Lộng lẫy sắc màu

.

Sau 26 năm kể từ triển lãm tranh cá nhân lần thứ hai tổ chức tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) năm 1996, họa sĩ Trần Văn Binh (SN 1964, trú Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mới đây đã chọn ra 26 tác phẩm tiêu biểu mang chủ đề “Vườn tâm tưởng” để trưng bày và lấy đó làm cớ gặp lại bạn bè, đồng nghiệp, người yêu tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Trần Văn Binh bên tác phẩm triển lãm
Họa sĩ Trần Văn Binh bên tác phẩm triển lãm "Vườn tâm tưởng", tháng 7-2022. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Không gian đa chiều, tiếp nối và dịch chuyển

Họa sĩ Trần Văn Binh cho biết, ông mượn nét cọ để kể về khu vườn ký ức, nơi có những không gian đa chiều, tiếp nối và dịch chuyển. Theo đuổi dòng tranh trừu tượng nhưng vẫn trung thành với biểu tượng dân gian trong sáng tác, như sử dụng sắc vàng, đỏ làm chủ đạo và dùng nét thẳng, cong để tạo thành các dạng hình học như hình vuông, tròn, hình chữ nhật, tam giác, hình thang, bán nguyệt, hình thoi... Về mặt kỹ thuật, ông chọn vẽ tranh sơn dầu, acrylic hoặc sơn dầu chồng acrylic trên nền chất dẻo màu trắng, tạo nên những mảng đầy màu sắc và cá tính.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1985, Trần Văn Binh theo đuổi dòng tranh trừu tượng để tự do sáng tạo và sử dụng màu sắc. Những nét cọ phóng khoáng, xắc xéo, chồng lên nhau giống như những vết xước trong tâm hồn người họa sĩ. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho biết, tranh của Trần Văn Binh nhẹ nhàng, phóng khoáng... “Nó bài bản nhưng phá cách, nhẹ nhàng nhưng phiêu lưu, buông thả nhưng ẩn dật; nói cách khác, tranh của ông là sự pha trộn ký ức từ năm này qua năm khác, đa chiều và khó nắm bắt”, nhà nghiên cứu mỹ thuật này nói.

Gặp lại Trần Văn Binh sau 2 triển lãm cá nhân ở Đà Nẵng (năm 1993) và Hội An (1996), nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông đánh giá 26 tác phẩm tham gia triển lãm lần này đã đạt tới độ chín trong dòng tranh trừu tượng. Theo ông Đông, Trần Văn Binh là một trong số ít họa sĩ xứ Quảng theo đuổi dòng tranh trừu tượng và thành công với dòng tranh đó. Ngoài màu sắc bắt mắt, có chiều sâu, độ chín trong tranh Trần Văn Binh thể hiện ở việc tác giả đã giảm bớt đường nét, hình khối nhưng vẫn bảo đảm truyền tải thông điệp về con người, cuộc sống.

Giữ sự bình yên để sáng tác và chiêm nghiệm

Tại triển lãm tranh cá nhân “Vườn tâm tưởng” của Trần Văn Binh, vẫn là những gam màu chủ đạo của dòng tranh sơn dầu, acrylic như vàng, đỏ, xanh đen, nâu trầm, ghi sáng nhưng không gian tĩnh và có chiều sâu. Chưa kể, những tác phẩm trong bộ sưu tập này mang những cái tên gợi miền ký ức: Gió núi mây ngàn, Đầu ghềnh cuối bãi, Hội ngộ của gió, Nơi chốn bình yên, Nhịp phách bài chòi, Khúc giao mùa, Phố gần đồng xa, Đất mặn đồng chua, Nắng bên thềm cũ… Họa sĩ chia sẻ, do không biết đi xe máy và ít sử dụng mạng xã hội nên nhiều năm qua ông chỉ quẩn quanh ở nhà. Sự đơn độc giúp ông có thời gian chiêm nghiệm cuộc sống và tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật sáng tác. Có bức ông chỉ mất vài ngày để hoàn thành nhưng có bức kéo dài hằng năm.

Đến nay, họa sĩ Trần Văn Binh có tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đi kèm với chất lượng nghệ thuật cao, nhiều bức tranh của ông được giới chuyên môn định giá hàng ngàn USD. Tuy nhiên, ông vẫn giữ nhịp sáng tác chậm rãi, chắc chắn, không chạy theo thị hiếu thị trường. Thỉnh thoảng, ông gửi tranh tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và nhận nhiều giải thưởng giá trị. Ông cho hay, việc thường xuyên vẽ tranh giúp ông nuôi dưỡng tình yêu hội họa và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. “Điều quan trọng là giữ cho mình sự bình yên để sáng tác và chiêm nghiệm. Tranh không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà hơn hết, nó là nơi để họa sĩ chia sẻ nỗi ám ảnh ký ức, dự cảm tương lai và dùng màu sắc để thay lời muốn nói”, ông cho hay. 

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.