Đà Nẵng cuối tuần

Con kể cha nghe

14:27, 16/07/2022 (GMT+7)

Sau mấy ngày mưa liền, hôm nay Đà Lạt trời nắng đẹp.

Dịch bệnh bùng phát và kéo dài khiến công việc làm ăn của MineHome lâm vào khó khăn. Mọi năm, homestay của Dương luôn kín phòng vào mùa này và anh chỉ việc ngồi cắn thuốc lá, chơi guitar rồi đếm tiền. Nhưng hai tháng nay, hầu như không có ai lên xứ hoa để du lịch nghỉ ngơi nữa.

“Có cha qua chơi nè anh…”

Huyền, vợ tương lai của anh bước vào, hào hứng nói. Cha Thành, cha vợ tương lai tuổi gần bảy mươi nhưng vẫn trẻ trung và khỏe khoắn. Cha Thành hỏi thăm tình hình làm ăn của vợ chồng anh, sau đó ông khoác vai thằng con rể út tương lai, nửa đề nghị, nửa ép buộc: “Đi qua nhà cha phụ…”.

Dương bắt đầu phụ ông làm mộc. Cha Thành có xưởng mộc rộng rãi và dụng cụ chuyên nghiệp nên ông được mệnh danh là trùm đóng la phông trần gỗ, vật dụng gỗ ở An Sơn - Đà Lạt này. Giữa trưa Đà Lạt lành lạnh nhưng cha Thành vẫn cởi trần đứng lao động, thế là Dương cũng cởi áo theo ông cho ra dáng. Thanh niên trai tráng chả lẽ chịu thua một ông già!

Mới làm chưa quen, nhiều lúc anh cáu với ba cái quỷ gỗ tàu. Định làm một hai ngày rồi vứt, thế mà anh lẽo đẽo theo cha Thành được một tuần, riết rồi cũng quen. Cuối tuần, cha Thành dẫn anh và Huyền ra sau nhà nấu lẩu bò ăn cạnh bờ hồ, ông chia tiền thành phẩm bán được, anh ngạc nhiên vì số tiền khá khẩm hơn mình nghĩ. Cha cười phớ lớ, vỗ vai khen ngợi.

“Mày cũng khá lắm, trước đây có học qua nghề phải không con?”

Dương thoáng giật mình, khựng lại vài giây, sau đó chỉ khẽ khàng “dạ” một tiếng. Anh ngó thấy sự tò mò vụt qua trong đôi mắt của Huyền. Cha Thành nhíu mày nhìn Dương trầm ngâm, sau đó ông hút một hơi rồi đưa điếu thuốc cho anh, hất đầu ra hiệu. Anh hiểu ý, cầm điếu thuốc ngắn ngủn kéo một hơi cuối rồi ném xuống đất, lấy gót chân vò cho tắt lửa. Cũng đã đến lúc rồi.

“Hồi nhỏ cha Mạnh của con có dạy qua cho con…”

Cha Mạnh từng là nghệ nhân đồ gỗ có tiếng ở Tiền Giang. Sau khi vợ của ông qua đời, ông buồn rầu bỏ bê làm ăn, chỉ đi lang thang đó đây. Có lần trên đường rong ruổi từ đâu đó về nhà, thấy đứa bé trai còn đỏ hỏn bị vứt bỏ bên gốc cây đầu làng, ông mang về nuôi. Từ đó, ông như tìm lại được niềm vui, bắt đầu chăm chỉ làm ăn trở lại, thời gian rảnh rỗi hoàn toàn tập trung chăm lo cho thằng con, đặt hết yêu thương vào việc dạy dỗ thằng nhỏ nên người.

Dù tính tình cha Mạnh trầm lặng, ít nói, nhưng ông thương anh lắm. Từ lúc mới biết chuyện, Dương đã lẽo đẽo theo ông ra vào xưởng mộc để xin học nhưng ông sợ anh cực khổ nên không cho. Mãi về sau Dương năn nỉ riết rồi ông mới dạy cho anh chút nghề. Dương hầu như không thiếu thốn vật chất gì so với bạn bè đồng trang lứa. Khi anh ngoan, ông xoa đầu khen thưởng. Anh hư thì ông la mắng, thậm chí có lúc đánh anh thật đau. Sau mỗi trận đòn, ông đều xoa dầu, lau nước mắt cho anh và phân trần ngắn gọn rằng để sau này bây khỏi lầm đường lạc bước.

