Sự kết nối

.

Ta có thể thường xuyên giữ liên hệ với những mối quan hệ chung quanh được không? Có lẽ là không. Biết là vậy nhưng thật mâu thuẫn mỗi khi nghe tin buồn về sự ra đi của người quen, lại cứ trách lòng sao không bớt chút thời gian ghé thăm, ăn cùng họ bữa cơm ấm áp, hay chỉ đơn giản ngồi cùng nhau bên tách trà râm ran những câu chuyện buồn vui?

Như một vòng luẩn quẩn khi ta lại tiếp tục hời hợt với những mối quan hệ hiện tại, để rồi khi nghe ai đó rời cõi tạm thì thốt lên “giá như”!

Cái lý lẽ để bào chữa cho chính mình rằng, cả người trong gia đình, chỉ cần không sống cùng nhà thì đã ít gặp nhau. Một phần vì mỗi người đều phải lo cho cuộc sống của mình, dành toàn bộ thời gian cho công việc và tổ ấm riêng; phần khác vì công nghệ phát triển, có nhiều cách kết nối như mạng xã hội để không gặp cũng nắm thông tin về nhau… Vì vậy, có khi chỉ ở cách nhau vài trăm mét cũng thỉnh thoảng mới gặp. Nhưng khi nghe đến cuộc chia tay biền biệt ấy, lại nghĩ mình lẽ ra đã có thể dành chút thời gian gặp gỡ được mà!

Càng có tuổi càng thấy những mối quan hệ dần co cụm lại. Đến một ngày, chỉ còn thời gian cho những người mà ta thực sự thương yêu, những người cùng chung mái nhà, cùng ăn, cùng ngủ. Nhưng những ân tình với biết bao nhiêu người khác vẫn còn nguyên đó.

Thầy của tôi vừa qua đời. Thầy dạy tôi từ những nốt đàn đầu tiên. Phải nhiều năm học đàn tôi mới hiểu rằng, tiếng đàn nói hộ lòng người. Đằng sau những nốt đàn trầm buồn da diết của thầy là những câu chuyện nghe cứ thấy mênh mang những phận đời như từ một bộ phim buồn nào đó. Một lần thầy ốm, tôi đến thăm. Khi ấy, những ngón tay thô ráp của thầy đã bị căn bệnh làm mất cảm giác, vậy mà thầy vẫn đón lấy và tự ăn chén cháo tôi nấu mang tới. Tôi rưng rưng cố nén nước mắt.

Suốt gần 2 năm Covid-19, sự dịch chuyển chỗ ở khiến tôi và thầy không còn gặp nhau. Khi thành phố hết giãn cách, tôi dự định ghé thăm thầy nhưng cũng bằng đó lần ưu tiên cho những công việc khác. Cứ vậy, tôi quên luôn việc ghé thăm thầy cho đến khi nhận được tấm ảnh cáo phó từ một đồng nghiệp. Cuộc sống tưởng dài mà quá đỗi ngắn ngủi.

Quãng thời gian mà tôi cho là bận rộn ấy, có biết bao lần tôi ngồi cà phê tám chuyện dông dài, biết bao tiếng đồng hồ lướt web trong vô định, biết bao ngày cuối tuần chỉ nằm dài trong phòng, biết bao buổi tối dư thừa vài tiếng trước giờ ngủ… Phải chăng ta có quá nhiều thứ để lựa chọn, mà quên đi đâu mới là thứ cần thiết nhất: hơi ấm của tình thân. Chỉ cần một câu hỏi thăm chân tình cũng là món quà sưởi ấm trái tim người nhận. Nhưng ta cũng chẳng nhớ ra.

Ta cũng lãng phí quá nhiều thời gian vô ích, thay vì dành cho những người cần đến mình. Sự kết nối còn là cách giúp ta cân bằng, mang lại cảm giác vững chãi, bình an.

Tôi còn nhớ thời gian đầu khi mới đi làm việc, mối quan hệ đồng nghiệp của chúng tôi đều rất tốt. Ngoài gặp nhau ở công ty, cuối tuần chúng tôi còn sum vầy nấu nướng, ăn uống với nhau như một gia đình. Nhờ vậy, chúng tôi không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là những người bạn sẻ chia cùng nhau, kể cả khi không còn làm việc chung. Sau này, tham gia công việc ở nhiều công ty khác, tôi tự hỏi sự kết nối ấy đi đâu mất, khiến công việc thiếu hẳn niềm vui.

Sự kết nối, dù ở mối quan hệ nào cũng cần thiết, mang lại giá trị trong cuộc sống. Sự kết nối ấy, có khi tôi phải học lại, khởi đầu là những câu hỏi thăm mà trong ấy, ta truyền đi nguồn năng lượng an lành nhất cho người nhận.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.