PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC

Chia sẻ tri thức, truyền cảm hứng sáng tạo

.

Đóng vai trò quan trọng trong việc sưu tầm, thu thập, lưu trữ, bảo quản lâu dài các vật phẩm có giá trị, đồng thời là nơi chia sẻ tri thức, truyền cảm hứng sáng tạo, phục vụ việc đọc và học tập suốt đời của nhân dân, thời gian qua, hệ thống thư viện thành phố bằng nhiều cách “làm mới mình” đã thu hút độc giả, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng.

Bạn đọc tìm sách đọc tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Ảnh: THANH TÌNH
Bạn đọc tìm sách đọc tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Ảnh: THANH TÌNH

Toàn hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố hiện có hơn 354.800 bản sách giấy, hơn 6.900 bản tài liệu băng đĩa, hơn 7.460 bản sách điện tử, khoảng 500.000 tài liệu số.

Kết nối, phát triển tài nguyên thông tin

Chị Hà Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Công tác Bạn đọc, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng cho hay, hiện thư viện phục vụ bạn đọc theo ca từ 7 giờ 30 đến 20 giờ từ thứ Ba đến Chủ nhật hằng tuần. Thư viện có dịch vụ cung cấp tài liệu gốc theo 2 hình thức đọc tại chỗ và cho mượn tài liệu về nhà với đa dạng sách hay, sách mới. Ngoài ra, thư viện còn có dịch vụ tra cứu thư mục trực tuyến (tài liệu số, đọc sách điện tử) và khai thác hiệu quả “Không gian chia sẻ S.hub” (mô hình trao đổi tri thức mở, hiện đại).

Trong tháng 4-2022, Thư viện Tổng hợp thành phố khôi phục Phòng đọc khiếm thị phục vụ tài liệu thường xuyên cho đối tượng bạn đọc khiếm thị với hơn 3.900 bản/ấn phẩm như: Sách chữ nổi Braille, sách vải nổi, CD, băng cassette, các máy móc hỗ trợ bạn đọc khiếm thị trong quá trình tiếp cận tài liệu…

Bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng Đà Nẵng hợp nhìn nhận, dịch bệnh khiến nhiều hoạt động bị gián đoạn, trong đó có công tác phục vụ bạn đọc, luân chuyển sách báo… Dẫu vậy, với vai trò xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng không ngừng nỗ lực tìm các phương thức phục vụ tốt nhất nhu cầu của bạn đọc. Ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại bằng nhiều hình thức, dịch vụ khác nhau, thư viện luôn đổi mới trong tổ chức các dịch vụ với mục đích tạo sự thân thiện, thuận tiện cho bạn đọc như: đổi mới công tác cấp thẻ; liên thông thư viện giữa Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng với thư viện quận/huyện; ứng dụng web đọc sách điện tử; tổ chức hoạt động khuyến đọc… nhằm từng bước hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Ngoài Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, các quận/huyện tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của thư viện nhằm phục vụ bạn đọc. Tại quận Liên Chiểu, từ đầu năm 2022, Thư viện quận Liên Chiểu được khánh thành và đưa vào sử dụng, trở thành điểm đến của người đọc trên địa bàn. Thư viện quận Liên Chiểu đa dạng các hạng mục: Phòng truyền thống, phòng hội thảo, thư viện điện tử, không gian đọc sách ngoài trời, phòng đọc, kho sách, khu cà phê sách... với hơn 5.000 đầu sách phục vụ độc giả mọi lứa tuổi.

Trong khi đó, Thư viện quận Sơn Trà cũng không ngừng tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, giới thiệu sách/báo, vận động đọc sách/báo; triển khai công tác giới thiệu sách mới… nhằm xây dựng phong trào, hình thành thói quen đọc sách, báo trong người dân. Tuy nhiên, do nhân lực mỏng, nguồn tài liệu chưa phong phú, Thư viện quận Sơn Trà chỉ phục vụ bạn đọc ở mức cơ bản.

Chị Phạm Thị Hồng Chiến, phụ trách Thư viện quận Sơn Trà chia sẻ, thư viện quận hiện mở cửa phục vụ bạn đọc từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Công việc ở thư viện chủ yếu là phục vụ bạn đọc, nhập sách vào phần mềm thư viện liên thông, vệ sinh kho sách…, đòi hỏi người cán bộ ngoài năng lực thì cần tâm huyết, sự cẩn thận. Chị Chiến bày tỏ mong muốn được bổ sung thêm đầu sách, báo/tạp chí và luân chuyển thường xuyên cho các thư viện quận/huyện, cơ sở; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ phương tiện, thiết bị kỹ thuật bảo đảm tiêu chuẩn phát triển thư viện hiện đại, đáp ứng yêu cầu bạn đọc.

Hướng đến phát triển văn hóa đọc sâu rộng

Ngày 27-9-2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030” với tổng kinh phí dự kiến trên 432 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ từ nguồn xây dựng cơ bản và 132 tỷ nguồn chi thường xuyên. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, ngay sau khi đề án ban hành, sở đã có công văn giao các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, từ năm 2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 6-2-2017 về Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020”. Đây là văn bản có tính định hướng để hệ thống thư viện công cộng triển khai các hoạt động trong từng năm đạt hiệu quả, đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa đọc nói riêng và lĩnh vực thư viện nói chung. Sau 4 năm triển khai, đề án cơ bản hoàn thành các mục tiêu đối với toàn hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố.

“Năm 2017, khi bắt đầu thực hiện đề án, toàn hệ thống có 1 thư viện thành phố, 3 thư viện quận/huyện, 5 phòng đọc sách phường/ xã thì nay có thêm 3 thư viện quận, huyện hoạt động. Như vậy, 6/7 quận/huyện có thư viện trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao/Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện (trừ quận Hải Châu không thành lập thư viện do trên địa bàn quận đã có Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố) và 12 phòng đọc sách phường/xã. Các hệ thống thư viện được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nối mạng để truy cập sử dụng chung thư viện điện tử từ Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng (từ năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai phần mềm thư viện điện tử liên thông dữ liệu sách cho các quận/huyện - PV)”, bà Hội An cho hay.

Dẫu bảo đảm các tiêu chí nhưng thực tế hệ thống thư viện quận, huyện, phòng đọc sách phường/xã vẫn phát triển chậm so với sự phát triển chung của thành phố do chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, con người, nguồn kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển của thư viện.

Vì vậy, bà Hội An mong muốn đề án “Phát triển hệ thống Thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030” đi vào thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu đọc sách, khuyến khích, lan tỏa văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Hy vọng việc triển khai đề án lần này những khó khăn, hạn chế, bất cập sẽ được xử lý theo hướng tích cực để thành phố làm tốt công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng hướng đến xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng nhằm góp phần tạo nên một thế hệ tương lai có nền tảng văn hóa đọc tốt”, bà Hội An nói.

Toàn hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố hiện có hơn 354.800 bản sách giấy, hơn 6.900 bản tài liệu băng đĩa, hơn 7.460 bản sách điện tử, khoảng 500.000 tài liệu số.

Trung bình mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng của thành phố được cấp ngân sách bổ sung 17.650 bản sách giấy, hơn 1.180 bản sách điện tử, 235 đầu báo/tạp chí.

 
THANH TÌNH
;
;
.
.
.
.
.