Đà Nẵng cuối tuần

Sách mới, sách hay

15:59, 04/06/2022 (GMT+7)

1. Sách song ngữ Dưới tán chò nâu Sài Gòn (NXB Thế giới, 2022) là tập bút ký điền dã của nhà thơ, nhà báo người Mỹ Paul Christiansen (Trần Thị NgH dịch) viết về Sở thú Sài Gòn, Nghề nấu rượu, Tục thờ cá Ông, Đồn điền cao su Việt Nam, Bảo tàng địa chất, Lục bình, Tạp hóa và cửa hàng tiện lợi, Chò nâu Sài Gòn…

Dưới góc nhìn trẻ trung, hóm hỉnh của Paul Christiansen, Sài Gòn hiện ra vừa lạ lẫm, cuốn hút, vừa có bề dày về văn hóa, lịch sử. Trong Tục thờ cá Ông, tác giả kể mình đã “đến viếng bàn thờ cá Ông và thắp một nén nhang cầu xin cho cá voi được trường tồn, cho làng chài được sung túc và cho những ao ước riêng tư của mình thành hiện thực - những khát vọng này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Khói nhang bay tỏa lên không trung, giống như tiếng hát cá voi vang vọng vào cõi tĩnh lặng lúc nó ngoi lên từ vực nước thẳm sâu”; hay lúc nhìn thấy những dây dầu gội và sữa tắm ở quầy tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, anh ví nó như “rêu mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi để che hậu cảnh”. Bảo tàng Địa chất, Lục bình, Chò nâu Sài Gòn viết về những vật, những người vẫn luôn ở đó nhưng dễ bị lãng quên giữa guồng quay cuộc sống: một bảo tàng khiêm tốn nằm ở góc quận 1, thảm xanh lục bình trôi trên sông, hay vẻ đẹp của cây chò nâu mọc ven đường…

2. Ra mắt lần đầu năm 2016, tự truyện Tôi học đại học (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản 2022) của nhà giáo khuyết tật Nguyễn Ngọc Ký mang đến thông điệp: không gì là không thể. Liệt hai tay năm 4 tuổi, 7 tuổi Nguyễn Ngọc Ký bắt đầu đến trường và viết bằng chân. Với nghị lực phi thường, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970; hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi và trở thành tấm gương hiếu học của nhiều thế hệ học trò.

Bằng giọng văn giản dị, chân thành, giàu sức gợi, Tôi học đại học giúp bạn đọc hình dung những khó khăn, vất vả và tình cảm thầy trò, bạn bè ấm áp mà Nguyễn Ngọc Ký đã trải qua trong 4 năm đại học, nhất là khoảng thời gian trường sơ tán về vùng rừng núi Tràng Dương (tỉnh Nam Định). Cuốn tự truyện như lời cảm ơn của tác giả gửi đến thầy cô, bạn bè - những người đã luôn yêu thương, giúp đỡ ông từ những việc nhỏ nhất như đi vệ sinh, tắm giặt, như thầy Diệp Tư, Bùi Ngọc Trác, GS. Hoàng Như Mai, của Hằng, Nhu, Hòa, Trang và chị Vân… 

HUỲNH LÊ

.