Đà Nẵng cuối tuần
Mấy mẩu chuyện kỳ thú về ông Hà Đằng
Ông Hà Đằng sinh năm 1876 quê xã Châu Phong, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1903), được bổ nhiệm làm Giáo thọ tỉnh Quảng Nghĩa (Ngãi), Đốc học Quảng Nam và Đốc học Thanh Hóa, sau được bầu Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ.
Chân dung ông Hà Đằng (1876 - 1941). |
Nhà trí thức ngủ ở trạm gác
Theo lời ông Tống Thú, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện An thời chống Pháp, ông Hà Đằng đi làm việc bằng xe kéo. Một buổi sáng năm 1936, khi ngang qua trạm gác trước nhà ông Chạy (nay là ngã ba đường tránh phường Điện An, thị xã Điện Bàn), thấy ông Trịnh Quang Xuân đang ngồi trong đó với mấy tuần đinh, ông Đằng vội dừng xe, hỏi: Anh làm chi mà ngồi đây sớm vậy? Bẩm quan, từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng tôi phải ra ngủ ở xích hậu (trạm gác). Ai bảo ông ra ngủ tại đây? Thưa quan, làng bảo, vì cho rằng tôi là chính trị phạm nên phải ra đây ngủ, có tuần đinh canh gác.
Ông Đằng vốn đã biết ông Xuân, người làng Nhị Giáp, thoát ly gia đình và làm trưởng tàu đường sắt tuyến Đà Nẵng - Quảng Trị, tham gia hoạt động cách mạng, bị bắt ở tù từ năm 1931 đến 1935, từng là xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ. Ông Xuân từng đưa ông Phan Đăng Lưu (Bí thư Xứ ủy Trung kỳ) về bố trí ở tại nhà của ông cậu ruột, tối ngủ tại miếu Ngũ Hành gần bờ sông Giáp Ba để dễ dàng hoạt động tại quê nhà.
Hôm sau ông Đằng gọi Nguyễn Thiếu Di, cháu gọi ông bằng cậu ruột, đang làm lý trưởng, ra nhà hỏi chuyện. Con có biết ông Trịnh Quang Xuân không? Thưa cậu, có ạ. Ông ta là người thế nào? Là chính trị phạm, thưa cậu. Cậu biết rồi, nhưng con có biết ông ấy là một trí thức, uy tín rất cao, sao con đối xử làm vậy? Thưa cậu con không làm thì không được, cấp trên sẽ khiển trách. Con à, con thừa biết “phép vua thua lệ làng”, hơn nữa muốn thu phục lòng người mà xử sự với một trí thức như vậy là không nên.
Nghe lời cậu, lý trưởng Di mời ông Xuân lên nhà trao đổi lại câu chuyện vừa qua, khuyên ông đừng hoạt động chính trị. Từ đó ông Xuân không xuống ngủ tại xích hậu nữa.
Điểm hẹn giữa đồng và bài diễn văn gây bất ngờ
Biết ông Hà Đằng tuy là Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ nhưng là người yêu nước, một nhân sĩ trí thức tiến bộ có quan hệ thân tình với những người hoạt động cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ cử ông Trịnh Quang Xuân tìm cách bắt liên lạc, gặp gỡ, để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của ông cho Mặt trận Dân chủ bấy giờ.
Cũng theo lời ông Tống Thú, độ 3 giờ chiều một ngày vào năm 1937, lãnh đạo Xứ ủy bí mật tổ chức đưa ông Phan Đăng Lưu đến gặp ông Đằng. Nhằm qua mắt mật thám, tổ chức cử bà Trịnh Thị Tửu là chị ruột ông Xuân làm liên lạc, cải trang dắt trâu đi trước, ông Lưu mang áo tơi lá vác cày đi sau. Hai người theo đường bộ đến điểm hẹn giữa đồng Phong Nhị - Phong Ngũ thì có người đưa ông Lưu đến nhà ông Đằng theo kế hoạch còn bà Tửu quay trở về.
Theo cuốn Bảo An đất và người (NXB Đà Nẵng, 1999), cũng năm đó, ông Phan Thanh, đại diện Mặt trận Dân chủ trúng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, nhằm vận động ông Hà Đằng tiếp tục làm Viện trưởng và bằng mọi cách để đưa được nội dung, chương trình của Mặt trận vào bài diễn văn khai mạc mà ông Hà Đằng sẽ đọc ở kỳ họp.
