Đà Nẵng cuối tuần
Đồng hành với phụ nữ nghèo
Hỗ trợ vay vốn, nhà ở, phương tiện sản xuất, duy trì mô hình kinh tế tập thể, tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm... là những chính sách nhân văn giúp phụ nữ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thoát nghèo, ổn định đời sống kinh tế.
Hội LHPN phường An Khê (quận Thanh Khê) giải ngân Quỹ hỗ trợ phụ nữ cho hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn phường. Ảnh: H.L |
Đơn cử, trong 3 năm từ 2019-2021, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã giúp 1.885 gia đình thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 20% theo chỉ tiêu giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo UBND các quận/huyện đề ra hằng năm.
Bảo đảm an sinh xã hội
Lớp vôi mới giúp không gian ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Nguyễn Hạnh Linh (tổ 43, phường An Khê, quận Thanh Khê) thêm tươm tất, gọn gàng. Từ ngày sửa sang nhà cửa, chị dành thời gian chăm chút từng góc nhỏ trong nhà. Chị chia sẻ, chỉ một năm trước, sống trong ngôi nhà ẩm mốc, thấm dột, chị muốn sửa sang nhưng biết lấy tiền ở đâu. Là hộ nghèo nhiều năm, thu nhập không bảo đảm, chị Linh không thể xoay xở khoản tiền sửa nhà lên đến hàng chục triệu đồng. Vậy nên, trong buổi đối thoại với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường dịp đầu năm 2021, chị mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng được cấp Hội hỗ trợ sửa chữa nhà ở.
“Giữa năm 2021, đại diện Hội LHPN phường An Khê gọi điện thông báo sẽ hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng sửa chữa nhà ở. Khỏi phải nói vợ chồng tôi mừng thế nào và ngay lập tức lên phương án nâng cấp các hạng mục trong nhà, như quét vôi chống thấm, hoàn thiện khu vực nhà vệ sinh, nhà bếp...”, chị Linh bày tỏ.
Gia đình chị Linh là một trong 52 hộ nghèo trên địa bàn quận Thanh Khê được chính quyền và các hội, đoàn thể hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở năm 2021. Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, Trưởng Ban chỉ đạo mục tiêu giảm nghèo quận, cho biết quận Thanh Khê xác định công tác an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đòi hỏi sự phối hợp và chung tay của cả hệ thống chính trị, từ quận đến phường, trong đó tập trung mọi nguồn lực, giải pháp nhằm hỗ trợ các nhóm yếu thế nâng cao đời sống kinh tế.
Cụ thể, trong công tác giảm nghèo, quận Thanh Khê tập trung các giải pháp như tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý chí vươn lên thoát nghèo của chị em phụ nữ; hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ phương tiện sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội, hỗ trợ tiền điện… cũng được triển khai đồng bộ, giúp đỡ hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền hơn 37,3 tỷ đồng; trong đó ngân sách quận hơn 18,2 tỷ đồng, số còn lại là nguồn tiền vận động.
Từ năm 2021 đến nay, UBND quận Thanh Khê đã trao phương tiện sinh kế cho 168 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền gần 550 triệu đồng; đồng thời lập hồ sơ quản lý, theo dõi hộ dự kiến thoát nghèo trong năm để đồng hành, hỗ trợ.
“Điểm mới của quận Thanh Khê trong công tác giảm nghèo thời gian qua là phối hợp với các ngành, đoàn thể đối thoại với hộ nghèo tại các điểm phường; đối thoại với hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại điểm quận, tạo diễn đàn để hộ nghèo trình bày tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và giải pháp tăng thu nhập gia đình. Năm 2022, quận Thanh Khê phấn đấu thoát nghèo cho 250 hộ nghèo và 200 hộ cận nghèo”, ông Nguyễn Hữu Công thông tin.
Đa dạng giải pháp
Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thành phố quan tâm. Đơn cử, năm 2018, Hội LHPN phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) thành lập nhóm dịch vụ vệ sinh công nghiệp “Gọn và Sạch” hơn 10 thành viên, đa phần phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm giúp chị em phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Nhờ tham gia nhóm vệ sinh “Gọn và Sạch”, thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Mai (tổ 85, phường Nại Hiên Đông) cải thiện hơn trước. Mỗi tháng, chị có thêm thu nhập khoảng 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Chị Mai cho biết, vợ chồng chị là lao động tự do, công việc bữa có bữa không, thu nhập không ổn định nên được UBND phường xét vào diện hộ nghèo. “Ngoài nuôi con ăn học, gia đình chúng tôi còn chăm sóc một người chị khuyết tật nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Việc tham gia nhóm vệ sinh giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, chị Mai nói.
Đặt mục tiêu giúp chị Mai thoát nghèo bền vững, năm 2021, UBND phường Nại Hiên Đông tiếp tục hỗ trợ gia đình một máy may công nghiệp để nhận gia công, vắt sổ tại nhà.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, công tác giảm nghèo được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ngoài các chương trình, chính sách của UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội LHPN phường, mỗi năm Tổ chức World Vision (Tầm nhìn Thế giới) hỗ trợ phường Nại Hiên Đông từ 3-4 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ y tế, giáo dục kỹ năng, bảo trợ trẻ em và cải thiện sinh kế hộ gia đình. Nhờ đó, địa phương có thêm kinh phí giúp chị em phụ nữ sửa chữa nhà ở, phương tiện sinh kế thoát nghèo. “Phường Nại Hiên Đông tập trung nhiều gia đình ngư dân lẫn khu chung cư thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương khá cao với 1.029 hộ. Để thoát nghèo bền vững, phường tăng cường hoạt động hỗ trợ vay vốn chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời hỗ trợ phương tiện sinh kế, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho phụ nữ nghèo, khó khăn. Đơn cử, năm 2021, đã tín chấp cho 7.809 hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc mới thoát nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 376 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển thành phố đã giải ngân gần 14 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng của hội cho 489 hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ có thu nhập thấp để sửa chữa, xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, phát triển kinh tế; tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho 4.716 chị, trong đó giới thiệu 621 chị thuộc hộ nghèo, cận nghèo làm việc tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh/giúp việc gia đình theo giờ...
Bà Nguyễn Hà Thu, Trưởng ban Gia đình, xã hội và kinh tế, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết, để công tác giảm nghèo hiệu quả, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì các loại hình tiết kiệm, góp vốn quay vòng, nuôi heo đất tại 1.202 chi hội với sự tham gia của 90.550 hội viên phụ nữ. Riêng loại hình “Tiết kiệm - Tín dụng” trung bình mỗi năm giúp 102 phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, khó khăn vay gần 400 triệu đồng với mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình.
HUỲNH LÊ