Đà Nẵng cuối tuần

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cộng đồng người Cơ tu

08:24, 23/10/2022 (GMT+7)

Đồng bào dân tộc Cơ tu tại thành phố Đà Nẵng sinh sống qua nhiều thế hệ, có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hòa đồng với cộng đồng người Kinh. Đến nay, họ còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số nét văn hóa truyền thống mang đặc trưng riêng, kinh tế dựa vào việc trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và một bộ phận cư dân đã tham gia vào hệ thống phân công lao động công nghiệp của thành phố. 

Cần khuyến khích các trường học tại nơi có người Cơ tu sinh sống mặc trang phục truyền thống theo ngày định sẵn trong tuần. Ảnh: VÕ HÀ
Cần khuyến khích các trường học tại nơi có người Cơ tu sinh sống mặc trang phục truyền thống theo ngày định sẵn trong tuần. Ảnh: VÕ HÀ

Bức tranh văn hóa chung

Khi nói đến thực trạng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu, chúng ta đề cập đến 5 vấn đề: ngôn ngữ, chữ viết; trang phục; thiết chế văn hóa truyền thống, nhà ở; nghệ thuật, lễ hội và nghề. Đến nay, người dân Cơ tu vẫn sử dụng tiếng Cơ tu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong hoạt động văn hóa lễ hội, hát, múa, ví...; trong đó, người Cơ tu không có chữ viết và không sử dụng chữ viết quốc ngữ phiên âm tiếng Cơ tu. Bộ chữ viết tiếng Cơ tu (đề tài khoa học của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Nam) hiện chưa được sử dụng tại cộng đồng người Cơ tu Đà Nẵng.

Người Cơ tu hiện nay bảo tồn tương đối tốt trang phục truyền thống, đã phục hồi được nghề dệt thổ cẩm nhưng sản phẩm chưa đủ cung cấp cho cộng đồng. Thổ cẩm vẫn giữ đúng hoa văn nhưng chất liệu là sợi công nghiệp và trang phục được may theo lối cách tân. Những năm qua, huyện Hòa Vang đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động bảo tồn trang phục truyền thống như tuyên truyền, tổ chức giao lưu trong đồng tộc và với các dân tộc khác ở những địa phương khác để đồng bào sử dụng nhiều hơn trang phục của mình.

Năm 2016, thực hiện kế hoạch bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ tu, huyện Hòa Vang đã tổ chức các lớp dạy nghề mời nghệ nhân từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) để truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ Cơ tu của huyện; mua, cấp phát trang phục truyền thống cho học sinh là người Cơ tu; mua một số trang phục cho đồng bào là hạt nhân văn nghệ; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để người dân hiểu thêm về văn hóa của mình, để họ nỗ lực hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhìn chung trang phục - trang sức truyền thống của đồng bào các dân tộc đã và đang bị biến dạng, mất gốc và thay thế bằng các trang phục đã được cách tân. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục truyền thống sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc không thể phục hồi lại được.

Người Cơ tu có nhà Gươl, việc khôi phục lại nhà Gươl đã khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu, giúp cho các thế hệ người Cơ tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc mình. Nhận thức rõ về giá trị của nhà Gươl trong đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào các dân tộc, những năm qua, thành phố đã triển khai hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa và đầu tư trang thiết bị cơ bản. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa bảo đảm so với nhu cầu văn hóa cũng như hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa.

Về nghệ thuật và lễ hội truyền thống, từ năm 2016 đến nay, hằng năm huyện Hòa Vang tổ chức liên hoan văn hóa, thể thao và phục dựng hai lễ hội của người Cơ tu. Lễ hội được tổ chức luân phiên giữa 3 thôn có người Cơ tu ở Hòa Vang và mời các huyện Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cùng tham gia, giao lưu. Hiện nay, cồng, chiêng vẫn được duy trì trong các dịp Tết, cưới xin, ma chay, cúng bái và do người lớn tuổi ở thôn trình diễn. Tuy nhiên, mật độ lễ hội và tính chất trang nghiêm bị giảm dần nên khả năng thất truyền nghệ thuật cồng, chiêng ở cộng đồng người Cơ tu Đà Nẵng có thể xảy ra.

Cộng đồng Cơ tu ở Đà Nẵng trước đây có 2 nghề truyền thống là dệt thổ cẩm và nấu rượu cần, tuy nhiên hiện nay chỉ còn nghề nấu rượu cần được người dân tại thôn Phú Túc duy trì. Nghề dệt thổ cẩm đã thất truyền hoàn toàn và chỉ còn 1 người biết nghề là bà Nguyễn Thị Nhíp, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc.

Thực hiện đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống đồng bào Cơ tu hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều thách thức cần giải quyết. Vì vậy, trong năm 2022, thực hiện chủ trương chung của Trung ương về phát triển văn hóa, về xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, thành phố xây dựng Đề án chính sách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cộng đồng người Cơ tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. Đây là sự cần thiết nhằm hỗ trợ đồng bào Cơ tu từng bước giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, thành phố cần tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp. Trước hết, nhanh chóng khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu một số loại hình văn hóa Cơ tu , để có cơ sở triển khai các giải pháp bảo tồn, phát triển sát với thực tế. Cùng với đó, cần hỗ trợ xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu, một số ấn phẩm về văn hóa truyền thống; quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, xúc tiến du lịch; hỗ trợ tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch trong và ngoài thành phố.

Mặt khác, thành phố cần chú trọng bảo tồn ngôn ngữ và trang phục, với phương châm bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ của cộng đồng người Cơ tu. Tổ chức truyền dạy di sản văn hóa cho học sinh các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu đưa di sản văn hóa phi vật thể người Cơ tu vào dạy cho học sinh các trường phổ thông. Tiếp tục thực hiện quy định ngày học trong tuần học sinh người dân tộc Cơ tu phải mặc trang phục truyền thống, khuyến khích cán bộ, giáo viên mặc trang phục truyền thống.

Đối với vấn đề hỗ trợ phục dựng lễ hội truyền thống Cơ tu, cần xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số trong lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch; kỹ năng chế biến món ăn; hướng dẫn và phục vụ lưu trú; điều hành tour, phục vụ du lịch.

Hỗ trợ thành lập và hỗ trợ hoạt động đội, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống tại thôn. Hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là xây dựng khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí thành Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ tu gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị 4 nghề truyền thống tiêu biểu như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, chạm khắc gỗ và nấu rượu cần.

VÕ HÀ

.