Đà Nẵng cuối tuần
Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao
Những năm gần đây, huyện Hòa Vang luôn quan tâm huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Sân bóng đá Minh Anh (xã Hòa Phước) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa là một trong những điểm phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao của thanh, thiếu niên trên địa bàn xã. Ảnh: M.H |
Đứng trước cơ ngơi khang trang của Nhà văn hóa - khu thể thao thôn Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh) rộng cả nghìn mét vuông, ông Nguyễn Phú Kiểm, Trưởng thôn Mỹ Sơn bồi hồi kể: Trước kia, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; mỗi khi có các cuộc họp, tập văn nghệ hay sinh hoạt hè cho thanh, thiếu niên, phần lớn đều nhờ địa điểm ở những hộ gia đình có sân, nhà cửa rộng rãi. Điều này ít nhiều gây bất tiện cho các hộ dân, đặc biệt là hạn chế trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao cũng vì thế mà không được tổ chức thường xuyên…
Sôi nổi hoạt động văn hóa, thể thao
Bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2014, nhà văn hóa - khu thể thao thôn Mỹ Sơn được xây dựng và đưa vào sử dụng trên diện tích hơn 2.000m2, với đầy đủ trang thiết bị như: tivi, quạt điện, hệ thống loa, ampli, đèn chiếu sáng… không chỉ là nơi hội họp, mà còn là nơi luyện tập văn nghệ để tham gia các chương trình văn hóa của xã, huyện.
Còn khu thể thao thôn với sân bóng đá, bóng chuyền là điểm tập luyện thể dục thể thao yêu thích của các thanh, thiếu niên trong thôn. Sau giờ tan học buổi chiều, em Nguyễn Nhật (SN 2010) cùng các bạn rủ nhau đá bóng tại đây. “Trừ những hôm trời mưa, hầu như chiều nào em cũng cùng các bạn ra khu thể thao thôn chơi đá bóng. Những ngày hè, chúng em sẽ ra chơi nhiều hơn”, Nhật chia sẻ.
Trong khi đó, hoạt động văn hóa - thể thao tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng (VH, TT&HTCĐ) xã Hòa Ninh cũng diễn ra sôi nổi. Những ngày này, nếu ghé Trung tâm VH, TT&HTCĐ xã Hòa Ninh sau 18 giờ sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh thanh, thiếu niên từ các thôn về luyện tập bóng đá, bóng chuyền… để chuẩn bị cho Đại hội Thể dục Thể thao xã diễn ra vào giữa tháng 4.
Tại xã Hòa Phước, thôn Thọ Nhơn 1 là một trong những thôn nổi bật về hoạt động văn hóa - thể thao. Ông Đỗ Văn Chương, Trưởng thôn Nhơn Thọ 1 cho hay, thôn vừa đoạt giải Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể dục thể thao xã Hòa Phước lần thứ IX vào tháng 3-2022. Hiện thôn Nhơn Thọ 1 có 1 sân vận động lớn hơn 4.000m2, 1 nhà văn hóa thôn khoảng 400m2.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) huyện được đầu tư khá hoàn thiện gồm: khối nhà làm việc, phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng, diện tích 2.250m2; sân đá bóng 11 người với khán đài và đường pitch. Trang thiết bị gồm: hệ thống âm thanh, ánh sáng trị giá 360 triệu đồng, trang thiết bị phục vụ công việc của viên chức, người lao động gồm 16 bộ máy vi tính. Ngân sách cấp bình quân hằng năm cho Trung tâm VH-TT&TT huyện là 5 tỷ đồng.
Việc quy hoạch dành quỹ đất cho xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở được triển khai đồng thời với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 113/113 thôn được đầu tư nhà văn hóa - khu thể thao bảo đảm diện tích theo quy định; 11/11 xã có Trung tâm VH-TT&HTCĐ. Trong đó, 5 xã đã được đầu tư xây dựng hội trường đa năng gồm: Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, với hội trường 250 ghế ngồi, phòng khánh tiết, thiết bị âm thanh, ánh sáng đủ để phục vụ văn nghệ quần chúng; bộ thiết bị luyện tập thể thao ngoài trời; 2 bộ máy vi tính; 2 phòng chức năng; kệ sách và tủ, bàn làm việc.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao
Tuy nhiên, thực tế, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa - thể thao vẫn gặp không ít khó khăn và còn nhiều hạn chế. Ông Lê Xuân Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, hiện một số nhà văn hóa - khu thể thao thôn được đầu tư xây dựng nhưng thiếu trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao. Kinh phí hỗ trợ hoạt động còn ít. Công tác vận động xã hội hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm, công việc nhiều nên chưa tập trung tốt cho công tác quản lý và tổ chức hoạt động. Vì vậy, cần có ít nhất 1 cán bộ phụ trách Trung tâm VH, TT&HTCĐ xã để quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang thông tin, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các nhà văn hóa - khu thể thao thôn được chỉnh trang, mở rộng thêm diện tích từ 300m2 trở lên, có sân thể thao tập luyện đơn giản. Tuy vậy, một số ít nhà văn hóa ở khu tái định cư không đạt chuẩn diện tích theo quy định; nhiều thôn không có sân bóng đá nên dùng chung với thôn liền kề. Nhiều nhà văn hóa thôn đầu tư giai đoạn 2000-2005 đến nay không còn bảo đảm sức chứa do sự gia tăng dân số ở địa phương.
Một số nhà văn hóa bị ảnh hưởng một số dự án nên cần quy hoạch di dời sang địa điểm mới. “Trung tâm VH, TT&TT huyện được đầu tư lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả. Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở chưa đồng bộ, đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu trang thiết bị, khai thác cơ sở vật chất chưa hiệu quả; thiếu con người vận hành có chuyên môn phù hợp. Vì vậy, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ huyện đến xã không thu hút được đông đảo người dân đến tham gia sinh hoạt. Việc kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa - thể thao còn khá hạn chế”, ông Dũng nhìn nhận.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn huyện, ông Dũng cho biết, trước mắt, huyện tập trung tăng số lượng hoạt động văn nghệ - thể thao ở các thiết chế văn hóa - thể thao; xây dựng các hội nhóm, câu lạc bộ văn nghệ - thể thao tại địa phương làm nòng cốt để kích thích phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển; cho tổ chức, cá nhân được phép tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao tại các thiết chế văn hóa công cộng; đa dạng hóa nội dung hoạt động và mở rộng các nhóm đối tượng phục vụ tại thiết chế văn hóa; tổ chức hoạt động hệ thống Trung tâm văn hóa - thể thao, Nhà văn hóa toàn huyện theo hướng thiết chế văn hóa - giáo dục tổng hợp ngoài nhà trường, thích ứng với sự phát triển kinh tế -xã hội hiện nay; nghiên cứu bổ sung các hoạt động giáo dục ngoại khóa của trường phổ thông, chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên, giáo dục cộng đồng… vào hoạt động nhà văn hóa.
MAI HIỀN