NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH

Hướng dẫn viên - nghề vất vả nhưng thú vị!

.

Trong khi du lịch nội địa đang tăng trở lại sau Covid-19, nhất là vào dịp hè, nhiều địa phương trên cả nước có nguy cơ “khủng hoảng thiếu” hướng dẫn viên (HDV) du lịch thì Đà Nẵng không rơi vào tình trạng này. Mặc dù công việc vất vả và thiếu tính ổn định, nhưng hầu hết các HDV vẫn quay trở lại với nghề khi du lịch dần hồi phục.

Hướng dẫn viên du lịch (giữa) đang thuyết trình điểm đến tại Khu du lịch Hòa Phú Thành, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L
Hướng dẫn viên du lịch (giữa) đang thuyết trình điểm đến tại Khu du lịch Hòa Phú Thành, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L

Không “cháy” hướng dẫn viên

Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội HDV du lịch Đà Nẵng cho biết, sau Covid-19, ngành du lịch đang dần phục hồi trở lại. Hiện nay, HDV không thiếu, chỉ thiếu nhân lực ở khối khách sạn do nhiều nhân viên chuyển sang công việc khác.

“Trong thời gian qua, sinh viên ngành du lịch ra trường khá đông. Nhiều HDV làm việc ở lĩnh vực bất động sản, bán bảo hiểm trong đợt dịch cũng đã quay trở lại công việc nên du lịch không bị thiếu hụt HDV. Đặc biệt, khách quốc tế chưa đông nên HDV khách quốc tế vẫn có thể chuyển sang đảm nhiệm công việc dẫn khách trong nước”, anh Võ Văn Anh giải thích.

Hiện Hội HDV du lịch Đà Nẵng có khoảng hơn 4.100 hội viên, trong đó có khoảng 2.000 HDV tiếng Anh. Mặc dù lượng khách châu Á đến Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây như khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc..., nhưng vẫn không thiếu HDV các tiếng này do có nhiều sinh viên ra trường từ các trường đại học đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ. Riêng HDV tiếng Pháp và Đức hơi thiếu hụt do các HDV nói tiếng này đa phần đã lớn tuổi, trong khi nhu cầu đào tạo ở các trường đại học không cao nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch.

Để tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao kỹ năng giao tiếp và có điều kiện cọ xát với môi trường thực tế, một số trường Đại học trên địa bàn thành phố thường xuyên mở rộng hợp tác với các trường đại học ở các nước để tìm kiếm cơ hội học tập nước ngoài cho sinh viên, đồng thời giúp sinh viên trải nghiệm và giao lưu văn hóa bản địa.

Mới đây, ngày 24-6, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng hợp tác Hiệp hội Hỗ trợ thực tập Nhật Bản hỗ trợ sinh viên được tiếp nhận làm việc tại Okinawa (Nhật Bản). PGS.TS. Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp Hiệp hội Hỗ trợ thực tập Nhật Bản triển khai chương trình phối hợp giữa hai bên nhằm mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội thực hành kiến thức, làm quen với môi trường chuyên nghiệp.

Trong khi đó, các chương trình đào tạo của các khoa ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở Trường Đại học Đông Á luôn lấy sinh viên làm trung tâm, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên được học chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa các nước Hàn, Nhật, Trung và kỹ năng biên phiên dịch. Trong quá trình học tập, sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc tại doanh nghiệp các nước có sử dụng tiếng mình học. Nhờ đó, kỹ năng giao tiếp của các sinh viên ngoại ngữ sau khi ra trường được nâng cao và đáp ứng nhu cầu thực tế công việc, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Chấp nhận đào thải để “trụ” với nghề

So với các ngành nghề khác, nghề HDV du lịch không đòi hỏi quá cao về kiến thức chuyên môn nhưng mức độ đào thải lại rất cao. Những ai còn trụ lại được với nghề là những HDV thực sự có năng lực và giàu kinh nghiệm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho biết, hiện nay du khách không chỉ đi các tour truyền thống như trước đây (Classic tour) mà còn chuyển sang tham quan các điểm du lịch mới lạ và hấp dẫn nên không cần HDV có nhiều kinh nghiệm.

“Hội Lữ hành Đà Nẵng có hơn 170 thành viên, trong đó có khoảng 20% thành viên liên kết nằm ngoài lữ hành. Doanh nghiệp lữ hành lớn đều có HDV cơ hữu, còn các công ty nhỏ và vừa khi nào có tour mới gọi HDV bên ngoài. Các công ty lữ hành đều có bảng đánh giá chất lượng phục vụ và năng lực của HDV sau mỗi chương trình tour thông qua bảng feedback (phản hồi) của khách như: phát phiếu thăm dò, phần mềm feedback trên message (tin nhắn), zalo... Do đó, bản thân các HDV cần có sự nỗ lực nếu muốn được các công ty lữ hành gọi lại”, ông Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, khách nội địa không còn tập trung theo đoàn để nghe thuyết trình nhiều về điểm đến như trước đây, mà họ tự tách ra thành nhiều nhóm nhỏ để chụp ảnh, check in (đánh dấu nơi có mặt bằng hình ảnh trên mạng xã hội) và tự do khám phá theo sở thích cá nhân. Do đó, HDV không cần chuyên sâu về kiến thức điểm đến nhưng phải có khả năng xử lý tình huống tốt, nhiệt tình, hoạt náo và trang bị các kỹ năng mềm cần thiết để góp vui cho du khách như hát, đọc thơ, kể chuyện... Đây cũng là cơ hội để các sinh viên mới ra trường có thể tham gia dẫn khách đoàn ngay mà không cần phải thông qua việc dẫn khách lẻ để học tập và trau dồi kinh nghiệm thực tế như trước đây.

Tuy nhiên, đối với khách nước ngoài, tùy thuộc vào văn hóa của mỗi nước mà có những đặc điểm khách khác nhau. Với 20 năm kinh nghiệm dẫn khách quốc tế, ông Hồ Vũ Luân, HDV sinh sống tại Đà Nẵng cho biết, mục đích của du khách Tây là đi tham quan nên không thể lãng phí thời gian và công sức qua đây chỉ để check in.

“Nói chung về công nghệ, người phương Tây đi trước mình nhiều nhưng họ vẫn đi tham quan, vẫn cần HDV và vẫn muốn “nghe” người bản địa nói chứ không phải đọc những gì “thế giới biết”. Còn khách châu Á (trừ người Nhật Bản) tham quan rất nhanh vì quỹ thời gian rất ít. Còn các khách thị trường khác hầu như giống nhau. Họ ít để ý đến điểm tham quan mà chủ yếu là ăn phải ngon và thích đi chợ, mua sắm. Do đó, cũng tùy đối tượng khách mà HDV có những ứng xử thích hợp”, ông Hồ Vũ Luân chia sẻ.

90% hướng dẫn viên nghỉ việc hoặc chuyển nghề trong 2 năm Covid-19

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.

Trước khi có dịch, cả nước có hơn 26.700 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ. Trong đó, 16.965 HDV du lịch quốc tế, 8.743 HDV du lịch nội địa và hơn 1.000 HDV du lịch tại điểm đến. Khi dịch Covid-19 xảy ra và kéo dài 2 năm, có đến 90% HDV đã phải nghỉ việc và chuyển sang nghề khác.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.