Đà Nẵng cuối tuần

Những bài học cuộc đời từ cây

14:17, 05/06/2022 (GMT+7)

Sau hơn 30 năm nghiên cứu, quan sát tỉ mỉ các loài cây, nhà thực vật học Jong-young Woo (Hàn Quốc) đã chấp bút viết cuốn sách Bài học từ những rừng cây (NXB Văn học, 2021). Thông qua câu chuyện về cuộc đời của những nhân vật cây hiện hữu đầy sống động, tác giả lan tỏa đến độc giả gần 50 bài học quý giá về lối sống chậm, tôn trọng mẹ thiên nhiên như yêu thương chính cuộc sống của mình.

Trong lời nói đầu, Jong-young Woo chia sẻ: “Tôi chẳng phải là người duy nhất nhận ra bóng dáng con người từ những cái cây. Cây cối luôn ở bên con người. Từ ngàn xưa, người ta đã ngồi hóng mát dưới bóng cây để tránh nắng mùa hè, người ta đã dâng lễ vật lên những gốc đại thụ đầu làng mong trút bỏ nỗi đau đớn và mệt mỏi. Những gốc cây một khi đã tìm thấy vị trí của chúng là có thể sừng sững đến mấy trăm năm. Cho tới giờ, cây đã và đang mang theo bên mình biết bao câu chuyện nhân sinh”.

Chính nhà thực vật học cũng chia sẻ thêm, khi càng đi sâu nghiên cứu, chữa bệnh với tư cách là một bác sĩ cây, ông càng chẳng thể làm gì ngoài thán phục nguồn tri thức dồi dào đến từ những gốc cây mạnh mẽ đang sống cuộc đời của chúng.

Với 47 bài viết, cuốn sách được chia thành 5 phần nhỏ với từng chủ đề tương ứng như: Những bài học từ cây - nhà hiền triết già nua và thông tuệ nhất thế gian; Cây lo lắng cho ngày mai nên không hủy hoại hôm nay; Những điều tôi nhận ra sau ba mươi năm làm bác sĩ cây; Niềm vui chung sống với cây; Cách sống trên thế gian này thật vững vàng, như những gốc cây đâm sâu rễ vào lòng đất.

Hẳn nhiều độc giả sẽ thấm thía khi đọc những chia sẻ: “Mỗi khi gặp các bạn trẻ, tôi thường khuyên họ đừng chỉ mãi nhìn và lao đầu về phía trước, hãy buông bỏ khao khát mọi thứ đều vẹn toàn. Nếu muốn sống thật tốt trong thời đại luôn kích động chúng ta trở nên hoàn hảo, thúc giục chúng ta chạy nhanh về phía trước này, trước hết phải bắt đầu học cách buông bỏ. Chẳng phải những kẽ hở trong khu rừng già đã nói rồi đấy thôi: Khoảng trống sinh ra để được lấp đầy bởi những điều tốt đẹp hơn. Rừng phải có những khoảng trống thì những sinh mệnh nhỏ mới có thể lớn lên” (Lý do rừng càng già thì càng có nhiều khoảng trống).

Vốn xuất thân từ một gia đình nghèo nên ở tuổi trưởng thành, cũng như bao bạn trẻ khác, Jong-young Woo đặt quyết tâm thành đạt, kiếm được thật nhiều tiền lên hàng đầu. Tuy nhiên, sau đó, trong quá trình trải nghiệm, suy tư, tự vấn với chính mình, ông đã chọn một lối rẽ hoàn toàn mới: một nghề nghiệp, một cuộc sống mang đến nhiều giá trị hơn cho cộng đồng.

Bằng tình yêu thiên nhiên, Jong-young Woo trở thành một bác sĩ cây. Không gian làm việc của ông chính là trên những cánh đồng, trong khu rừng, bên những vách đá cheo leo, kề vực thẳm… Bệnh nhân của ông là cây thông đỏ, cây mộc, cây dương, cây sếu, cây anh đào… Trong mấy chục năm liền, sáng nào ông cũng dậy từ 4 giờ để kịp giờ lên đường. Một mình rảo bước, ông tìm đến quan sát, nghiên cứu, chữa bệnh cho cây. Với ông, thời điểm khi mặt trời chưa ló dạng, mọi thứ đều còn đang tĩnh lặng và ngủ say thì cũng chính là lúc những dấu hiệu bất thường của cây bộc lộ rõ nhất. Một cái cây khỏe mạnh thì những chiếc lá sẽ reo vui, vươn ngọn lên trời. Còn khi những chiếc lá ủ rũ, buồn bã ngay khi chưa có tia nắng nào chiếu đến thì đích thị cái cây này đang bất ổn…

Tác giả viết: “Tôi mang trong mình khao khát cứu rỗi cuộc đời của những gốc cây, tôi chữa bệnh cho cây, nhưng thực ra từng giây từng phút tôi đều nhận được sự an ủi và nguồn sức mạnh từ cây để tiếp tục sống. Cây chính là một kỹ sư hòa bình”.

Bằng trí tuệ, vốn am hiểu sâu sắc, nhà thực vật học Jong-young Woo thông qua tác phẩm của mình không chỉ thể hiện sự gắn bó, tình yêu thương, thấu hiểu lớn lao của mình dành cho cây cối, mà ông còn truyền đi thông điệp về những bài học sinh mệnh, lối sống thân thiện, hòa ái, giàu tình yêu thương dành cho muôn loài…

MINH THI
.