Bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở nhiều nước

.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) hiện nay khá bất thường nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và chưa cần tiêm đại trà vắc-xin.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm PCR. Ảnh: Reuters
Bệnh đậu mùa khỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm PCR. Ảnh: Reuters

Tính đến ngày 26-5, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 250 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và hàng trăm ca nghi mắc ở 22 nước kể từ khi căn bệnh này được phát hiện cách đây khoảng 3 tuần tại các quốc gia ngoài châu Phi.

Bệnh bùng phát mạnh ở châu Âu 

Úc là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, với trường hợp đầu được báo cáo vào ngày 20-5, là du khách trở về từ Anh. Tại châu Á, Israel là nước phát hiện đầu tiên trường hợp mắc bệnh này. 

Tại châu Âu, 13 quốc gia đã phát hiện các ca người mắc bệnh đậu mùa khỉ với khoảng 200 trường hợp. Bỉ là nước đầu tiên yêu cầu cách ly 21 ngày bắt buộc với bệnh nhân đậu mùa khỉ kể từ ngày 20-5, thời điểm họ phát hiện ca bệnh thứ 3. Quy định này áp dụng cho những người được xác định nhiễm virus đậu mùa khỉ (F0). Các trường hợp tiếp xúc gần (F1) không bắt buộc cách ly nhưng được khuyến khích cảnh giác, đặc biệt nếu tiếp xúc với người dễ bị tổn thương. Đức cũng sẽ thực hiện cách ly ít nhất 21 ngày đối với F0 và F1.

Pháp ghi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 20-5 và ca bệnh này không đi đến bất kỳ nước nào từng xuất hiện các ca đậu mùa khỉ. Đến nay, cả ba ca mắc đầu tiên ở Pháp không có mối liên hệ trực tiếp với những người trở về từ các quốc gia ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Trong khi đó, Bắc Mỹ, Canada và Mỹ đều ghi nhận ca mắc và nhiều trường hợp nghi mắc.

WHO đánh giá tuy đợt bùng phát dịch bệnh này khá bất thường nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và cho biết sẽ sớm tổ chức thêm các cuộc họp nhằm đưa ra những khuyến nghị mới hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với đợt bùng phát dịch bệnh.

Đậu mùa khỉ lây ra sao?

Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện trên khỉ (macaques) - loại khỉ trong một phòng thí nghiệm ở Đan Mạch vào năm 1958. Khoảng 12 năm sau, những trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được phát hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó phổ biến ở Tây Phi và Trung Phi.

Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, lây nhiễm sau khi người tiếp xúc với loài khỉ. Hầu hết bệnh nhân hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1%, nhưng cũng có số liệu thống kê của WHO cho rằng tỷ lệ này thời gian gần đây là 3-6%.

Virus đậu mùa khỉ có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây từ người sang người qua giọt bắn hô hấp hay dịch cơ thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5-21 ngày kể từ khi nhiễm virus, gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là cách ly và khử khuẩn. WHO cho rằng, chưa cần tiêm đại trà vắc-xin để ngăn ngừa, bởi các biện pháp như vệ sinh tốt và tình dục an toàn vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Hiện chưa rõ nguyên nhân virus đậu mùa khỉ lây lan ra ngoài khu vực châu Phi. Câu hỏi được đặt ra là dịch bệnh đậu mùa khỉ có thể trở thành đại dịch hay không. Theo GS. Paul Hunter, Trường Y Norwich thuộc Trường Đại học East Anglia (Anh) - chuyên gia vi sinh và kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tuy ngày càng nhiều nước ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng bệnh này ít có nguy cơ trở thành đại dịch như Covid-19.

GS. Paul Hunter cho rằng, các nước có thể kiểm soát được bệnh đậu mùa khỉ trước khi bùng phát thành vấn đề lớn do đã có vắc-xin khá hiệu quả - loại vắc-xin được dùng để chống bệnh đậu mùa. Đặc biệt, vắc-xin này có thể dùng để tiêm cho những người sau khi tiếp xúc với ca bệnh. Vì vậy, cách thức kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ là xác định nhanh nhất các ca mắc và sau đó tiêm vắc-xin cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần.

KHÁNH LINH (theo AFP, Reuters, Daily Telegraph)

;
;
.
.
.
.
.