Trong đêm trước khi khai mạc kỳ họp của Viện, ông Thanh đã tìm đến thuyền của ông Đằng đang nghỉ trên sông Hương, trình bày với ông này về tình hình của Mặt trận bình dân ở Pháp và hoàn cảnh trong nước, cung cấp số liệu và những yêu cầu của nhân dân, khéo léo đề nghị nội dung nên có trong diễn văn khai mạc. Được ông tán đồng, ông Thanh trình một bản dự thảo để ông tham khảo. Ông Đằng trước đó đã có bài diễn văn, do Ngô Đình Diệm (Thượng thư Bộ Lại) và Ngô Đình Khôi (Tổng đốc Quảng Nam) soạn thảo. Ông sẽ đọc bài nào? Hội nghị khai mạc, bài của Phan Thanh dự thảo được đọc. Đại diện chính quyền phe Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Khôi tức giận. Cuộc đấu tranh nghị trường của ta đã giành thắng lợi.
Đấu tranh nghị trường bằng... tiếng Pháp
Tập sách “Một số nhân vật lịch sử Điện Bàn giai đoạn trước năm 1945” (Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Bàn, 2012) kể thêm một chuyện khá lý thú.
Theo đó, giữa năm 1938, Khâm sứ Trung Kỳ đưa ra dự án tăng thuế, buộc Viện Dân biểu Trung Kỳ phải thông qua. Xứ ủy Lâm thời Trung Kỳ phát động phong trào đấu tranh đòi bãi bỏ dự án này. Chuẩn bị cho việc họp Viện Dân biểu, Mặt trận Dân chủ cử người trao đổi với ông Hà Đằng về nội dung đấu tranh tại nghị trường. Trước khi vào họp, ông Đằng hỏi ông Xuân: “Không biết trong đám của mình đây, có ai biết tiếng Pháp giỏi không? Viện có quyết chống thuế cũng không thắng nổi hội đồng kinh tế lý tài đâu, vì nó gồm viện dân biểu Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và một số tư sản Pháp hợp lại. Họp hội đồng kinh tế lý tài mà mình không giỏi tiếng Pháp thì không thể đấu tranh được!”. Nghe ông Xuân trả lời là có ông Phan Thanh giỏi tiếng Pháp, ông Đằng yên tâm.
Viện dân biểu lần đó họp ở Huế. Sau diễn văn của ông Hà Đằng, đại diện Khâm sứ Trung Kỳ đưa dự án tăng thuế ra để đề nghị Viện thông qua với lời lẽ rất trịch thượng. Không khí cuộc họp trở nên căng thẳng, nhiều nghị viên vô cùng bực tức phát biểu phản ứng. Phan Thanh tức giận nói: “Các ông làm như thế này, chẳng khác gì biến chúng tôi thành trò hề chứ dân biểu gì!”. Rồi ông nêu một loạt vấn đề về giải pháp, biện pháp cải thiện đời sống cho dân.
Thấy người thông ngôn dịch nhiều chỗ ấm ớ, Phan Thanh nói thẳng với đại diện Khâm sứ Trung Kỳ là viên thông ngôn dịch không đúng ý của mình. Ông Thái Quang Toản - một phiên dịch rất giỏi tiếng Pháp - từng là thông ngôn của vua Khải Định, nhưng dịch cũng không đúng. Toản vì sĩ diện nên quay lại hỏi Phan Thanh: “Ông có biết tiếng Pháp không?”. “Tôi có biết, nếu Viện cho tôi được nói tiếng Pháp thì tôi mới diễn đạt được hết ý của tôi!”. Ông Hà Đằng liền “bật đèn xanh”: “Nếu ông nói được tiếng Pháp thì Viện cũng đồng ý để ông nói, nhưng khéo đừng làm Viện ta mang tiếng nhé!”.
Lập tức, Phan Thanh đã làm cho nghị trường đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác bằng tiếng Pháp, hùng hồn bác bỏ tất cả các chứng lý nhằm tăng thuế của thực dân Pháp. Ông Hà Đằng ngồi nghe Phan Thanh nói một hơi dài rất chí lý nên lơ đi, không bấm chuông bảo dừng vì vượt thời gian. Khi Phan Thanh nói xong, cả hội trường vỗ tay vang dội.
Cuối cùng, Viện Dân biểu Trung Kỳ đã bác bỏ dự án tăng thuế. Cuộc đấu tranh nghị trường một lần nữa thắng lợi, nhờ sự tổ chức và vận động khéo léo của Mặt trận Dân chủ biết tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó phải nói đến tài hùng biện của Phan Thanh và vai trò không nhỏ của ông Hà Đằng.