Đà Nẵng cuối tuần
Cơ hội cho người lao động tiếp cận chính sách an sinh
Nhờ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, tất cả người dân đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia để hưởng lương hưu khi đủ điều kiện (đủ tuổi nghỉ hưu - nam 60 tuổi 6 tháng, nữ 55 tuổi 8 tháng và đủ thời gian tham gia BHXH). Theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm.
Cán bộ BHXH thành phố tư vấn về quyền lợi của BHXH tự nguyện cho người lao động. Ảnh: THANH TÌNH |
Hình thức BHXH tự nguyện là chế độ bảo hiểm của Đảng và Nhà nước vì lợi ích của người lao động và nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH thực hiện.
Đầu tư cho tương lai
Năm 2015, bà Võ Thị Phương (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm để nhận lương hưu (chỉ 18 năm, 6 tháng - PV). Để đủ thời gian đóng bảo hiểm theo quy định, bà chọn phương án đóng BHXH tự nguyện thêm 18 tháng. Đến nay, mức lương của bà Phương không quá cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống.
Bà Phương bộc bạch: “Nhà tôi có 2 con; con trai đã lập gia đình, sinh con, dù đang đi làm nhưng trăm thứ phải lo nên vợ chồng tôi không muốn phụ thuộc con cái, đóng BHXH tự nguyện để về già có lương hưu. Lúc đó, nếu không may bị bệnh, chúng tôi còn có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để đỡ một phần chi phí khám, chữa bệnh”.
Nghỉ việc thời điểm Covid-19 bùng phát, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (31 tuổi, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) rơi vào cảnh khó khăn. Để xoay xở, chị quyết định rút BHXH một lần để đóng học phí cho con cũng như giải quyết các khoản chi tiêu trong gia đình. “Trước đây, tôi làm công nhân tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), đóng BHXH nhưng năm 2020 khi nghỉ việc, vì thời điểm đó cuộc sống khó khăn nên tôi đã rút BHXH một lần. Biết việc rút BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi nhưng lúc đó tôi không còn cách nào khác”, chị Yến chia sẻ.
Sau khi rút BHXH một lần một thời gian, chị Yến xin được việc và đi làm lại để kiếm thêm thu nhập; song do làm công việc tự do, chị không được người sử dụng lao động đóng BHXH. Thời điểm này, từ bạn bè, người thân, báo đài chị biết thông tin có thể đóng BHXH tự nguyện nên đăng ký tham gia. “Thủ tục đăng ký đóng BHXH tự nguyện khá đơn giản và được cán bộ đại lý thu hướng dẫn tận tình nên tôi cố gắng dành dụm, tiết kiệm tiền đóng hằng tháng. Tôi thấy đây là chính sách thiết thực, hữu ích, nhất là với người lao động tự do như tôi”, chị Yến nói thêm.
Nhiều quyền lợi cho người tham gia
BHXH tự nguyện là chính sách của Nhà nước, được tổ chức thực hiện thông qua hệ thống cơ quan BHXH. Quỹ BHXH tự nguyện được Nhà nước bảo hộ, triển khai thực hiện năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung năm 2016. Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH thành phố, khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi: hưởng lương hưu hằng tháng khi về già (lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm); được cấp thẻ BHYT với mức hưởng lên đến 95% trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Ngoài ra, trường hợp không tiếp tục tham gia, người lao động có quyền hưởng BHXH một lần, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng và chế độ tuất khi người tham gia qua đời...
Người lao động muốn tham gia BHXH có thể chọn đóng theo 2 phương thức: đóng định kỳ (hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hay nhiều năm/lần, nhưng không quá 5 năm/lần) hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không quá 10 năm. “BHXH tự nguyện mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người dân, nhất là với lao động tự do, không có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập không ổn định.
Trước đây, người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, song từ khi quy định sửa đổi có hiệu lực, người đóng bảo hiểm tăng mạnh; đơn cử năm 2021, trên địa bàn thành phố có hơn 16.820 người tham gia BHXH tự nguyện, gấp gần 4,5 lần so với năm 2018, tăng 66,45% so với năm 2020. Đảng và Nhà nước xác định đây là chính sách an sinh xã hội, vì cuộc sống của người dân, không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, thời gian tới chúng tôi tiếp tục sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, thụ hưởng chính sách nhân văn này”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.
Tại Đà Nẵng, đến ngày 30-4-2022, tỷ lệ người rút BHXH một lần giảm mạnh (trên 33%) so với cùng kỳ năm 2021, nhưng con số này vẫn còn cao. Ông Hùng Anh lý giải, nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần chủ yếu do ảnh hưởng Covid-19, mất việc làm, không có thu nhập, cần tài chính để trang trải cuộc sống trước mắt…
Song, dù nguyên nhân nào thì việc rút BHXH một lần cũng được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi ngay khi người lao động hưởng BHXH một lần thì toàn bộ thời gian đã đóng trước đó không được bảo lưu, các quyền lợi của người lao động bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Để hạn chế việc rút BHXH một lần, BHXH thành phố cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền về chính sách, giúp người lao động nhận thức được những bất lợi của việc rút BHXH một lần cũng như quyền lợi khi có lương hưu. Cùng với đó, BHXH thành phố sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật BHXH liên quan đến điều kiện hưởng BHXH một lần, giảm thời gian tham gia BHXH cho người lao động…
“BHXH thành phố là cơ quan thực hiện chính sách BHXH theo định hướng BHXH toàn dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, bền vững. Vì vậy, khi người lao động có ý định muốn rút BHXH một lần, chúng tôi sẽ tư vấn họ nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, được cộng nối thời gian tham gia và đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng”, ông Hùng Anh nói thêm.
Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Đà Nẵng: Hơn 12.000 người tham gia BHXH tự nguyện Tính đến ngày 30-4-2022, Đà Nẵng có hơn 12.000 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 56,1% kế hoạch). Dự kiến đến ngày 31-12-2022 có khoảng 21.500 người tham gia. Công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đóng BHXH tự nguyện với mức đóng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn: Mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng/tháng), mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (tương ứng 29,8 triệu đồng/tháng). Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với các nhóm người tham gia khác. Về thời gian hỗ trợ tùy thuộc thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do có thể thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan BHXH nơi mình cư trú (tạm trú hoặc thường trú), hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các phường, xã, thị trấn, bưu điện, hội đoàn thể…). |
THANH TÌNH