Đà Nẵng cuối tuần

TS. Nguyễn Văn Dương, Giám đốc điều hành ADAS - Panasonic châu Âu

Không ngừng học hỏi để hội nhập với đội ngũ chuyên gia

14:18, 02/07/2022 (GMT+7)

Tháng 4-2022, TS. Nguyễn Văn Dương, kỹ sư người Việt tại Đức, được phong tặng danh hiệu thành viên cấp cao (IEEE Senior) của Hội đồng Tiêu chuẩn IEEE - đơn vị thiết lập chuẩn ISO. Đây là danh hiệu cao quý của giới học thuật về công nghệ dành cho những giáo sư và nhà nghiên cứu hàng đầu có những đóng góp nổi bật cho thế giới.

TS. Nguyễn Văn Dương là diễn giả thuyết trình mở màn tại hội thảo Innovation Connectivity Autonomuos - ICA Summit 2022 ngày 30 và 31-5-2022 tại thành phố Munich của Đức. Ảnh: ICA
TS. Nguyễn Văn Dương là diễn giả thuyết trình mở màn tại hội thảo Innovation Connectivity Autonomuos - ICA Summit 2022 ngày 30 và 31-5-2022 tại thành phố Munich của Đức. Ảnh: ICA

Nếu nhìn vào hồ sơ và bảng thành tích “khủng” của TS. Nguyễn Văn Dương, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì các bước tiến quá nhanh trong lĩnh vực robotics và tự động hóa. Không có yếu tố như gia thế đặc biệt hay điều kiện vật chất thuận lợi, anh thành công là nhờ vào những điều mà người bình thường nào “cũng có thể với tới”. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh nhiệt thành chia sẻ “bí quyết” này với những ai đang nuôi chí vươn ra biển lớn.

* Tôi rất ấn tượng với hành trình khoa học của Dương, không những đã chuyển tiếp thẳng từ sinh viên lên nghiên cứu sinh tiến sĩ, mà còn hoàn thành luận án trong thời gian xuất sắc: gần 4 năm - điều mà không nhiều người làm được. Bí quyết hay động lực nào đã thôi thúc anh đạt được thành tựu đó?

- Việc mình chuyển tiếp lên thẳng tiến sĩ là ngoại lệ đầu tiên trong khuôn khổ học bổng liên bang Đức. Thông thường sinh viên Việt Nam hay châu Á nói chung ra nước ngoài hay chọn các đề tài nặng lý thuyết để phát huy sở trường của bản thân, còn mình thích giải những bài toán thực tế nên chọn đề tài mạo hiểm, khá mới mẻ là robot tự hành. Có lẽ đó là một trong những lý do mà các giáo sư giám khảo đã trao học bổng cho mình. Học bổng này chỉ dành 2-3 suất cho sinh viên toàn cầu mỗi năm, may mắn mình là một trong hai người trúng tuyển năm đó.

"Một vài người bạn, người quen hỏi tôi làm thế nào để có được những thành công trong học tập cũng như sự nghiệp, tôi chỉ muốn nói rằng có một chuyện các bạn có thể làm ngay và ai cũng có thể làm được, đó là quản trị thời gian của mình. Nếu các bạn có thể quản trị tốt thời gian một ngày, giờ nào việc nấy, thì các bạn đã có nền tảng để đi tiếp và gặt hái thành tựu. Ngoài ra, điều tạo ra bản lĩnh của tôi ngày hôm nay có lẽ là chỗ dựa tinh thần từ gia đình. Gia đình tôi không khá giả, cha làm giáo viên bậc THPT, mẹ lo nội trợ và dạy dỗ 4 anh chị em, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì sự tin tưởng tuyệt đối của cha mẹ đối với mình”

TS. Nguyễn Văn Dương

Mình làm nhiều dự án quân sự của Đức, các bạn sinh viên Đức trong nhóm mình rất giỏi nên bản thân học hỏi được nhiều. Robot AMOR của tụi mình đã đứng đầu cuộc thi “Robot tự hành khu vực châu Âu” năm 2010 với 2 giải Innovation Awards (Giải đổi mới sáng tạo - PV). Nhờ nó, khá nhiều công trình nghiên cứu trên được đăng các báo hàng đầu chuyên ngành robotics. Thế nên, tới năm 2012, mình đã có 4 top-journals + 0.5*17 Conferences, dư điểm so với quy định 4 top-journals của Hội đồng khoa học bang North Rhein-Westfalia (NRW) của Đức.

Cũng trong năm ấy, ngành xe hơi bùng nổ, đặc biệt là dự án xe tự đỗ của Valeo, Park4you. Mình quyết định tham gia dự án này. Thế là mình hoàn thành luận án tiến sĩ, tốt nghiệp trong 4 năm để làm một hệ thống xe tự đỗ đầu tiên trên thế giới. Tuổi trẻ mà, rất nhiệt huyết... (cười).

