Đà Nẵng cuối tuần
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa
Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của mảnh đất, con người địa phương. Việc lưu giữ, bảo tồn, trao truyền giá trị di tích lịch sử, văn hóa thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của hậu thế với tiền nhân...
Nghệ sĩ Nhật Lệ, Phó Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên (trong cùng) cùng đội ngũ kỹ thuật hiệu chỉnh lại bản thu âm trước khi phát sóng. Ảnh: THANH TÌNH |
Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 30 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng (6 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp thành phố). Các di tích này còn là địa chỉ “đỏ” giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương.
Truyền dạy dân ca bài chòi trên sóng phát thanh
Từ ngày 6-3, mỗi chiều Chủ nhật hằng tuần trên Đài Phát thanh huyện Hòa Vang vang lên chương trình “Học hát dân ca bài chòi” do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) huyện phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố thực hiện. Ngoài truyền dạy các làn điệu dân ca bài chòi, chương trình dành nhiều thời lượng giới thiệu các tiết mục văn nghệ đoạt giải tại Hội thi Tiếng hát người Hòa Vang.
Trong phòng thu âm Đài Truyền thanh huyện, nghệ sĩ Nhật Lệ (tên thật Nguyễn Thị Lệ), Phó Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên, Tổ trưởng Tổ Văn hóa - Văn nghệ, Trung tâm VH-TT&TT huyện Hòa Vang) mở đầu chương trình “Học hát dân ca bài chòi” bằng chất giọng nhẹ nhàng, trong trẻo: “Rất vui được gặp lại bà con và các bạn đến với chuyên mục phát thanh “Học hát dân ca bài chòi”. Trong chuyên mục tuần này, Nhật Lệ hướng dẫn bà con và các bạn làn điệu “Vọng Kim Lang” qua phần đệm đàn của nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái”. Sau phần hát mẫu toàn bộ làn điệu “Vọng Kim Lang”, nghệ sĩ Nhật Lệ hướng dẫn người học tập luyện từng câu, từng đoạn theo từng khuôn nhạc. Kết thúc chương trình, nghệ sĩ Nhật Lệ hát lại bài hát để người học nhớ câu, từ, làn điệu và không quên dặn người học ghi âm toàn bài hát để tập luyện tập thêm.
Nghệ sĩ Nhật Lệ cho biết, trước đây, việc truyền dạy dân ca bài chòi được tổ chức trực tiếp thông qua tập huấn cho giáo viên, học sinh các trường và cán bộ văn hóa cơ sở các xã. Song, do dịch bệnh, đi lại giữa các trường, các xã xa xôi nên việc học không thường xuyên. Vì vậy, đầu tháng 3 năm nay, Trung tâm VH-TT&TT huyện mở chương trình truyền dạy dân ca bài chòi qua sóng phát thanh để người học tiếp cận, nhất là những người có đam mê bộ môn này.
“Dù dạy trực tiếp hay qua sóng phát thanh thì ở mỗi khóa học, tôi đều thông tin cho người học về nguồn gốc, xuất xứ cũng như luyện các kỹ năng để người học hát thành thạo các làn điệu dân ca bài chòi. Tôi còn dành thời gian phân tích về phong cách biểu diễn của các nhân vật trên sân khấu để người học hiểu hơn về nghệ thuật bài chòi. Trong quá trình dạy, tôi luôn đi từ những làn điệu cơ bản như các điệu hò, điệu lý, hát ru, hát hò khoan, đối đáp… Khi người học thành thạo, tôi đưa vào các bài chòi cổ, đồng thời tập trung hướng dẫn các trò chơi diễn xướng dân gian hô hát bài chòi để người học nắm kỹ hơn”.
Theo nghệ sĩ Nhật Lệ, người học bài chòi không chỉ cần năng khiếu mà phải có niềm đam mê. Trong dân ca bài chòi, khó nhất là giọng người hát phải có độ luyến láy, độ rung, có hơi dày, quãng rộng. Cao hơn nữa ở nghệ thuật biểu diễn sân khấu kịch, người hát phải kết hợp giữa hát và biểu diễn để người nghe thẩm thấu được cả về cảm xúc lẫn hình ảnh. Đối với hô hát bài chòi, người hô hát cần nhạy bén, ứng biến và tương tác tốt để hấp dẫn người nghe, lôi cuốn người chơi.