Mùa hè năm mười ba tuổi, sau khi chơi đùa cùng đám bạn, Dương chạy về nhà, băng qua cây cầu khỉ bắc ngang con đìa trước sân nhà, anh thấy mẹ, là mẹ ruột của anh. Anh nhận ra điều đó qua cuộc đối thoại nảy lửa của cha với bà. Người đàn bà xinh đẹp nhưng có chút tiều tụy cầu xin ông cho nhận lại đứa trẻ, còn ông kiên quyết đuổi bà đi.

Dương chạy theo bà ra đầu chiếc cầu lớn ngoài đường cái, anh rụt rè gọi với theo một tiếng Mẹ. Bà quay lại khóc òa rồi chạy đến ôm anh. Bà xin lỗi, giải thích rằng bà không còn sống bao năm nữa do căn bệnh ung thư. Bà năn nỉ anh đi cùng, hai mẹ con sẽ nương tựa nhau mà sống, bà sẽ bù đắp lỗi lầm và dành tình thương cho anh trong những tháng ngày còn lại.

Tối đó, anh gom đồ, viết cho cha lá thư xin lỗi. Đứa trẻ mười ba tuổi nghĩ rằng, cha mạnh mẽ nên tự lo cho mình được, còn mẹ yếu đuối, mẹ cần anh hơn. Anh đi với mẹ, rồi sau này anh sẽ lại về với ông.

Tuy nhiên, khi anh xỏ đôi dép đứng lừng khừng trước hiên, ánh đèn vàng nhạt nhòa trong căn nhà gỗ nhỏ ba gian cũ kỹ bật sáng. Cha thẳng lưng đứng đó, chầm chậm thốt lên: “Bước ra khỏi đây rồi thì đừng quay về nữa”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Anh nhìn ông, hai hàng nước mắt rơi, nhưng rồi cũng lặng lẽ ra đi. Từ đó, anh biết mình không còn ông nữa. Không còn có thể quay về.

***

Dương hơi sụt sịt mũi. Anh đánh trống lãng bằng cách cúi đầu xuống hút miếng rượu cần trong vò. Đây là lần đầu tiên anh kể với người khác gia đình mình. Trước giờ ai hỏi, anh đều nói mình không có cha, mất mẹ. Nhưng Huyền sắp là vợ anh, cha Thành sắp là người nhà của anh, anh không muốn giấu họ nữa.

Cha Thành cũng hút một ngụm rượu cần với anh. Huyền im lặng một chút rồi hỏi tiếp về chuyện sau đó.

Dương sống cùng mẹ trong căn nhà ở một hẻm nhỏ được năm năm thì bà qua đời, để lại cho anh chút vốn liếng ăn học. Anh tốt nghiệp đại học, sau đó bán nhà của mẹ lên Đà Lạt cùng người bạn thân hùn hạp mua đất, xây homestay làm ăn, bươn chải đến giờ cũng coi như có chút sự nghiệp. Mười lăm năm xa nhà và người cha ở quê, những năm đầu, nhiều hôm anh nhớ cha, nằm mơ thấy ông và tỉnh dậy thấy mặt mình ràn rụa nước mắt.

Huyền cầm tay anh lắc lắc: “Đà Lạt cách Tiền Giang mấy tiếng đi xe nhỉ?”

Anh bật cười: “Em đang tính chuyện gì vậy?”

“Anh về thăm cha đi!”

Anh cười buồn. Mười mấy năm rồi anh cũng không biết tin gì về cha Mạnh, không biết ông ra sao, cũng không can đảm quay về tìm ông lần nào nữa.

Cha Thành buông đũa, lại châm điếu thuốc mới, rồi trải mắt ra bờ hồ lạnh giá.