Nghiên cứu về robotics, đó là lĩnh vực rất rộng bao gồm nhiều lĩnh vực nhỏ thú vị như cảm biến, hệ thống tự động, AI, Fusion và điều khiển. Mình may mắn vì xe tự lái - ngành mình đang làm - không khác gì robotics nên thực sự đam mê và rất tự hào thấy sản phẩm của mình giúp ích cho xã hội, đặc biệt là được sử dụng khắp nơi; chẳng hạn chương trình xe tự đỗ (automated parking) mình làm trước đây ở công ty Valeo, tới nay gần như hầu hết các xe trên thị trường vẫn sử dụng hệ thống đó như Mercedez, BWM, VW, GM, Renault...

* Những bài học nào về nghiên cứu khoa học cũng như đời sống đã tác động sâu sắc đến Dương sau chừng ấy năm sống và làm việc tại Đức?

- Người Việt Nam có tính cộng đồng mạnh mẽ, siêng năng, chăm chỉ, nhưng lại khá cầu toàn, chưa phát huy trong vấn đề hội nhập, tư duy mở còn hạn chế, khó chấp nhận thách thức nên thường khó được giao trọng trách hay vị trí cao trong các công ty/tập đoàn lớn.

Bản thân mình sớm nhận ra những yếu điểm đó nên dần khắc phục. Mình đã không ngừng học hỏi để nâng tầm bản thân, hội nhập với đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong ngành và chấp nhận thách thức để đón đầu xu hướng.

Sau sự thành công của dự án “Xe tự đỗ của Valeo Park4you”, mình sẵn sàng rời bỏ vị trí an toàn là chuyên gia cao cấp trong bộ phận nghiên cứu Valeo để tìm cơ hội nghiên cứu xe hơi tự động vào năm 2015. Mình làm việc hết sức trách nhiệm, trung thực và cầu tiến, vì tất cả kết quả dù nhỏ nhất cũng sẽ giúp ích cho một thành công lớn sau này.

* Nhìn lại những gì đã qua gồm cả thất bại, Dương nghĩ đâu là những điều giúp anh thành công?

- Về bài học thất bại, năm 2017 là thời điểm bong bóng ngành AI (trí tuệ nhân tạo - PV) bắt đầu. Một xu hướng ứng dụng AI được triển khai cho mọi ngành mọi nghề. Một số ngành với những bài toán có môi trường lý tưởng thì việc ứng dụng AI sẽ dễ dàng thành công, nhưng ngược lại thì ứng dụng AI sẽ cho ra kết quả khó ổn định.

Việc đi theo xu hướng là tất yếu. Tuy nhiên, ứng dụng AI lan tràn không tạo ra tính khả thi trong mọi dự án. Vì thế, trong một số dự án theo đề xuất của khách hàng, mình đã phân tích tính bất khả thi và sự rủi ro cao, và dĩ nhiên vì không đáp ứng theo “trend” (xu hướng - PV) nên mình mất đi một lượng khách hàng không nhỏ.

Tuy nhiên, đến nay khi “bong bóng trend” AI có phần xẹp, khách hàng nhận ra sự góp ý đó là có cơ sở và họ quay lại. Dù tạo niềm tin chân thành cho khách hàng vì sự phân tích rõ ràng, thẳng thắn, đúng chuyên môn, nhưng rõ ràng khi mình nhìn lại thì thấy bản thân chưa thực sự linh hoạt nên đã mất một số nguồn tài trợ, trong khi nguồn tài trợ ấy có thể được sử dụng như nguồn dự trữ dồi dào cho các hoạt động nghiên cứu.

*Đối với mảng tự động hóa, nhất là tự động hóa xe hơi ở Việt Nam, theo anh sẽ như thế nào?

- AI và xe tự động đang là hai mảng “hot” nhất toàn cầu, nhưng vẫn khá mới mẻ đối với người Việt Nam. Cái khó nhất đó là làm thế nào để có nguồn nhân lực chất lượng có tính cạnh tranh nếu muốn phát triển hai mảng này, trong khi các trường học thì chưa theo kịp xu thế.

May mắn là Việt Nam giờ có VinFast - một trong những công ty xe điện hàng đầu thế giới. Có nhiều dịp nói chuyện với lãnh đạo cấp cao của VinFast và tôi thấy sự quyết tâm cùng những bước đi đúng đắn của họ. Sự đầu tư mạnh mẽ của VinFast là cơ hội cho rất nhiều mảng tự động, các công ty liên quan và các startup (người khởi nghiệp - PV), cũng như việc tập đoàn FPT đang chú trọng các hoạt động phần mềm cho xe hơi.

Nhìn chung, mình nghĩ các mảng liên quan xe hơi, bao gồm cả tự động hóa, AI sẽ rất phát triển trong thời gian tới tại Việt Nam, là cơ hội tốt cho các bạn trẻ và sinh viên thực tập.

* Cảm ơn Dương vì cuộc trò chuyện!

TS. Nguyễn Văn Dương là Giám đốc điều hành ngành ADAS (tính năng thông minh cho xe hơi) của Panasonic châu Âu, là thành viên Hội đồng Nghiên cứu châu Âu - đơn vị chuyên thiết lập các tiêu chuẩn ngành xe hơi của Liên minh châu Âu (EU).

DƯƠNG KIM THOA thực hiện

.