Sách mới, sách hay

.

1. Tái bản lần 7, cuốn sách Già sao cho sướng? (NXB Thế giới, 2022) của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mang đến cho bạn đọc nhiều góc nhìn về tuổi già. Tác giả viết: “Già không phải là bệnh nhưng già thì dễ mắc bệnh. Mà mắc nhiều thứ bệnh một lúc! Mọi thứ có vẻ như đã sẵn sàng rệu rã nên việc chăm sóc càng khó khăn hơn. Có một khẩu hiệu: “Bác sĩ tốt nhất là chính mình!”. Theo tác giả, người già thường có 3 nỗi khổ, một là thiếu bạn, hai là thiếu ăn (ăn không nổi, ăn không ngon, kiêng nhiều món), ba là thiếu vận động (tay chân nặng nề, không thể điều khiển theo ý muốn). Do đó, chỉ cần giải quyết được ba nỗi khổ trên thì tuổi già sẽ an nhiên, hạnh phúc.

Bên cạnh phân tích những khía cạnh về sức khỏe, tâm sinh lý của người già, trong Già sao cho sướng?, tác giả đưa ra những lời khuyên hữu ích nhưng không kém phần hóm hỉnh, đó là nên từ bi với mình: “thương cái bộ xương của mình một chút, thương quả tim mình, buồng phổi mình, dạ dày mình một chút…”. Thậm chí, ông nói rằng người già nếu bị lãng tai cũng đừng buồn: “Già thì nó vậy. Đâu phải chỉ mình ta. Tai kém mắt kém, cái gì cũng kém. Già mà tai thính, mắt tinh hoài thì ai chịu cho nổi!”. Để có tuổi già hạnh phúc, chúng ta cần chấp nhận mình; hiểu quy luật vô thường; từ bi với mình; đừng so sánh mình với người này, người kia rồi so bì, ganh tị; gần gũi với người trẻ dễ thương; được sắp xếp cuộc sống theo ý mình, không bị áp đặt; được xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng.

2. Lữ khách ven đường (NXB Văn học, 2022), cuốn sách đầu tay của tác giả trẻ Tâm An (tên thật Nguyễn Lê Bảo Ý), lấy cảm xúc từ hành trình trải nghiệm, tiếp xúc với cộng đồng người Raglai ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Các chương Lữ khách, Trân trọng, Chốn thiền môn, Hành trình và Tách trà cuối đường được tác giả viết bằng giọng tự sự nhẹ nhàng, giản dị, giàu yêu thương.

Trước và sau mỗi chương viết, Tâm An thường để lại vài dòng đúc kết như: “Có nhiều cách để mình tìm được hạnh phúc, nhưng cách đơn giản nhất vẫn là học được cách trân trọng. Bởi lẽ trân trọng những gì mình đang có, đấy là hạnh phúc. Một hạnh phúc đơn sơ thuần khiết”, “Cầu cho người, thất bại hôm nay, ngày mai thành công, hôm nay bế tắc, ngày sau rực rỡ, gục ngã ở đâu, oai phong đứng dậy. Chỉ mong người nhớ, sen nở từ bùn, diều ngược gió thổi, chúng ta cũng sẽ vậy, từ gian khó mà đứng lên”.

Có thể nói, sự chân thành của Tâm An trong mỗi dòng viết giúp Lữ khách ven đường được yêu mến, nhất là khi chạm đến những suy nghĩ thầm kín của nhiều người: “Kiếp này hay kiếp sau, cũng chỉ là một hơi thở. Vậy em phải đắn đo làm gì? Nếu kiếp này của em không được trọn vẹn một màu tươi đẹp, kiếp sau em có muốn làm lại kiếp người? Hay là muốn làm chú chim tự do sải cánh trên bầu trời rộng lớn? Hay là chú cá tha hồ bơi lội tung tăng dưới đại dương xanh thẳm? Hay là một cành cây cao giữa rừng xanh bạt ngàn?”…

HUỲNH LÊ
;
;
.
.
.
.
.