Đà Nẵng cuối tuần

Chiếc trắp gỗ của bà

16:01, 01/10/2022 (GMT+7)

Hôm dọn nhà, mẹ lôi ra ba chiếc trắp gỗ đã cũ. Mẹ lau thật sạch rồi chất lên xe chở về nhà mới. Bây giờ, ít ai còn dùng trắp đựng đồ như thế. Mẹ cười cười. Hồi mẹ đi lấy chồng, bà ngoại cho mẹ nhiều thứ lúc ra riêng, trong đó có ba chiếc trắp gỗ này. Mẹ kể, trong căn nhà phên tre xưa cũ hồi ấy, chỉ có mấy chiếc trắp gỗ kê trong phòng là giá trị. Nhà nghèo chẳng có tủ, bàn. Một chiếc trắp mẹ kê ngay giữa nhà rồi trải lên tấm nilon, vậy là thành chiếc bàn con để bày trà nước. Trong chiếc trắp ấy, mẹ đựng đủ thứ linh tinh như gạo, dầu, mắm, muối và những thức đồ khô trữ cho những ngày đông giá, một nhúm măng khô, bầu khô, có khi là bì mít khô, bọc nấm tai mèo… Một chiếc trắp mẹ đựng áo quần, chiếc còn lại chứa bao nhiêu là sách. Mẹ nói ba chiếc trắp ấy là quà ông ngoại tự tay đóng tặng bà ngoại từ hồi ông mới cưới bà về làm vợ, được bà quý lắm. Nhưng con gái lấy chồng, chẳng có gì đáng giá để cho, bà ngoại tặng lại mẹ ba chiếc trắp gỗ. Chiếc trắp đóng bằng gỗ lim bao nhiêu năm rồi vẫn còn bóng nước.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khi tôi ra đời, căn nhà phên tre của mẹ đã được thay bằng căn nhà gạch ba gian xưa cũ. Cha đốn cây thầu đâu ở cuối vườn đóng một chiếc tủ gỗ làm nơi cất quần áo cho cả nhà. Những tấm gỗ thừa ra, cha đóng thành kệ sách, treo nơi góc tường. Trắp gỗ đựng sách trở thành nơi mẹ cất chén đĩa bằng gốm sứ - loại chén đĩa có tráng lớp men xanh, bên trên vẽ những bức tranh mai, lan, cúc, trúc, hay chuồn chuồn, chữ thọ, cô tiên... Mỗi năm mẹ chỉ mở chiếc trắp ấy vài lần; khi nhà có giỗ, kỵ, mẹ mới lấy mấy thứ chén đĩa ấy ra dùng. Giỗ, kỵ xong, chén đĩa được mẹ rửa sạch, phơi khô dưới nắng, rồi lại xếp gọn gàng vào trắp gỗ đặt bên dưới bàn thờ giữa nhà. Bộ bàn ghế salon được cha đóng bằng tre thay cho chiếc trắp gỗ năm xưa, cứ đâu chừng hơn chục năm cha lại thay bộ bàn ghế mới vì mối mọt. Nhưng chiếc trắp gỗ vẹn nguyên, mẹ vẫn đựng đủ thứ linh tinh trong đó.

Tôi nhớ chiếc trắp gỗ được kê trong buồng của mẹ. Những bộ áo quần được mẹ xếp gọn gàng, tinh tươm đặt bên trong trắp. Mỗi lần giở trắp quần áo của mẹ ra, bao giờ cũng nghe thoang thoảng mùi hương dìu dịu. Đó là mùi bồ kết, mùi lá đinh lăng vương trên áo quần của mẹ thơm ngát. Tôi nhớ những ngày bé thơ thường thích sà vào lòng mẹ chỉ để được hít hà mùi thơm ngọt lành ấy, êm ái như vòng tay của mẹ, lời ru của bà những đêm trăng bên hiên nhà.

Nhớ những tháng ngày cấp ba ra phố trọ học, mỗi cuối tuần là cọc cạch đạp xe về quê thăm nhà. Quê chỉ cách phố đâu chừng hơn chục cây số, nhưng bàn chân bé nhỏ khiến quãng đường ấy càng thêm xa ngái. Lúc tôi rời đi, bao giờ cũng thấy mẹ vào buồng, giở trắp quần áo lên, gói tiền mẹ cất kỹ trong mấy lớp giấy đặt dưới đáy trắp. Cầm những tờ tiền mẹ dúi vào tay, nghe cả nỗi nhọc nhằn của mẹ còn vương lại trên từng nếp gấp nhàu nhĩ. Lần nào cầm tiền cũng thấy cay xè đôi mắt, chỉ mong mình lớn nhanh chút nữa để mẹ vơi bớt những nhọc nhằn.

Tôi nhớ có lần hỏi mẹ, chiếc trắp đã cũ kỹ lắm rồi, sao mẹ vẫn còn dùng. Mẹ nhìn xa xăm nơi rặng cây xanh ngát ngoài ngõ, mắt buồn miên man. Tôi đoán chắc mẹ đang nhớ bà. Mẹ nói, mỗi lần sờ lên lớp gỗ lim óng màu nâu cũ, mẹ như thấy bóng dáng ngoại năm nào, trong căn nhà ba gian đượm màu ký ức.

Tôi ngồi bên mẹ, khi vạt nắng cuối cùng đã tắt bên hiên nhà, màu gỗ cũ vẫn ánh lên trong buổi chiều tà chập choạng. Tôi nhớ mẹ nói rằng, có đôi khi giữ lại những vật cũ để nhắc nhớ về người xưa, ngày cũ, để thấy lòng mình được tự tại, bình yên. Tôi sờ lên nắp tráp của mẹ, nghe từng mảnh ký ức cuồn cuộn trôi qua lòng, dìu dịu những yêu thương.

LÊ HÀ

.