BẢO ĐẢM AN TOÀN LAO ĐỘNG

Lao động tự do cần bảo vệ mình

.

Câu chuyện của anh T.M.H (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) ám ảnh tôi mỗi khi viết về vấn đề tai nạn lao động (TNLĐ). Lúc gặp nạn, anh H. là lao động được trả lương theo ngày công, không tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, không hợp đồng lao động với người thuê…

Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng khám và điều trị cho ông N.X.B (trú xã Tịnh Châu, tỉnh Quảng Ngãi) bị hóc đinh. (Ảnh do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)
Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng khám và điều trị cho ông N.X.B (trú xã Tịnh Châu, tỉnh Quảng Ngãi) bị hóc đinh. (Ảnh do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)

Tai nạn xảy ra khi anh H. đi làm thuê cho người dân địa phương tại xã Hòa Nhơn. Trong lúc thu hoạch keo, một thân cây đổ ập xuống người khiến anh bất tỉnh. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị dập tủy sống, gãy đốt sống cổ gây liệt toàn thân. Lần ấy, anh H. được điều trị 9 tháng tại bệnh viện. Tuy nhiên, trường hợp làm thuê theo “hợp đồng miệng” như anh H. khi gặp nạn không được xem là TNLĐ nên không được hưởng những chế độ theo quy định hiện hành. Anh H. cho hay, thời điểm đó, chủ vườn keo chỉ hỗ trợ anh một số tiền để đóng viện phí, thuốc men; còn lại gia đình phải cáng đáng, vay mượn từ người thân, bạn bè.

Nhiều năm nằm liệt giường, da dẻ lở loét, việc tiểu tiện, sinh hoạt cá nhân của anh H. hoàn toàn phụ thuộc vào vợ con. Mỗi năm, vài ba tháng anh H. khăn gói xuống viện điều trị phần da hoại tử. Mất sức lao động, bệnh tật kéo dài khiến kinh tế gia đình suy kiệt, lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau.

TNLĐ là điều không ai mong muốn, nhưng khi tai nạn xảy ra, người lao động (NLĐ) tự do, thời vụ, không có hợp đồng ràng buộc khó đòi hỏi quyền lợi từ người sử dụng lao động. Đơn cử, trong lúc đẩy xe rùa vận chuyển xi-măng tại một công trình xây dựng trên địa bàn quận Liên Chiểu, anh T.P.H (phường Hòa Hiệp Nam) không may trượt chân, ngã từ tầng 2 xuống đất. Cú va đập mạnh khiến anh gãy xương sườn, dập tủy, sức khỏe giảm sút, không còn khả năng lao động nặng. Anh T.P.H là lao động tự do nên khi gặp nạn, chủ thầu xây dựng chỉ phụ giúp một phần thuốc men.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2021, ngành xây dựng chiếm 15% tổng số vụ TNLĐ, tiếp đến là sản xuất vật liệu, da giày và dệt may. Một phần nguyên nhân đến từ NLĐ không qua đào tạo, ý thức chấp hành kỷ luật kém, chủ quan, thiếu trang thiết bị bảo hộ, đặc biệt là đối với lực lượng lao động tự do làm việc tại các công trình xây dựng.

Mới đây, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận một trường hợp TNLĐ mà nguyên nhân đến từ sự bất cẩn của chính NLĐ. Cụ thể, trong lúc đóng cốp pha tại một công trình nhà ở, ông N.X.B (trú xã Tịnh Châu, tỉnh Quảng Ngãi) ngậm vào miệng 3 cây đinh sắt để tiện lấy đóng lên tường. Có người hỏi chuyện, ông B. trả lời khiến một cây đinh dài 3cm tuột xuống cuống họng, đi vào phổi. Khi bị hóc đinh, ông B. cảm giác hơi vướng nhưng không khó thở, chỉ ho một cơn gọi là hội chứng xâm nhập. Sau đó, ông B. đi khám tại bệnh viện địa phương và được bác sĩ khuyên về tìm đinh trong phân. Sau 4 ngày không tìm thấy đinh, ông B. quyết định nhập cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng và được nội soi phế quản gắp đinh nằm trong phổi trái sau 30 phút. Với trường hợp này, bác sĩ Hoàng Thị Tâm, Phó trưởng khoa Nội hô hấp - miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo, NLĐ không nên chủ quan, cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong lao động.

Ngoài việc đối mặt với những tổn hại về sức khỏe, các ràng buộc về pháp lý khiến đối tượng lao động tự do, thời vụ, thỏa thuận miệng khi gặp TNLĐ khó đòi hỏi các quyền lợi liên quan. Cụ thể, Thông tư số 28/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-3-2022 - PV) nêu rõ, người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm với NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp khi NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, người thử việc, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Trước những rủi ro không lường trước của TNLĐ, đặc biệt là lao động tự do, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng đến các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, các cấp quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn, cao tầng, có sử dụng máy móc, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như vận thăng, cẩu trục tháp.

Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện an toàn lao động tại các công trình xây dựng cầu đường, các công trình giao thông trọng điểm thuộc quyền quản lý; tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất luợng công trình trong các khâu: khảo sát, thiết kế, thi công, xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành và bảo trì công trình; kiểm tra, đăng kiểm chặt chẽ các phương tiện vận tải theo đúng quy định nhằm bảo đảm an toàn, đặc biệt là các phương tiện hoạt động đường thủy. Các hoạt động này nằm trong đợt cao điểm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, NLĐ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe NLĐ, góp phần hạn chế thấp nhất TNLĐ tại các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Khoản 4, Điều 34, Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: Khi xảy ra TNLĐ làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với UBND phường, xã, thị trấn nơi xảy ra TNLĐ để kịp thời có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, thực tế, khi tai nạn xảy ra, nhóm lao động tự do, lao động thời vụ thường chịu nhiều thiệt thòi do không đủ cơ sở đòi người sử dụng lao động bồi thường thiệt hại. Do đó, để tự bảo vệ mình, ngoài chấp hành các quy định về an toàn lao động, nhóm lao động tự do cần yêu cầu người (đơn vị) thuê ký hợp đồng lao động và chủ động tham gia các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm quyền lợi khi có sự cố xảy ra.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích