Ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) đều có miếu Thất Vị. Điều lạ lùng là miếu Thất Vị ở Thừa Thiên Huế hình thành trong xóm của người có gốc gác từ tỉnh Quảng Nam. Từ hai ngôi miếu này đã có những câu chuyện liên quan tới triều Tây Sơn.
Miếu Thất Vị ở làng La Qua thờ cúng 7 người con gái của Diêm Vương (ảnh trái) và ngôi miếu nhỏ phía trước miếu Thất Vị thờ người con trai thứ 8 của Diêm Vương. Ảnh: THÁI KIỀU VI |
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền có gần 30 năm tìm kiếm các di chứng về nhà Tây Sơn, đặc biệt là lăng mộ vua Quang Trung. Tuy ông đã đưa ra một số nhận định, luận cứ về lăng mộ Quang Trung nhưng vẫn chưa được giới khoa học chấp thuận. Vì vậy, mộ phần hoàng gia nhà Tây Sơn tiếp tục là điều bí ẩn.
Hai ngôi miếu cùng tên
Bài viết Về miếu Thất Vị ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế của nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đăng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng số 24/2011 nhắc đến các dấu tích có thể liên quan triều Tây Sơn, đó là hai ngôi miếu cổ đề cập ở trên. Theo bài viết, ngày xưa, làng Lai Quy (nay là làng Hòa An, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) do ngài Phạm Như Nghi khai khẩn đất đai vào thế kỷ XVII, triều đại của chúa Nguyễn Hoàng.
Ở cuối làng Quy Lai có một xóm nhỏ ven sông là nơi cư ngụ của những người thợ chuyên đóng thuyền bè phục vụ thủy quân từ thời chúa Nguyễn đến triều Tây Sơn rồi các vua nhà Nguyễn sau này. Hầu hết những người thợ đóng thuyền quân sự được các triều vua, chúa điều từ làng mộc Kim Bồng (Hội An, Quảng Nam) ra Phú Xuân, nên có tên gọi xóm Kim Bồng.
Cũng từ lâu, bên con đường mòn của xóm nhỏ này xuất hiện 7 cái bệ nhỏ để thờ cúng vong linh cô hồn. Rồi dần dà có chuyện truyền khẩu rằng 7 cái bệ thờ đó là do người dân xóm Kim Bồng an táng cho 7 bộ xương cốt của những người xấu số đựng trong các chiếc giỏ mây vớt được bên bờ sông Hương, dân làng dựng miếu để thờ chung 7 bộ hài cốt nên có tên gọi miếu Thất Vị.
Còn miếu Thất Vị ở làng La Qua (nay thuộc thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ra đời rất sớm, được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Ngôi miếu này mang sắc màu thần bí với vài câu chuyện truyền khẩu đến ngày nay. Tương truyền, làng La Qua bị hạn hán, mất mùa 3 năm liên tục, cuộc sống của dân làng vô cùng khó khăn.
Nghe tiếng thở than của dân chúng, Diêm Vương cảm động, sai 7 người con gái rời địa ngục lên trần gian để cứu dân làng. Khi các nàng đang ra sức khắc phục nạn đói thì xảy ra tình trạng binh đao. Diêm Vương sợ 7 cô con gái của mình không đủ sức kháng cự với giặc nên đưa con trai út thứ 8 lên hỗ trợ.
Ít lâu sau, làng quê yên bình, dân chúng no đủ. Nhớ ơn những người con của Diêm Vương, làng La Qua lập miếu thờ chung 7 vị nữ thần và 1 am nhỏ thờ nam thần ở bên cạnh nên có tên miếu Thất Vị.
Rồi có câu chuyện khác rằng, năm 1814, thời vua Gia Long (1802-1820) tại Gò Rừng, làng La Qua, dân làng phát hiện 7 tảng đá nhỏ hình nón úp trên đất, hơi giống mặt người nằm san sát bên nhau nên dân làng La Qua lập các áng thờ…
Suy đoán về dấu tích về một vương triều
Từ chuyện hoang đường về hai ngôi miếu đều có tên Thất Vị, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đã đưa ra suy luận liên quan đến sự kiện lịch sử của vương triều Tây Sơn. Tháng 11 năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long tổ chức lễ Hiến phù trước Thái miếu, nơi thờ phụng 9 đời chúa Nguyễn để xử tội hoàng tộc Tây Sơn. Đây là cuộc trả thù tàn bạo nhất sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi.
Nguyễn Quang Toản (vua Cảnh Thịnh) và một số người trong gia quyến bị hành hình thảm khốc, khai quật hài cốt của vua Nguyễn Nhạc, Quang Trung. Xương cốt các vua cùng với 4 người khác cũng bị xử trảm cho vào 7 chiếc giỏ mây, lính ô uế xong thì thả ra sông Hương. Chính chi tiết này mà nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đã đưa ra suy đoán rằng, rất có thể 7 chiếc giỏ mây đựng 7 hài cốt trôi theo dòng nước rồi tấp vào cồn bờ của xóm Kim Bồng. Dân xóm Kim Bồng biết 7 giỏ hài cốt này là gia quyến Tây Sơn nên vớt lên chôn thành 7 nấm mộ nhỏ với cái vỏ bọc mộ cô hồn vì sợ liên lụy.
Thời gian sau, bà con xóm Kim Bồng dựng miếu thờ chung 7 hài cốt trôi sông. Nhiều khả năng vị quan nào đó của nhà Tây Sơn được Gia Long tha tội chết biết rất rõ dân xóm Kim Bồng đã vớt 7 chiếc giỏ mây đựng hài cốt của vương triều Tây Sơn lên chôn cất và lén về trú ngụ tại Gò Rừng, làng La Qua, thị xã Điện Bàn.
Vì thương xót một hoàng triều bị suy tàn, vị quan này đã thêu dệt lên câu chuyện 7 tản đá giống hình mặt người để có cớ dựng 7 bệ thờ vọng các vong linh nhà Tây Sơn. Sau đó, việc làm bí mật của vị quan thất sủng này lọt đến tai nhà Nguyễn nên ông phải bỏ xứ đi biệt tích. Khi biết ông lìa đời, dân làng La Qua đắp thêm một bệ thờ ông rồi tạo ra truyền thuyết Diêm Vương cử 7 con gái lên dương gian và phái thêm người con trai út lên giúp các chị.
Những lập luận của nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cũng chỉ dừng lại dưới góc độ suy đoán liên quan đến biến cố đau thương về sự đổi ngôi giữa hai vương triều. Từ khi còn đứng trên bục giảng cho đến lúc nghỉ hưu và cả hiện tại, Trần Viết Điền vẫn đau đáu nỗi niềm trong cuộc tìm kiếm lăng mộ Quang Trung. Những giả thuyết về sự hình thành hai ngôi miếu Thất Vị ở xóm Kim Bồng (tỉnh Thừa Thiên Huế) và làng La Qua (tỉnh Quảng Nam) mà ông đưa ra khá thú vị, song không có đủ chứng tích từ thực tiễn nên cuộc hành trình khám phá vẫn còn ở phía trước.
THÁI KIỀU VI