Một buổi sáng, tôi rẽ vào khu chợ quê mua ổ bánh mì xá xíu và tìm một quán cóc ngồi ăn. Tôi nhớ vị bánh mì xá xíu với nước sốt sền sệt thơm nức mũi mà ngày còn nhỏ mỗi lần mẹ ra chợ mua cho. Khi ấy, tôi thơ thẩn ở luôn bến đò để chờ mẹ về từ lúc con đò chở mẹ rời bến. Cứ chờ vậy cho đến vài giờ sau, con đò chở mẹ tôi mới cập bến. Mẹ để sẵn ổ bánh mì xá xíu ở trên cùng để đưa cho tôi. Tôi nhớ có lần chị tôi nửa đề nghị, nửa trách: “Mẹ đưa Út đi chợ cùng, chứ ở nhà chờ, dang nắng cũng vậy”. Nhưng mẹ không đưa tôi đi vì sợ lạc. Và tôi cũng không đòi mẹ đưa đi. Tôi chỉ thích ăn bánh mì và đọc hết những chữ trên mẩu giấy gói bánh mì mẹ mua cho.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ở mẩu giấy gói bánh mì, có khi may mắn đó là những trang báo in bài thơ, đoạn văn - thể loại tôi thích đọc; có khi chỉ là đoạn quảng cáo hay hình ảnh, hoặc nét chữ học sinh nguệch ngoạc... Nhưng tôi vẫn đọc ngấu nghiến, tiếc nuối vì đã hết, như khi ăn miếng bánh mì sau cùng.
Tôi lớn lên ở vùng nông thôn nên hiếm khi được tiếp xúc với sách, báo. Tôi còn nhớ mình nâng niu đọc từng chữ trong các sách tập đọc, tập làm văn ở cấp một. Đến khi đi làm, tôi vẫn nhớ những đoạn văn trong sáng đọc được dạo ấy.
Thời đại học, chúng tôi vẫn không có nhiều sách để đọc, một phần vì điều kiện không cho phép, nên thường chuyền tay nhau một cuốn sách hay. Cảm giác đọc sách mượn rất thích. Tôi đọc như nuốt từng câu chữ, thật chậm, thật kỹ, vì đọc xong sẽ trả nên chỗ nào hay phải cố gắng nhớ, hoặc ghi lại. Hồi ấy, thú vui giải trí dường như chỉ có sách.
Lớn hơn chút nữa, chúng tôi có điều kiện mua sách tặng cho nhau vào những dịp quan trọng. Ai nhận được sách tặng cũng mừng, cũng quý; đọc xong còn chia sẻ cảm nhận cho nhau nghe, khoe học được cái nọ cái kia trong sách. Mỗi lần gặp nhau, đề tài xoay quanh sách cứ râm ran suốt buổi nói chuyện. Chúng tôi thường nói với nhau mỗi khi ai đó than mệt, rằng “nhìn sách cho bớt mệt”.
Công việc đầu tiên tôi làm là ở một nhà xuất bản. Cả ngày ngập ngụa trong sách. Tôi vẫn thích và quý sách nhưng không còn cảm giác “nhìn sách cho bớt mệt” như ngày trước nữa.
Sách bây giờ nhiều, mua dễ. Một cuốn sách có giá chỉ tương đương bữa ăn sáng. Ai cũng có thể mua được. Nhưng cuộc sống hiện đại có quá nhiều thú vui giải trí. Chỉ cần cầm chiếc smartphone trên tay là gần như có tất cả thông tin cần tìm.
Tôi nhận ra đọc sách ngày càng khó vì trí não mỗi ngày đều nạp quá nhiều thông tin đến mức luôn ở trạng thái quá tải. Thử hỏi nếu đọc sách mà để chiếc điện thoại bên cạnh, màn hình nhấp nháy liên tục những thông báo mới, liệu mình có tập trung đọc không?
Đọc sách không chỉ như cách giải trí giúp mình thư thái, mà còn giúp có thêm kiến thức. Có những cuốn sách mà tác giả mất một đời tìm tòi, quan sát, chiêm nghiệm để viết thành. Đọc sách cũng là lúc để tâm trí lắng đọng lại, chỉ còn dòng suy nghĩ về những điều đang đọc. Thấy được lợi ích của sách nên tôi đưa ra chỉ tiêu đọc sách hằng năm cho mình. Nhưng những năm gần đây, tôi không đạt được chỉ tiêu đó và dễ dãi chấp nhận việc chưa đạt được chỉ tiêu, với lý do thuyết phục: Không có thời gian!
Có những lúc tôi chạm tay vào những cuốn sách mà mình rất yêu thích nhưng chưa đọc trọn vẹn, khi ấy, tôi dâng lên niềm xúc động mạnh mẽ về tình yêu từng có với sách. Tôi vỗ về mình rằng tôi sẽ đọc khi nhàn rỗi hơn, nhưng rồi lại hoài nghi ngay lời hứa của chính mình, bởi vì khi đặt sách là ưu tiên hàng đầu, chắc chắn tôi sẽ không để sách phải chờ đợi mình. Như khi mình dành tình yêu cho ai đó, chỉ cần sống chậm lại một chút, biết nâng niu cảm xúc của mình, thì sẽ chẳng có chuyện “không có thời gian”. Phải chăng tình yêu với sách của tôi đã nhạt nhòa? Hay tôi đang bị cuốn theo dòng chảy vội vã bên ngoài kia?
ÁNH HƯỜNG