“Đến lượt ta kể cho con nghe về cha của ta…”

Năm đó, cha Thành quyết tâm nhập ngũ. Trước sự phản đối gay gắt của cha vì lo cho sự an nguy của đứa con trai cầu tự, ông cùng đồng đội bước ra chiến trường với tâm thế khát khao mang lại hòa bình cho đất nước. Nhưng cha từ bỏ anh, ông nói với mọi người rằng xem anh như chưa từng tồn tại.

Chiến tranh mỗi lúc một khốc liệt, sự mất mát dần khiến ông biết trân quý những người xung quanh mình hơn, đặc biệt là sự ra đi của những người bạn luôn kề vai sát cánh với ông trên chiến trường.

“Một năm sau chiến tranh kết thúc, ta quay về nhưng không thể gặp lại cha mình. Ta đứng trước mộ ông ấy, hồi tưởng về cảnh ông đã thinh lặng giận dỗi khi ta ra đi, nhưng chị ta lại kể, ông đã gọi tên ta trước khi nhắm mắt… Ta nhận ra rằng, bất kể chuyện gì, người cha, người mẹ sẽ luôn tha thứ và mong chờ được nhìn thấy lại hình bóng đứa con bé bỏng của mình, vào một ngày nào đó…”

Dương cúi đầu buồn buồn. Anh hiểu cha Thành muốn nói gì, nhưng cũng không biết làm sao. Cha Thành thở nhẹ, đôi mắt mơ màng nhìn ra xa. Một chiếc lá rụng xuống mặt hồ khiến ánh trăng ngà soi dưới nước khẽ lung lay.

***

Tháng sau, anh và Huyền sẽ kết hôn. Huyền bảo cô luôn thích có thật nhiều con nên muốn sinh con ngay. Mắt cô sáng bừng khi nói với anh rằng gia đình nhỏ của mình sẽ tràn ngập tiếng cười, và cô cũng tin anh sẽ là người cha tốt. Anh cười cười, cảm thấy có chút áp lực.

Xế chiều, sau khi đóng xong chiếc bàn trang điểm giao cho khách, Dương ngả lưng xuống sofa tranh thủ nghỉ ngơi. Huyền mở nhạc trên máy vi tính của cô rồi ra sau bếp nấu cơm chiều. Mắt anh nhắm lại thư giãn, rồi từ từ những ca từ đó trôi vào tai anh.

Khi xưa ba bé hơn đàn
Nghe guitar rung lên không bao giờ xao lãng
Dây buông dây bấm ngân vang, âm thanh đi khắp không gian

Đôi khi là trưa hè đầy gió
Đôi khi là vui đùa đầu ngõ, ba là nỗi buồn, là nỗi buồn
Vì ba cảm lạnh hơi sương
Ông dạy ba lớn lên sức mạnh phi thường

Đột nhiên những ký ức đập vào anh như một cơn sóng mạnh…

Hình ảnh cha mỗi sáng cúi xuống xỏ đôi dép mới vào đôi chân bé tí của anh, rồi cõng anh trên vai đi học. Bóng hai cha con in xuống lòng đường khi cha đón anh về. Khi anh lớn hơn chút, cha dạy anh câu cá. Cha ném anh xuống đìa, kêu anh ôm buồng chuối và dạy anh bơi. Trưa nắng, hai cha con đi trên đê, anh chạy trước nghêu ngao hát, ông theo sau dõi mắt mỉm cười. Tối tối, cha dẫn anh đi sang nhà hàng xóm cúi đầu xin lỗi vì anh nghịch phá chọc bè bạn, sau đó về nhà giáo huấn anh nghiêm khắc. Cha nấu cơm cho anh, món canh cua đồng cha làm thật ngon. Cha bắt anh ăn nhiều cho cao lớn đến nỗi cứ nhìn thấy món canh cua đồng là anh ngán.

Hình ảnh cha cởi trần đứng trong xưởng mộc, mồ hôi ướt đẫm tóc và lưng. Cha hướng dẫn anh đóng chiếc đinh đầu tiên. Cha cùng anh làm chiếc bàn học gỗ thật đẹp. Khi cha bị dao bào cứa chảy máu, anh hoảng sợ nhưng cha chỉ nhanh chóng băng bó lại rồi dạy anh rằng đàn ông đổ máu nhưng không rơi lệ.

