Đà Nẵng cuối tuần

Chiếc xắc cốt của cha

16:26, 29/10/2022 (GMT+7)

Ngày hòa bình, trở về từ chiến trường, cha mang theo chiếc xắc cốt - hành trang đời lính đã cùng cha đi qua những năm tháng chiến tranh lửa đạn. Anh em tôi đã “kế thừa” chiếc xắc cốt ấy để mang sách vở trong suốt những tháng năm nghèo khó đến trường làng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi dường như quên bẵng những tháng năm đến trường làng, cho đến khi bắt gặp hình ảnh chiếc xắc cốt bạc màu của một người lính trong Nhà trưng bày Thành Cổ, tỉnh Quảng Trị. Ký ức năm tháng ấu thơ bất chợt hiện về. Hình ảnh của cha và của chúng tôi khoác trên vai chiếc xắc cốt như khoảnh khắc đồng hiện gian khổ và ngọt ngào.

Cha tôi chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt. Thời giới tuyến chia cắt đôi bờ Nam - Bắc ở Vỹ tuyến 17, cha cùng đồng đội ngày Bắc, đêm Nam, vượt dòng Bến Hải làm nhiệm vụ. Mối tình của cha và mẹ kết thành trong những năm tháng đó. Tôi chào đời sau ngày đất nước hòa bình tròn 6 năm. Chiến tranh kết thúc nhưng cha vẫn theo đơn vị làm nhiệm vụ, thường xuyên xa nhà. Cha rời quân ngũ trở về khi tôi chập chững biết đi. Lần “chạm mặt” cha đầu tiên kể từ ngày chào đời là những giọt nước mắt vì lạ. Mẹ kể, dù lạ lẫm với cha nhưng tôi thích quàng chiếc xắc cốt có sợi dây đeo dài ngoằng rồi kéo đi khắp nhà.

Cuộc sống khó khăn, ngày tôi vào lớp 1, chiếc xắc cốt từng theo cha vào sinh ra tử trên chiến trường tiếp tục theo tôi đến trường làng. Sợi dây đeo chéo dài được cha hướng dẫn tôi thu gọn lại cho vừa với chiều cao của mình. Sách vở và bút được xếp gọn vào trong. Tôi nhớ, ngày đó cả lớp mấy chục bạn học, mỗi mình tôi có chiếc cặp đặc biệt.

Tháng năm khiến chiếc cặp vẹt mòn bốn góc nhưng nó vẫn theo tôi từ trường làng cho đến cấp 3. Có lần, nước lụt bất ngờ dâng cao sau vài trận mưa trút nước. Đường đến trường ngập quá nửa bánh xe đạp. Lũ học trò nghịch ngợm bày trò đua xe đến trường. Cả nhóm bạn cùng lớp trước niềm vui mùa lũ dường như quên mất cây roi tre của cha mẹ, ào ào thi nhau đua xem đứa nào nhanh nhất. Niềm vui tạm khép lại khi hình ảnh chiếc cổng trường học hiện ra trước mắt chúng tôi. Ngày đó cặp sách không có dây đeo trên vai phổ biến như bây giờ. Mỗi đứa đều buộc chiếc cặp của mình sau yên xe đạp bằng sợi dây cao su cắt mỏng. Tàn cuộc đua, ngoảnh lại không thấy cặp sách đâu, tôi vào lớp bằng cuốn vở và cây bút mượn tạm của bạn.

Tan buổi học hôm đó, tôi bị mẹ đánh đòn rất đau. Bà lặng lẽ lội bộ ngược con đường đầy nước lũ, đoán xem nơi chiếc cặp có thể trôi qua và mắc lại đâu đó để kiếm tìm. Mẹ về khi trời đã tối mịt, trên tay là chiếc xắc cốt đựng sách vở ướt sũng. Bỏ đi những cuốn vở không còn dùng được, mẹ lặng lẽ giặt chiếc cặp, phơi khô rồi cho vào những cuốn vở mới, trao lại cho tôi.

Chiếc xắc cốt ở lại đáy rương của mẹ khi tôi vào đại học. Tháng năm vô tình quên bẵng. Ngôi nhà vách đất xưa được cha thay bằng nhà xây bê-tông, sơn màu xanh nhạt. Đận lụt lớn hai năm trước, nước lũ dâng cao gần 2 mét. Dù cố kê mọi vật dụng lên cao nhưng dường như mọi thứ vẫn bị nhấn chìm. Lũ rút, mẹ vội kéo chiếc rương ra sân, lau rửa các vệt bùn bên ngoài trước khi bật mở nắp.

Tận đáy rương, chiếc xắc cốt bạc màu được xếp ngay ngắn. Từ ngày tôi xa nhà, thay vì sách vở, mẹ đặt vào đó những tờ giấy khai sinh bản gốc và những tấm ảnh kỷ niệm của cả nhà. May thay những thứ đó được gói gọn trong bì nilon nên vẫn vẹn nguyên, mỗi chiếc xắc ngâm nước lâu ngày rã rời từng mảnh. Mẹ thở dài: “Chiếc xắc này đã theo cha trước hòn tên mũi đạn, theo các con đến trường học chữ, chứng kiến quá khứ gian lao và cùng đi đến những tháng năm đẹp đẽ của tương lai. Nó đã làm tròn sứ mệnh của mình, chỉ tiếc không giữ tiếp được…”.

Bão lũ đi qua, xóm làng bàng bạc một màu bùn rồi cũng dần chuyển màu xanh qua bàn tay lao động của con người. Chiếc cặp và câu chuyện thiệt hại do thiên tai dần đi vào quên lãng. Cho đến ngày bất ngờ tôi bắt gặp lại hình ảnh ấy trong không gian trang nghiêm của Thành Cổ - nơi gợi nhắc đến hàng ngàn người lính sinh viên gác bút nghiên lên đường đánh giặc, đã nằm lại bên dòng sông Thạch Hãn lịch sử.

Người lính già Trần Khánh Khư một thời chiến đấu chống giặc, bảo vệ quê hương, có nhiều năm làm Trưởng Ban quản lý Di tích đặc biệt Thành Cổ chỉ vào chiếc xắc cốt và bộ quân phục đặt ngay ngắn trên kệ kính nói, mỗi kỷ vật trưng bày ở đây là một câu chuyện về đời người, về sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần chiến đấu hy sinh kiên cường của biết bao người con đất Việt đã ngã xuống vì hòa bình. Các thế hệ kế nối nhìn vào đó để tri ân, để soi mình và và sống tốt hơn.

Tôi chợt nhớ về chiếc xắc cốt của cha, thầm trân quý những gian lao của ngày hôm qua và yêu thêm những màu xanh hồi sinh của hôm nay. 

THIÊN LAM

.