Bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối

.

Một trong những câu chuyện “nóng” nhất trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội những ngày qua là vấn đề bạo lực gia đình được bàn thảo ở nghị trường Quốc hội. Chồng suốt ngày khen vợ hàng xóm chu đáo, xinh đẹp; vợ bắt chồng lên chức, kiếm nhiều tiền; vợ chồng kiểm tra tin nhắn của nhau; chồng tối ngày đi nhậu, để vợ ở nhà… là hành vi bạo lực gia đình.

Cách định nghĩa về bạo lực gia đình theo nội hàm “bạo lực tinh thần” của các đại biểu Quốc hội khi góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang gây nhiều tranh cãi. Xem xét kỹ thì những phát biểu này rất đáng suy ngẫm và cần xem xét bổ sung để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được áp dụng hiệu quả hơn.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đưa ra 18 hành vi được coi là bạo lực gia đình như: bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; phân biệt giới tính... Từ thực tiễn, lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) hoàn toàn có lý khi cho rằng có thể bổ sung vào luật thêm những hành vi, nhất là hành vi bạo lực tinh thần.

Bạo lực gia đình không chỉ là tác động vật lý gây thương tích cho vợ/chồng, con cái, mà còn là lời nói, hành động gây tổn hại về tâm lý, tinh thần, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, khiến người thân bị tổn thương, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến trầm cảm… Bạo lực thể xác để lại dấu vết, có thể thấy bằng mắt và chứng minh được, trong khi bạo lực tinh thần gây khủng hoảng rất lớn cho người bị bạo hành nhưng lại khó chứng minh.

Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình không thể tránh khỏi những lúc bất đồng, mâu thuẫn giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái. Trong tình huống ấy, mỗi người sẽ có cách phản ứng khác nhau, có người chọn cách im lặng, có người to tiếng, có người nhanh chóng hòa giải sau đó, có người giữ những ẩn ức trong lòng... Xét trên khía cạnh này, khó có thể kết luận những thái độ phát sinh từ sự bất đồng, mâu thuẫn như thế là bạo lực.

Nhiều ý kiến tranh cãi về việc “nhận diện” bạo lực gia đình cho thấy có nhiều cách hiểu khác nhau về bạo lực gia đình, và bạo lực tinh thần thì có muôn hình vạn trạng. Quan trọng là phải “lượng hóa” hết những hành vi bạo lực gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần thì mới có thể đưa vào luật, từ đó mới bảo vệ được người bị bạo lực gia đình. 

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Sau gần 15 năm thực hiện, luật đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Thế nhưng, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối và luật vẫn có nhiều khoảng trống. Thống kê của Bộ VH-TT&DL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành cho thấy, giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình trên cả nước (các trường hợp được phát hiện) là 324.641 vụ.

Theo điều tra quốc gia được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý, hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm sự giúp đỡ. Nguyên nhân có thể do e ngại điều tiếng và tâm lý cam chịu chứ không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, hoặc vì muốn giữ một gia đình có đầy đủ cha mẹ cho con… Những con số nói trên rất đáng báo động. Một mối quan tâm khác được đặt ra là những đứa trẻ sống trong một gia đình thường xuyên bị bạo lực sẽ mang theo nỗi ám ảnh tinh thần về những cách ứng xử thô bạo của cha mẹ với nhau.

Nhà là nơi để trở về. Gia đình là nơi để yêu thương. Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc; bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013…

Tháng 1-2022, Bộ VH-TT&DL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đưa ra các tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; trong đó có các tiêu chí ứng xử của vợ - chồng; cha mẹ với con, ông bà với cháu; con với cha mẹ, cháu với ông bà…

Hy vọng việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng phù hợp với thực tiễn hơn - mang tính ràng buộc về pháp lý, kết hợp với Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - mang tính hướng dẫn, sẽ là công cụ bảo vệ kịp thời người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PHÚC AN

;
;
.
.
.
.
.