1. Được đánh giá là tác phẩm văn học hay nhất của nhà văn, nhà soạn kịch người Anh Deborah Levy, Sữa nóng (NXB Hội Nhà văn, 2021) kể về nhân vật Sofia Papastergiadis - một cô gái trẻ quyết định gác lại luận văn tiến sĩ, thế chấp nhà, gom góp tiền đưa mẹ sang Tây Ban Nha chữa bệnh. Tại vùng hoang mạc ven biển, Sofia gặp bác sĩ Gómez và những con người làm thay đổi cuộc đời cô. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế nhưng khá dồn dập, Deborah Levy mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc, dựa trên hành trình chữa bệnh của mẹ con Sofia.
Dày 336 trang, Sữa nóng là cuốn sách đáng đọc nếu bạn muốn thấu rõ hơn trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình, về tình yêu và sự hy sinh, về nỗi đau và niềm hy vọng trong cuộc đời.
2. Người bà tài giỏi vùng Saga (NXB Thanh Niên, 2021) là tập truyện tranh chuyển thể từ cuốn hồi ký của nghệ sĩ hài Yoshichi Shimada (Nhật Bản). Câu chuyện bắt đầu khi Akihiro - 7 tuổi, mồ côi cha - buộc phải rời xa mẹ đến Saga sinh sống với người bà nghèo khó. Hành trình ấy kéo dài 8 năm, mỗi năm Akihiro sẽ về Hiroshima thăm mẹ một lần. Cuốn sách tập hợp những mẫu chuyện thú vị xoay quanh cuộc sống thường nhật của hai bà cháu. Ngoài tình yêu của bà, cậu bé được đối xử tử tế, như chuyện thầy cô giáo chủ nhiệm luôn cố tình đổi hộp cơm ngon cho Akihiro trong các kỳ thi thể dục; người bán đậu hũ gần nhà cố tình làm vỡ miếng đậu lành để bán rẻ cho bà cháu Akihiro…
Vì nghèo, Akihiro không thể chơi kiếm đạo, bóng chày, học võ, môn duy nhất người bà có điều kiện cho cậu chơi là chạy bộ vì đường chạy miễn phí và không cần đầu tư trang phục. Ký ức tuổi thơ của Akihiro chìm đắm trong triết lý và những điều răn từ bà, như: “Đồng hồ quay ngược là đồng hồ hỏng, chỉ có vứt đi. Con người cũng vậy. Đừng nên tiếc nuối quá khứ mà hãy tiến về phía trước”, “Trên đời còn bao nhiêu người bị bệnh mà vẫn không muốn chết. Được sống mà còn muốn tự sát thì xa xỉ quá”, “Hãy tận hưởng cái nghèo hôm nay đi.
Một mai giàu có lại phải lo đi du lịch, đi ăn sushi, ăn vận này nọ bận lắm chứ chẳng chơi”, “Cần gì phải có quần bơi. Bơi bằng thực lực của mình ấy”, “Có hai loại nghèo, nghèo ủ ê và nghèo vui vẻ. Nhà mình là nghèo vui vẻ. Với lại có phải gần đây mới nghèo đâu, cháu đừng lo. Cứ tự tin lên. Nhà mình nghèo truyền kiếp từ cụ tổ rồi”… Những mẫu thoại hài hước, hóm hỉnh cho thấy bà của Akihiro luôn sống lạc quan, tích cực, không để hoàn cảnh nghèo khó khiến mình than vãn, mất đi niềm vui sống.
Kể từ lần đầu xuất bản vào năm 1987, đến năm 2007, cuốn tự truyện của Yoshichi Shimada đạt doanh thu hơn 4 triệu bản in và được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch sân khấu.
HUỲNH LÊ