Tháng tư kỷ niệm

.

Tháng tư, nắng dát lên tường nhà một vệt dài, hắt qua giàn chanh leo, lấp lánh quả xanh tím. Những loa kèn trắng nở rộ trước cổng nhà, mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu. Cha ngồi bên chiếc chõng tre, lim dim đôi mắt, dõi theo đàn bò thủng thẳng kiếm ăn buổi mai. Ấm trà mới pha dịu nhẹ hương lài. Những ngày này, tôi thường thấy cha ngồi im bất động hàng giờ, lâu lâu đưa tay lên sờ xem trà còn ấm nóng hay không. Một mình cha, ánh mắt xa xăm ấy cứ nhìn về phía nghĩa trang liệt sĩ. Ở đó, có rất nhiều đồng đội cùng vào sinh ra tử, chiến đấu cùng một đơn vị với cha. Một số người đang nằm ở góc bể chân trời nào, người ta chỉ dựng tấm bia mộ, ghi tên, ngày tháng năm sinh, năm mất rồi để ở đó, chờ đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cha già yếu theo thời gian, vết thương bom đạn ngày nào hằn lên khóe mắt, những nếp nhăn xô lại, vầng trán cao năm xưa giờ đây cứ nhíu liên tục. Người cựu quân nhân ấy vẫn hăng say công việc vườn tược trong nhà, sáng xách thùng ra tưới vườn rau, chiều mát lại lụi cụi nhổ cỏ, tỉa cây, cắt cành. Đối với cha, những tháng ngày đoàn tụ bên con cháu là niềm vui, hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời. Cha bảo, hồi chiến tranh, đào hầm, tránh địch, hành quân xuyên đêm, nhiều khi chỉ muốn ào về bên gia đình, thưởng thức củ sắn, củ khoai, nằm dưới ụ rơm của nội, nghe tiếng đài phát thanh rù rì và tự tay chăm sóc những đứa con thơ.

Đợt đóng quân gần nhà, cha chở anh hai xuống tận đơn vị, các bác, các chú xúm xít, bảo bộ đội nghèo nên mấy chú rủ nhau đi hái rau rừng, tìm thêm được mấy con chẫu chuộc. Vậy là làm thịt, chiên lên cho đứa con nít nhỏ nhất tiểu đoàn ăn. Hôm đó đi về, trời mưa phùn lất phất. Không hiểu sao cha đi xe nghiêng ngả, khi qua cầu thì anh hai rơi tõm xuống sông. Bà con gần đó chạy ra lặn ngụp tìm. Trời rét căm căm, lúc đưa lên thì anh hai đã tím ngắt, bác hàng xóm nổi lửa hơ bụng hơ người, xoa dầu khắp nơi. Có lẽ vì tai nạn đó nên anh hai cực kỳ sợ nước. Cha ôm nỗi ân hận đó đến tận bây giờ.

Tháng tư, mỗi lần cha mặc bộ quân phục, chỉnh trang tinh tươm, là tôi biết cha sắp đi thăm đồng đội cũ. Thường thì cha gọi điện thoại một vòng, xem đồng đội còn lại được bao nhiêu người đi, vì có thể sức khỏe yếu nên một số người cũng không thể ngồi xe. Rồi mọi người cùng nhau ra nghĩa trang, thắp nén nhang cho người hy sinh, đốt cho nhau mấy điếu thuốc và tâm tình... Những người cựu chiến binh tuổi xế chiều, bước đi tập tễnh. Người thương binh, người bệnh binh, đã từng chung nhau một chiến hào, một lẽ sống, đó là chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc và tin vào ngày toàn thắng.

Tháng tư về gợi trong cha biết bao kỷ niệm vui thời chiến tranh. Đau đáu một nỗi niềm xa xăm về những đồng đội ngã xuống mà chưa thể tìm thấy thi hài. Những người cựu chiến binh đeo trên ngực áo huân, huy chương kháng chiến, trong lòng chưa bao giờ quên những khoảnh khắc vào sinh ra tử cùng nhau, chưa bao giờ quên lúc hoạn nạn khó khăn ngồi chia nhau củ khoai, củ sắn. Thế nên, mỗi khi ăn cơm, tôi thường thấy cha lầm rầm mấy câu trong miệng. Cha bảo, mời ông bà tổ tiên, mời đồng đội đã mất cùng về ăn. Nghe thôi đã thấy thương vô cùng!

Tháng tư, nắng rót vàng mật ong. Cha mặc quần áo chỉnh tề, lại ríu rít điện thoại. Trong ánh mắt ấy đong đầy niềm hạnh phúc. Hôm qua, cha bảo bên Bảo tàng Quân khu điện về, nghe nói đã tìm thấy hài cốt một số đồng đội. Cha khỏe khoắn hẳn ra, chuyến xe đi Tây Nguyên sẽ xuất phát. Cha là người xung phong đầu tiên. Anh hai xin nghỉ làm mấy hôm, phụ trách chở cha và đồng đội. Hành trình tháng tư kỷ niệm, bắt đầu với những chuyến xe…

THỤY

;
;
.
.
.
.
.