Gìn giữ nét đẹp văn hóa nông thôn

.

Mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng nhiều làng quê ở huyện Hòa Vang vẫn giữ được nét đẹp văn hóa nông thôn. Đó là nhờ sự hưởng ứng tích cực của người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, coi trọng và phát huy vai trò của già làng, trưởng họ và người có uy tín trong cộng đồng trong việc gương mẫu giáo dục thanh, thiếu niên, gìn giữ phong tục tốt đẹp ở thôn, xóm.

Người dân các thôn trên địa bàn xã Hòa Phước luôn hưởng ứng tích cực các hoạt động văn hóa - thể thao của xã để xây dựng thôn xóm bình yên, giàu đẹp. Ảnh: Đ.G.H
Người dân các thôn trên địa bàn xã Hòa Phước luôn hưởng ứng tích cực các hoạt động văn hóa - thể thao của xã để xây dựng thôn xóm bình yên, giàu đẹp. Ảnh: Đ.G.H

Xây dựng đời sống an vui, hạnh phúc

Về xã Hòa Phước vào những ngày tháng 2 âm lịch, dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp bình yên thôn quê và tình làng nghĩa xóm thân thiết. Đây là kết quả của việc thực hiện nhiều mô hình xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó phải kể đến mô hình “Tắt bếp” ở thôn Trà Kiểm. Trừ 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lễ hội “Tắt bếp” vẫn được thôn tổ chức hằng năm vào ngày 12-2 âm lịch. Trước ngày hội, nhân dân trong thôn ra quân dọn dẹp, khai thông cống rãnh, làm sạch đẹp môi trường thôn, xóm. Vật lễ là những đóng góp của người dân trong thôn để tế thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lập nghiệp. Sau đó, mọi người sẽ tụ họp ăn một bữa cơm chung thân mật trong tinh thần tương thân tương ái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Nói về ý nghĩa của lễ hội “Tắt bếp”, ông Nguyễn Bút, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước cho biết, đây là lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc bởi nhân dân luôn lấy tinh thần cộng đồng làm trọng, là nền nếp sinh hoạt chung của làng, là ngày hội của toàn dân. “Dù đi làm ăn nơi xa, nhưng đến ngày này, mọi người dân trong làng đều về dự. Trong buổi lễ, người đại diện có uy tín trong làng đánh giá các mặt làm được và chưa được để toàn thể nhân dân nắm rõ và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, qua đó nhắc nhở bà con sống đoàn kết, thủy chung, có tình nghĩa để hỗ trợ nhau xây dựng thôn ngày càng tiến bộ”, ông Nguyễn Bút chia sẻ.

Trong khi đó, thôn Cồn Mong nhiều năm giữ được sự bình yên và đoàn kết nhờ thực hiện tốt mô hình lấy số điện thoại trong nhân dân. Ông Nguyễn Hà, Trưởng thôn Cồn Mong cho biết, xuất phát từ tình hình thực tế của thôn là địa bàn phức tạp do giáp ranh với xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), nên khi bị phát hiện, các đối tượng trộm cắp, cướp giật thường lẩn trốn sang địa bàn lân cận.

Trước tình hình đó, Ban nhân dân thôn Cồn Mong phát động phong trào lấy số điện thoại trong toàn dân để khi phát hiện những trường hợp vi phạm thì điện thoại cho nhau nhằm ngăn chặn, truy bắt các đối tượng trên các tuyến đường liên thôn. “Mô hình này đã thực hiện hơn 6 năm, tạo thuận lợi trong việc thông báo họp hành đến người dân. Đặc biệt, khi xảy ra trộm cắp, đánh nhau, người dân nhanh chóng gọi điện cho trưởng thôn để báo với công an, trong đó đa phần là những vụ việc nhỏ có thể tự xử lý được”, ông Nguyễn Hà giải thích.

Xã Hòa Phước còn là địa phương thực hiện tốt mô hình đám ma “5 không”: không kèn nhạc, không rượu chè, không thuốc lá, không hạt dưa, không rải vàng mã. Mô hình này không chỉ giúp giữ gìn thôn xóm bình yên mà còn giảm chi phí cho người dân trong tổ chức ma chay, hiếu hỉ.

Bên cạnh đó, nhiều tộc họ trên địa bàn xã đăng ký thực hiện mô hình “Tộc không có con em nông dân vi phạm về tệ nạn ma túy”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tộc và trong thôn, xóm. Với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư lành mạnh, đến nay, xã Hòa Phước được công nhận là đô thị loại 5, đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021, trong đó có 3 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phát huy vai trò già làng, trưởng họ

Để duy trì các mô hình hiệu quả ở nông thôn, già làng, trưởng họ, người uy tín trong cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Họ vừa đi đầu trong các hoạt động phong trào địa phương, vừa là tấm gương sáng, mẫu mực đối với con cháu, dòng họ.

Điển hình là già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) đã vận động dân làng thực hiện nhiều mô hình kinh tế và văn hóa hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Cơ tu. Ông Siêng đã kêu gọi con cháu, bà con dòng tộc và dân làng xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội của đồng bào Cơ tu, từ đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Theo ông Siêng, thay đổi thói quen, tập tục là điều không dễ, nhất là trong công tác vận động di dời mồ mã, giải tỏa, bởi theo quan niệm của người đồng bào là chôn đâu để đó, nếu di dời là thần linh bắt họa. Vì vậy, trong các cuộc họp dân, ông Siêng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con di dời mồ mã đã chôn cất rải rác về nghĩa trang mới để bảo đảm sức khỏe và cảnh quan môi trường xung quanh. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông Siêng đã cùng cấp ủy chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận thôn Giàn Bí vận động di dời 65 mộ về nghĩa trang mới.

“Bằng uy tín của một già làng, tôi còn tích cực vận động người thân và bà con trong làng chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình; đặc biệt thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng và chăm sóc rừng, đầu tư xây dựng mô hình du lịch homestay để tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, tôi vận động dân làng chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo”, ông Siêng chia sẻ.

Ở thôn Quan Nam 4, xã Hòa Liên, ông Ngô Đê là tấm gương sáng về chăm lo phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Với nhận thức “gia đình là tế bào của xã hội, gia đình ấm no thì xã hội mới phồn vinh”, nhiều năm qua, ông Đê đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp và là tấm gương cho các gia đình trên địa bàn thôn mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Ngô Đê đã không ngừng học hỏi kỹ thuật, mạnh dạn cải tạo 2ha vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Với vai trò là Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, ông Ngô Đê đã vận động, tuyên truyền nhân dân chấp hành mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đến nay, Quan Nam 4 là thôn nhiều năm liền không sinh con thứ 3. Đặc biệt, trong những năm qua, ông Đê đã tích cực kiên trì vận động bà con nhân dân thực hiện mô hình “Ánh sáng ngoài ngõ, tiếng mõ trong nhà”, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xóm làng. Cùng với Ban nhân dân thôn, ông còn vận động thôn thành lập Chi hội khuyến học, mỗi năm khen thưởng trên dưới 10 triệu đồng.

Những đóng góp tích cực của các già làng, trưởng họ như ông Bùi Văn Siêng, Ngô Đê là tấm gương sáng ở nông thôn để người dân học tập, gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình, phong tục văn hóa tốt đẹp, tiếp tục chung tay đóng góp xây dựng quê hương Hòa Vang ngày càng giàu đẹp.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích