Đà Nẵng cuối tuần
Cùng giúp quê hương mình
Sau trận ngập lụt lịch sử giữa tháng 10 vừa qua, có lẽ người dân Đà Nẵng vẫn chưa hết bàng hoàng. Tài sản bao năm tích cóp, nhặt nhạnh đã trôi, hư hại vì không mấy ai kịp trở tay trước con nước lớn. Lâu nay người dân Đà Nẵng, nhất là khu vực nội thành ít khi ứng phó với nước lụt ngập sâu mà chỉ quen với việc ứng phó với bão hằng năm. Cơn mưa lịch sử kéo dài trong 7 giờ hôm 14-10 gây ngập nặng nhiều nơi trong thành phố cùng hàng nghìn tài sản có giá trị của người dân.
Thường sau bão và mưa lũ sẽ có những nơi bị thiệt hại cần được chung tay hỗ trợ. Hiện nay, tại chính quê hương mình, tình người sau mưa lũ có dịp được phát huy. Các hội, nhóm ở khắp nơi trong thành phố và cả ở tỉnh Quảng Nam chung tay hỗ trợ người dân, thể hiện tình đồng bào trong hoạn nạn.
Do thiệt hại trong đợt mưa lớn lịch sử vừa qua , trong chuyến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng ngày 19-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng thành phố 20 căn nhà; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tặng 20 căn nhà và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trao tặng 10 căn nhà để hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong đợt này. Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã ủng hộ 480 triệu đồng (gồm 300 thùng hàng gia đình và 300 triệu đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủng hộ 2 tỷ đồng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung ủng hộ 500 triệu đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 4.000 cuốn sách giáo khoa cho học sinh...
Trong chương trình làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu địa phương nhanh chóng có những hoạt động thiết thực hỗ trợ bà con bị thiệt hại. Trước khi có những chương trình dài hơi hỗ trợ thành phố khắc phục cơ sở hạ tầng và giúp đỡ người dân dựng lại nhà, có nguồn vốn làm ăn, những ngày qua, các đơn vị bộ đội, công an, chính quyền, Đoàn Thanh niên giúp dân dọn dẹp nhà cửa, đường sá, trường học. Đầu các con hẻm vẫn bị cô lập khi nước chưa rút, xuất hiện những nhóm thiện nguyện với hàng trăm suất cơm, cháo, bún, mì đẩy thuyền thúng vào phát tận tay cho bà con. Các nhóm thiện nguyện và những người hàng xóm đến với nhau, dù có thể trong số đó, gia đình họ cũng khó khăn không kém. Song cách mỗi người lan tỏa tấm lòng nhân ái, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” - đạo lý mà mỗi người thấm đẫm, dệt nên câu chuyện nhân văn.
Ngay khi nước vừa rút, Chủ nhiệm CLB “Bạn thương nhau” có lời kêu gọi trên trang cá nhân về quyên góp sách vở, đồ dùng cho các em học sinh. Đồng thời đề nghị thầy cô giáo, những ai cần giúp đỡ lên tiếng để các bạn hỗ trợ nhanh hơn. Và chỉ trong 2 ngày, các thành viên của CLB len lỏi qua từng con ngõ hẹp, lầy lội bùn đất, trao gần 80 suất quà cho các em học sinh khó khăn bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Mỗi suất quà là 1 ram vở và 400.000 đồng để các em mua sách, quần áo, dụng cụ học tập. Dự kiến “Bạn thương nhau” sẽ hỗ trợ khoảng 150-200 học sinh, góp phần nhỏ động viên các em tiếp tục đến trường.
Rất nhiều thầy cô giáo cũng chia sẻ trên mạng xã hội thông điệp kêu gọi giúp học trò vùng lũ. Nhiều tổ chức, hội nhóm thiện nguyện cũng lên kế hoạch hỗ trợ học sinh. Trong vài ngày tới, hy vọng việc học của hàng trăm học sinh vùng ngập lụt sâu ở các quậnLiên Chiểu, Thanh Khê và huyệnHòa Vang sẽ trở lại bình thường.
Ngay sau khi lũ rút, cứ đi vài cây số khắp các tuyến đường lại gặp một điểm sửa xe miễn phí. Không chỉ một số người dân Đà Nẵng nhận sửa miễn phí, hàng chục đội sửa xe đến từ Quảng Nam, thuộc các huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn và sinh viên Trường Đại học Đông Á đã mang dụng cụ, mua thêm dầu nhớt, bình điện ra đóng quân bên các vỉa hè để sửa giúp hàng nghìn chiếc xe ngập nước. Nhóm thiện nguyện thuộc CLB “Tiếp sức vùng cao” sau khi nhận lời kêu cứu từ bà con thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), đã huy động thêm thợ lên Trường Định sửa hơn 300 chiếc xe máy của người dân trong thôn bị ngập trong nước lũ.
Không chỉ sửa xe, nhiều thợ sửa điện tử, điện lạnh cũng đề nghị sửa miễn phí tận nhà cho bà con trên mạng xã hội. Họ thấy tin nhắn là đi, dù xa hay gần và ưu tiên những gia đình khó khăn. Người Đà Nẵng khi nào gặp hoạn nạn cũng đều đùm bọc nhau như thế. Ai cũng muốn chung tay, chỉ mong bà con vượt qua sự mất mát, sớm quay lại cuộc sống bình yên. Như cách người Đà Nẵng từng đón đường hỗ trợ thức ăn, nước uống, giúp sửa xe miễn phí và giúp cả lộ phí đi đường khi bà con từ miền Nam trở về quê tránh dịch năm 2021. Như cách người Đà Nẵng chia nhau từng mớ rau, ký bún, rưng rưng cảm kích khi nhận tấm lòng hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân nhiều nơi trong cả nước trong thời điểm cả thành phố chung tay chống dịch trong năm 2021. Dù là cách cho đi hay nhận lại, mỗi người đều thấy biết ơn, thấy được chia sẻ như là một cách sống.
HOÀNG NHUNG