Bao nhiêu năm ròng rã qua rồi
Bao nhiêu năm lặng lẽ ba vẫn hay cười
Ba ước mơ thật nhiều, ba khát khao thật nhiều
Ba yêu con biết bao nhiêu.

Cha từng dặn anh không được rơi lệ, nhưng giờ đây, mặt anh lại đẫm nước mắt. Sau tất cả, anh nhận ra mình nhớ ông đến xé lòng. Anh thèm được quay về nhìn thấy ông đứng nơi mái nhà xưa, vùi đầu vào lòng ông và cầu xin ông tha thứ.

Và anh cũng chợt nhận ra, trước khi trở thành người cha tốt, anh phải làm một đứa con đàng hoàng trước đã.

***

Nắng sáng tháng Chín dịu nhẹ, tiết trời mát mẻ trong lành. Dương chậm rãi bước lên chiếc cầu khỉ, băng qua con đìa trước nhà để vào sân. Con đìa trong ký ức của anh thật to lớn và sạch sẽ, nhưng thực tế thì khá bé nhỏ và đục ngầu, anh không thể tưởng tượng được mình đã từng vùng vẫy thỏa thích và hạnh phúc trong lòng đìa thuở trước.

Cái sân đất vẫn vậy, căn nhà gỗ ba gian vẫn vậy, thân thuộc như chưa từng bị tâm trí của anh cho vào lãng quên. Anh bước lên bậc tam cấp, ngó quanh quất. Trên kệ giày bằng gỗ cha tự tay đóng, bên cạnh đôi giày của ông, vẫn còn đó đôi dép nhỏ xíu hình siêu nhân cũ của anh. Anh bần thần, rồi cúi xuống tháo giày ra, khẽ đặt bên cạnh đôi giày của cha. Giày của anh giờ đây to bằng giày của cha, chân của anh to bằng chân của cha ở thời điểm ông nhặt anh về cách đây hai mươi tám năm.

“Này…”

Giọng nói vọng từ chiếc đìa khiến anh giật mình, quay lại nhìn. Phải mất vài giây anh mới nhận ra ông.

Ông nuôi bộ râu dài, mặt nhiều nếp nhăn hơn, nhưng cơ thể vẫn tráng kiện. Chiếc áo thun nâu cùng quần vải kaki sậm màu vẫn khiến ông trông mạnh mẽ. Môi ông cắn điếu thuốc đang hút dở.

Ông lặng im quan sát anh thật lâu, sau đó ông lấy tay rút điếu thuốc trên môi ra, bình thản nói.

“Thì ra bây giờ… trông như thế này đây… Ta luôn tự hỏi mày sống ra sao…”

Nghe những lời ông nói, lồng ngực anh như có gì đó chặn ngang, rồi đột nhiên nước mắt anh tuôn như đứa trẻ.

Ông nhún vai, vuốt hàm râu, rít một hơi thuốc rồi ném xuống đất, lấy gót chân vò cho tắt lửa. Anh phát hiện ra rằng, cả cái cách anh nhún vai, cách mình dập mồi thuốc, dường như đều là bản sao của cha. Không máu mủ ruột rà, nhưng hình hài của anh và cả cách anh sống trên cõi đời này đều thấm đẫm dấu ấn của ông.

Ông già sụt sịt mũi một cái, rồi hất đầu ra lệnh. “Đi vô nhà rửa mặt, rồi ta pha nước cho uống. Nhìn mày, chắc có nhiều điều để kể lắm đây!”

Anh ngoan ngoãn gật đầu. Mười lăm năm chỉ như mới hôm qua.

Đúng vậy! Con sẽ kể cha nghe. Câu chuyện về những đứa con xa nhà luôn đau đáu ước mơ được trở về. Chuyện về những người cha luôn đợi chờ và sẵn sàng tha thứ cho con.

YUDIN NGUYỄN

.