“Dân ca bài chòi là loại hình nghệ thuật dễ nhưng khó, nhất là dạy qua truyền thanh sẽ có những hạn chế nhất định về thời lượng. Vì vậy, tôi dự kiến đề xuất hình thành fanpage “Học hát dân ca bài chòi” để sau mỗi số phát trên sóng trên truyền thanh thì đăng tải tài liệu, file nhạc lên mạng xã hội. Đây cũng là cách quảng bá giá trị văn hóa dân ca bài chòi đến cộng đồng thiết thực, sâu rộng”, nghệ sĩ Nhật Lệ bộc bạch.
Đam mê các làn điệu dân ca bài chòi từ nhỏ, Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái (CLB Bài chòi Sông Yên) cho rằng, hô hát bài chòi là nét văn hóa truyền thống dân gian độc đáo, đặc trưng của vùng đất và con người xứ Quảng. Hô hát bài chòi hiện trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Dân ca bài chòi có nhiều làn điệu buộc người hát và người đệm nhạc phải “ăn ý” với nhau, nhất là với các làn điệu ngẫu hứng của người hát thì nhạc công phải rất tinh tế mới xử lý tốt được.
Chương trình truyền dạy dân ca bài chòi trên sóng phát thanh do các nghệ nhân thuộc CLB Bài chòi Sông Yên biên soạn, dàn dựng và lên lớp, dự kiến thực hiện đến hết năm 2022. Ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hòa Vang nhìn nhận: Chương trình này phần nào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi trên địa bàn huyện Hòa Vang; góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, tìm ra những hạt nhân, những người có đam mê với dân ca bài chòi.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Có nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn với 3 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp thành phố và nhiều bia di tích, chiến tích, xã Hòa Phong đã tập trung làm tốt việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, di sản. “Ngoài tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc trùng tu, tôn tạo di tích, hằng năm, UBND xã vận động các ban, ngành, đoàn thể chung tay sơn sửa, quét vôi tại các bia di tích, chiến tích. Xã còn huy động người dân tại các thôn có di tích thành lập ban quản lý để chăm sóc, bảo vệ; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương”, ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong chia sẻ.
Theo UBND huyện Hòa Vang, thời gian qua các di tích trên địa bàn huyện được các cấp quan tâm trùng tu, tôn tạo khá hoàn chỉnh, làm nổi bật giá trị, tạo cảnh quan hài hòa cho tổng thể di tích. Về cơ bản, các di tích xuống cấp được trùng tu, tôn tạo đáp ứng các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng các đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho hay, công tác quản lý, bảo vệ trực tiếp di tích hiện giao cho Ban quản lý/Tổ bảo vệ di tích tại các xã. Hằng năm, huyện quan tâm công tác bảo vệ, bảo quản hiện vật lưu giữ, trưng bày tại di tích. Để các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa gắn liền với cộng đồng, những điểm tham quan, du lịch được du khách biết đến, ông Tân cho rằng, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Huyện Hòa Vang đang hướng đến khai thác phát triển các sản phẩm du lịch tại một số điểm di tích; đồng thời tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích để giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử địa phương vào bài giảng hoặc tổ chức các chương trình ngoại khóa. Các trường dạy truyền thống lịch sử địa phương phù hợp với kiến thức và lứa tuổi ở mỗi cấp, bậc học như: Di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các đặc sản, lễ hội dân gian, phong tục tập quán, kiến thức về những nhân vật lịch sử… trên địa bàn huyện. Ngoài ra, các trường tổ chức cho học sinh tham gia giao lưu, trò chuyện với nhân chứng lịch sử. “Việc đưa lịch sử địa phương vào trường học giúp học sinh hiểu đúng hơn về giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; qua đó khơi dậy, bồi đắp lòng tự hào truyền thống dân tộc, hun đúc trách nhiệm của thế hệ trẻ với gia đình, xã hội...”, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Phan Hữu Dũng nhìn nhận.
THANH TÌNH