Hành động sớm để ứng phó thiên tai lớn

.

Tổng lượng mưa đo được tại một số trạm quan trắc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong hai năm 2020 và 2021 đều vượt lượng mưa kỷ lục của năm 1964, năm xảy ra mưa lũ lịch sử với những tên gọi đầy ám ảnh: “họa năm Thìn”, “lụt năm Thìn”... Năm 2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhiều lần lưu ý các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ lịch sử năm Giáp Thìn (1964) có khả năng quay trở lại theo chu kỳ 60 năm như kinh nghiệm dân gian. 

Trong những năm gần đây, số lần ngập lũ có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Trung.  Trong ảnh: Thôn La Bông, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị ngập lũ sâu vào ngày 18-10-2021.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trong những năm gần đây, số lần ngập lũ có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Trung. TRONG ẢNH: Thôn La Bông, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị ngập lũ sâu vào ngày 18-10-2021. Ảnh: HOÀNG HIỆP

1. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng 1 trận bão; 102 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 101 trận dông lốc; 55 vụ sạt lở bờ sông... Thiên tai đã làm 77 người chết và mất tích, 45 người bị thương; 146 nhà ở bị sập, 3.777 nhà hư hỏng, tốc mái; 168.432 ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại..., ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.030 tỷ đồng.

Mưa lớn, lũ lụt là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở miền Trung, thiệt hại về nhân mạng, giá trị kinh tế do các loại hình thiên tai liên quan đến mưa chiếm tỷ lệ lớn so với các loại hình thiên tai còn lại. Thảm khốc nhất là đợt mưa, lũ lịch sử năm Giáp Thìn (xảy ra từ ngày 4 đến 10-11-1964) làm ngập lụt diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người, chỉ riêng tỉnh Quảng Nam đã có gần 6.000 người chết và mất tích.

Năm 1964 cũng là năm mà tại thành phố Đà Nẵng ghi nhận có lượng mưa đo được trong năm lớn nhất với 3.307mm (trong khi lượng mưa trung bình nhiều năm của thành phố chỉ 2.066mm). Tuy nhiên, trong năm 2021, tổng lượng mưa đo được tại suối Đá (quận Sơn Trà) lên đến 4.012mm, cao hơn lượng mưa cả năm 1964 đến 705m; tại hồ Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang) là 3.564mm, cao hơn năm 1964 đến 257mm. Còn trong năm 2020, tổng lượng mưa tại hồ Đồng Nghệ là 4.029mm, suối Đá là 3.981mm, Túy Loan (huyện Hòa Vang) 3.769mm, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) 3.899mm, đều cao hơn nhiều so với năm 1964.

2. Năm 2022 được nhận định là năm có mưa nhiều. Riêng tại Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 12-7, tổng lượng mưa trong mùa khô tại nhiều trạm quan trắc đều cao gấp 2-5 lần so với cùng kỳ 4 năm trước đó, nhất là tại Hòa Phú Thành (1.595mm), Bà Nà (1.088mm), suối Đá (1.031mm), hồ Đồng Nghệ (902mm)...

Ngày 24-6-2022, tại hội thảo tham vấn toàn quốc về quy trình thực hiện hành động sớm, trước thiên tai đối với bão và lũ lụt tại khu vực miền Trung tổ chức ở Đà Nẵng, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý: “Năm nay, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Với nước ta, năm nay được nhận định là quay lại chu kỳ nhiều nước, sẽ có nhiều nước hơn so với trung bình nhiều năm. Một số cơn bão sẽ có nguy cơ lớn hơn, dữ dội hơn ảnh hưởng đến nước ta. Để ứng phó với thiên tai, chúng ta đã có chuỗi hoạt động bài bản từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng dân cư, nhưng cần chú trọng hành động sớm để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Trước đó, ngày 1-4-2022, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung và các biện pháp khắc phục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị: “Theo kinh nghiệm dân gian, khoảng 60 năm thì thiên tai lớn xuất hiện trở lại. Quảng Nam đã từng xảy ra trận mưa lũ lịch sử vào năm Giáp Thìn (1964). Chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng và có biện pháp ứng phó phù hợp”.

Những lo ngại xuất hiện trở lại trận mưa lũ và ngập lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn đã được ông Hồ Quang Bửu và ông Trần Quang Hoài đề cập tại hội nghị về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung, được tổ chức ở Đà Nẵng vào ngày 26-11-2021. Ông Hồ Quang Bửu cũng bày tỏ: “Tỉnh Quảng Nam đang rất cần Trung ương hỗ trợ nghiên cứu sâu về bão, lũ, đặc biệt là tình trạng ngập lụt ở hạ du để có giải pháp ứng phó”.

Phát biểu kết luận hội nghị này, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh: “Ngập lụt ở hạ du là một bài toán rất lớn ở miền Trung. Những năm qua, chúng ta chưa phải trải qua lũ lụt khủng khiếp năm Giáp Thìn (1964), nhưng hiện nay, số lượng dân sinh ở miền Trung tăng lên, các khu công nghiệp và trung tâm kinh tế - xã hội ở miền Trung là rất lớn, nếu xảy ra lũ lụt như năm Giáp Thìn thì có lẽ thiệt hại cũng sẽ vô cùng lớn. Chúng tôi sẽ có nghiên cứu giải pháp chống ngập lụt diện rộng ở hạ du một cách bài bản, đầy đủ gắn với với xây dựng chương trình tổng thể về phòng, chống thiên tai của quốc gia”.

3. Cùng với Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, thành phố Đà Nẵng cũng thường xuyên phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, ngập lụt diện rộng. Từ năm 1998 đến nay, thiên tai đã làm 220 người chết và mất tích, 227 người bị thương cùng hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp bị phá hủy nặng nề, tổng thiệt hại gần 10.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng vào ngày 24-6-2022, ông Trần Quang Hoài đề nghị thành phố Đà Nẵng cần triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là đối với các tàu thuyền hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho du khách, công nhân và sinh viên ở các khu nhà trọ...; đồng thời, triển khai giải pháp tăng khả năng chống chịu của các cơ sở lưu trú, kinh doanh và dịch vụ du lịch ở ven biển; các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp cùng hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng cường chống ngập úng... để hạn chế thiệt hại. Đặc biệt, thành phố cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, rủi ro thiên tai.

Ông Trần Quang Hoài cho rằng: “Những quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng hoàn thiện thì mưa cỡ 600-700mm/đợt cũng đã gây ra những thảm họa lớn. Ngay ở các cường quốc về phòng chống thiên tai của châu Âu như: Đức, Bỉ, Hà Lan..., những đợt mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Miền Trung có những vùng mưa rất lớn, có vùng mưa hơn 4.500mm/đợt (A Lưới, Thừa Thiên Huế vào năm 2020 - NV). Có lẽ trên thế giới có ít vùng mưa lớn như miền Trung. Một trong những thành công lớn là với tình hình mưa, lũ và thiên tai nặng nề như thời gian qua ở miền Trung, chúng ta đã rất tích cực ứng phó, nên thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm rất nhiều. Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương, đơn vị và nhân dân đã, đang rất nỗ lực ứng phó thiên tai”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.