Đà Nẵng cuối tuần
Từ toàn cầu hóa đến địa phương hóa
Làm sao để tồn tại, phát triển trong thời đại báo chí truyền thống đối mặt sức ép cạnh tranh rất lớn từ mạng xã hội, đó là thách thức đặt ra với mọi nhà báo hiện nay bất kể ở châu lục, quốc gia nào. Cũng vì điều này mà mới đây, Viện Báo chí quốc tế (International Press Institute - IPI) đã chia sẻ báo cáo nghiên cứu về sự đổi mới sáng tạo cũng như những biện pháp thực tế để “giải cứu” báo chí truyền thông địa phương(*).
Một nhà báo đang tác nghiệp trong đại dịch Covid-19. Ảnh: UN Women |
Nghiên cứu của IPI đáng chú ý vì đã có các câu chuyện thực tế sinh động rút ra từ những thảo luận sâu với hơn 35 nhà báo, biên tập viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí và các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực này tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Âu. Đứng sau báo cáo nghiên cứu, chiến lược gia truyền thông Jacqui Park của IPI tập trung vào các giải pháp đổi mới sáng tạo giúp báo chí truyền thống phát triển bền vững hơn, phục vụ cộng đồng sở tại hiệu quả hơn và chống chọi tốt hơn với tin tức giả.
Bí quyết thành công: Hiểu rõ “khách hàng”
Để thành công, các tổ chức truyền thông cần có “chìa khóa” mở được cánh cửa đến với độc giả/khán giả. “Công thức thành công” này rất đơn giản: Hiểu rõ bạn đọc của mình, mang lại giá trị thông tin cho họ, tìm hướng đi riêng biệt, gắn bó với độc giả và nhờ họ hỗ trợ.
Báo điện tử El Pitazo (Venezuela) cho thấy tin tức địa phương vẫn có thể được sản xuất theo cách mới mẻ và sáng tạo dù đối mặt nhiều khó khăn. Tờ báo này đã kết nối tới các cộng đồng ở xa trung tâm thuộc vùng ven những đô thị lớn thông qua các áp-phích thông tin khổ lớn dán trên những bức tường, các bản tin tức ngắn 2 phút trước giờ chiếu phim và tổ chức các diễn đàn trực tuyến trên ứng dụng mạng xã hội WhatsApp. Không những thế, họ còn tận dụng mọi công cụ biểu đạt thị giác trong các câu chuyện điều tra báo chí kịch tính để chúng đến được với đông đảo công chúng hơn.
IPI cũng chỉ ra thực tế những đơn vị báo chí địa phương thành công đều đang nỗ lực đổi mới các yếu tố cơ bản như cấu trúc bài báo, tính dễ hiểu của thông tin và cách thức trình bày. Tất cả đều nhằm giúp các bài báo dễ tiếp cận hơn, dễ hiểu hơn với phần đông độc giả mà tờ báo hướng tới.
Với quy tắc này, bản “hướng dẫn sinh tồn” cho báo chí của IPI một lần nữa nhắc lại quan điểm báo chí tại mỗi địa phương cần phải đắm mình vào cộng đồng sở tại, xây dựng lại niềm tin với độc giả bằng cách lắng nghe những vấn đề quan tâm của họ. Nói ngắn gọn thì báo chí hãy nghĩ nhiều hơn tới việc họ đang đưa tin vì (for) cộng đồng sở tại hơn là đưa tin về (about) cộng đồng đó.
Một ví dụ thú vị khác là nền tảng tin tức online 263Chat ở Zimbabwe. Tờ báo này nhận ra các độc giả ở vùng nông thôn của họ đang ngày càng “di động” hơn, nhưng vì giá cước Internet tại đây còn khá đắt đỏ nên họ chọn cách tiết kiệm hơn cho người đọc khi phát hành báo e-paper - phiên bản PDF của tờ báo buổi sáng của 263Chat và phát hành qua các nhóm chat trên WhatsApp.
Thực tế cho thấy không có giải pháp sáng tạo nào phù hợp với mọi cộng đồng cũng như mọi tờ báo. Tuy nhiên, “triết lý phục vụ” độc giả luôn đúng là: Để thành công, tất cả những trường hợp điển hình nói trên rất chú tâm tới những nhu cầu thực tiễn của nhóm độc giả mà họ hướng tới.
Các giải pháp hành động
Bên cạnh mong muốn truyền cảm hứng cho các cơ quan báo chí truyền thống, một trong những mục tiêu chính của báo cáo “hướng dẫn sinh tồn” do IPI phát hành còn gợi mở những giải pháp thiết thực để những đơn vị này có thể thực hiện, giải tỏa thế khó đang đe dọa sự sống còn của nhiều đơn vị.
Theo đó, có 5 giải pháp quan trọng được đề xuất nhằm xây dựng môi trường tin tức địa phương phát triển sôi nổi và hiệu quả.
Thứ nhất, cần quán triệt tầm nhìn cũng như sứ mệnh là đáp ứng nhu cầu tin tức của cộng đồng và đối tượng độc giả hướng tới với những nội dung và cách thức thể hiện phù hợp nhất.
Thứ hai, tăng thêm quy mô và cơ hội tiếp cận thông tin, đào tạo, hỗ trợ mạng lưới thông tin và có thêm ngân sách thiết yếu cho việc xây dựng mạng lưới truyền thông báo chí bền vững tại môi trường sở tại. Việc này có thể thực hiện thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp hoặc trực tuyến với nội dung tập trung vào các chiến lược doanh thu, thiết kế sản phẩm cũng như tăng cường tương tác với bạn đọc.
Thứ ba, tạo dựng một mạng lưới kết nối báo chí toàn cầu để giúp báo chí tại từng quốc gia, từng địa phương có thể chia sẻ, hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm từ thành công và cả thất bại của người khác/đơn vị báo chí khác.
Thứ tư, cần chia sẻ để các tổ chức tài trợ cũng như cộng đồng hỗ trợ truyền thông (nhất là tại các quốc gia và khu vực đang phát triển) hiểu rằng tương lai của báo chí sẽ là báo chí địa phương.
Thứ năm, cần tận dụng mối quan hệ và niềm tin của cộng đồng sở tại để lấy lại niềm tin với báo chí truyền thống và dẫn dắt cuộc chiến chống tin giả cũng như tin thất thiệt.
TRẦN ĐẮC LUÂN
------------------------
(*) Từ "địa phương” (local) được dùng trong bài với nội hàm chỉ báo chí tại một khu vực cụ thể chứ không mang nghĩa so sánh trung ương với địa phương.