Đốt một que diêm để sưởi ấm và truyền cảm hứng

.

Trong lớp tập huấn kiến thức về quyền con người dành cho các nhà báo khắp cả nước do Viện Quyền con người tổ chức trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6-2022 tại tỉnh Lâm Đồng, giảng viên đề nghị thảo luận về chức năng của báo chí, sứ mệnh của cơ quan báo chí và nhà báo. Lập tức hàng loạt thông tin được đưa ra, nào là báo chí có chức năng thông tin - giao tiếp, khai sáng - giải trí, giám sát và phản biện xã hội…; các cơ quan báo chí và nhà báo có sứ mệnh hành xử một cách trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, chẳng hạn đi tìm sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ những người yếu thế, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, nói lên tiếng nói của người dân…

Như vậy, nếu nói về chức năng và sứ mệnh của báo chí thì có thể kể ra rất nhiều. Điều đó cho thấy xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí trong việc làm cầu nối giữa chính quyền với nhân dân; lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, nhân rộng những tấm gương người tốt - việc tốt…

Ngày 20-6-2021, trong buổi gặp mặt và làm việc với các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói rằng, sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang, nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả.

Quả thật, nghề báo vô cùng gian nan và vất vả, bởi công việc theo đuổi dòng thời sự chủ lưu thì phải liên tục thay đổi và làm mới; thậm chí luôn đòi hỏi sự dấn thân tác nghiệp trong mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, dịch bệnh, đấu tranh chống tham nhũng… để mang đến cho bạn đọc những thông tin, bài viết, hình ảnh, thước phim ngào ngạt hơi thở của cuộc sống. 

Còn nhớ trong đợt mưa lũ ở miền Trung năm 2020, rất nhiều nhà báo đã có mặt ở vùng tâm lũ để phản ánh về hậu quả của thiên tai, sự nỗ lực của chính quyền trong việc sơ tán dân và hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại. Những ai xem các thước phim, hình ảnh về đợt mưa lũ lịch sử đó chắc hẳn ít nhiều xúc động, nghẹn ngào trước những đau thương, mất mát mà người dân miền Trung đã trải qua.

Và cũng thông qua báo chí, hàng triệu tấm lòng đã kết nối hướng về khúc ruột miền Trung bằng sự chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần… Hay trong đại dịch Covid-19, nếu không có những thước phim chân thực của ekip VTV với bộ phim tài liệu “Ranh giới” thì có lẽ không ai hình dung được tuyến đầu chống dịch lại khốc liệt, đầy hy sinh và thấm đẫm tình người đến thế.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - cây bút phóng sự nổi tiếng - từng chia sẻ: “Trong cuộc sống đôi khi có những bất công, những chuyện vô lý, những người bị oan khuất, những người bệnh sắp chết… Ai là người cứu họ? Mình với tư cách nhà báo, mà người ta bảo báo chí là quyền lực thứ tư trong xã hội, vậy quyền lực đó thể hiện như thế nào?

Mình muốn cứu người ta, mình muốn giải thoát người ta khỏi oan ức, mình muốn giải thoát các cháu khỏi nạn lạm dụng tình dục thì làm thế nào? Đồng hành với tôi là các bài báo. Tôi sử dụng báo chí để nói được những điều mình tâm huyết, để cải tạo những cái cần cải tạo trong xã hội…”. Và thực tế, Đỗ Doãn Hoàng miệt mài đi, miệt mài viết, với mong muốn tạo nên một con đường để sự việc đi theo chiều hướng tốt hơn thông qua bài báo đó.

Đến giai đoạn này, báo chí đã thực sự trở thành báo chí đa nền tảng, công chúng báo chí không còn phân biệt đâu là công chúng của báo in, đâu là công chúng của truyền hình nữa mà là công chúng tích hợp. Và khi nói về truyền thông, người ta sẽ nói về một định nghĩa rộng. Điều này mang lại những mặt tích cực trong công tác truyền thông, đồng thời hỗ trợ rất lớn cho công việc của người làm báo. Một bài viết hay, một hình ảnh đẹp, một video clip, một phóng sự truyền hình đặc sắc được đăng tải trên báo chí truyền thống và cả trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và TikTok sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.

Trong thời đại mà mỗi công dân chỉ cần sở hữu chiếc điện thoại di động thông minh có kết nối internet thì đều có thể trở thành nhà báo, cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo chuyên nghiệp càng có sứ mệnh và trọng trách nặng nề hơn. Bởi lẽ, bạn đọc/khán thính giả vẫn luôn cần có thông tin chính thống và cần được định hướng chuẩn xác trong mớ thông tin ngồn ngộn hằng ngày. Vì vậy, đã là nhà báo thì luôn mang sứ mệnh dấn thân với con chữ để phụng sự bạn đọc và được bạn đọc gửi gắm niềm tin. Hãy đốt một que diêm để sưởi ấm và truyền cảm hứng. Ngày qua ngày, sẽ có thêm nhiều người được sưởi ấm và truyền cảm hứng, từ đó góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

TÚ PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.