụ được. Thực tế, thai phụ chỉ cần nghe nhạc tiết tấu nhẹ và bất cứ thể loại nhạc nào mà thai phụ cảm thấy thư giãn, thoải mái khi nghe thì đã giúp phát triển thính giác cho thai nhi. Lưu ý, nếu cho thai nhi nghe nhạc âm lượng lớn, sóng âm cao từ 4000- 5000Hz có thể gây khó chịu và gây hại cho thính giác của thai nhi.

Xoa bụng là một trong những cách thức thai giáo giúp thai nhi phát triển xúc giác. Tuy nhiên không nên thường xuyên xoa bụng vì có thể gây co thắt tử cung, dọa sinh non. Đôi khi, không nhất thiết phải xoa bụng, chỉ cần vừa chạm tay lên bụng vừa nói chuyện với thai nhi cũng đã đem lại hiệu quả. Trường hợp mẹ có tiền sử xuất huyết trước sinh, sẩy thai hay động thai... thì không nên xoa bụng hay dùng bất kỳ phương pháp massage nào trong thai kỳ.

Phương pháp này cũng tác động đến sự hình thành tâm lý thai nhi. Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, nhiều nghiên cứu đã xác định sức khỏe tâm lý của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý thai nhi. Nếu người mẹ sống trong môi trường kích động, thiếu an toàn hoặc phải chịu áp lực công việc, áp lực gia đình... thì sự phát triển tâm lý của thai nhi cũng gặp trở ngại. Nhìn chung, "thai giáo" đem đến rất nhiều lợi ích cho trẻ khi các ông bố, bà mẹ hiểu và áp dụng đúng cách, đúng thời điểm

MAI HIỀN

.