Đà Nẵng cuối tuần
Đau mùa lúa...
Trước khi cơn bão số 4 (Noru) ngoài Biển Đông ập vào đất liền với tốc độ gió mưa cuồng nộ, vùng quê Hòa Vang đã đối mặt với một vụ mùa không vui. Tiếng loa cảnh báo đề phòng mưa bão từ nhà họp thôn loang loáng trên cánh đồng vừa gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ xỉn màu.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Ông Trần Bá Nam, Tổ trưởng tổ Công tác Mặt trận thôn Quang Châu (xã Hòa Châu) quày quả đội mưa đến từng hộ dân neo đơn, già yếu nắm tình hình để vận động bà con trong làng hỗ trợ. Đáp lời chào của bà con đang rong nhánh, mé cành cây chống bão trong con ngõ nhỏ, ông Nam nhắc nhở: “Năm ni không chỉ mất mùa mà còn cảnh báo mưa to, bão lớn. Nếu lơ là việc chống bão thì coi chừng không còn chỗ để che mưa, che nắng đó, bà con nghe”.
Với người nông dân huyện Hòa Vang, sản xuất lúa hè thu là vụ mùa khó lường nhất trong năm. Thời tiết nổi chướng thất thường. Mới sáng nắng đổ lửa, trưa mây vần vũ kéo về, đến chiều thì xuống giông đột ngột, mưa như trút nước. Mưa thì lo lúa ngã, không kịp ngậm hạt làm đòng; nắng hạn thì sợ sâu rầy phá hoại. Từ ngày sạ lúa xuống ruộng, ruột gan bà con như để hết ngoài đồng...
Mấy hôm trước gặp lão nông Ngô Văn Du, một trong những người có diện tích lúa nhiều nhất nhì thôn Quang Châu, ông ngậm ngùi tâm sự: “Chưa hồi mô mà người làm ruộng trải qua nhiều lo lắng như vụ hè thu năm ni. Thời tiết ẩm ương thấy bắt phiền rồi, lại thêm giá cả phân tro, thuốc bảo vệ thực vật lên từng ngày. Ruột sốt lên sốt xuống. Bà con cố gắng lắm mới không bỏ ruộng. Rứa mà ngay giữa lúc lúa trổ bông, ông trời xáng đợt mưa mấy ngày liền. Tiêu luôn. Đúng là chỉ có thua ông trời!”.
Lệ thường lúa được mùa, mỗi sào thu hoạch chí ít cũng hơn 10 bao, mỗi bao tròm trèm 45kg. Năm nay, trời làm mưa chướng giữa ngày hè, lúa thất thu đến thê thảm. Lúa nhà ai may mắn trổ trước đợt mưa thì may ra lúc gặt thu được 5-7 bao. Số còn lại, sau khi gặt đập, phơi phóng chỉ còn được lưng vài bao thóc. Mà số thóc ấy cũng lưng lửng lắm.
Do mắc mưa lớn nên bông nghiêng hạt (không đầy), lúc xay xát tỷ lệ nát gãy khá cao. Bởi vậy, vụ này nông dân thiệt cả đơn lẫn kép. Không chỉ riêng thôn Quang Châu mà các địa phương khác như Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Phước… trên địa bàn Hòa Vang cũng lâm vào cảnh tương tự. Nghe bà con ở thôn An Trạch (xã Hòa Tiến) kể, cánh đồng lúa hữu cơ rộng 25ha thu hoạch xong, sản lượng thấp hơn 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước là bởi ông trời làm mưa nắng thất thường.
2. Căn nhà chị Đỗ Thị Hương nằm ngay bên con đường liên thôn Quang Châu - Giáng Đông nên lúc nào cũng tấp nập người qua kẻ lại. Ngồi trên chiếc võng dù mắc trước hiên, vừa cầm quạt xua đám muỗi vo ve, chị kể, lịch xuống đồng sạ bà con đều nhất nhất tuân theo kế hoạch của huyện, xã đưa xuống. Vụ hè thu năm nay, cả thôn xuống đồng làm 3 chồi (cách nói của người địa phương, có nghĩa là đợt): chồi 1 gồm đồng Chùa, Bàn Nan; chồi 2 là đồng Cao Sản; chồi 3 cuối cùng ở miệt đồng Cây Dừa và Trước Cát.
Chị Hương cất giọng buồn buồn: “Hồi lúa cánh đồng Cao Sản vừa trổ bông, phơi mày là hứng nguyên trận mưa kéo dài đận mồng 3 tháng 7 âm lịch vừa rồi nên đứng ngơ bông”. Thấy chúng tôi ngơ ngác về các “thuật ngữ” rặt chất ruộng đồng, chị liền giải thích: “Bông lúa khi trổ thì trên đầu vỏ trấu bật ra cái tua nhỏ gọi là mày. Buổi sáng bông phơi mày, ngậm nắng, uống gió đến chiều tối thì chui vào trong vỏ làm thành hạt. Nếu đang lúc bông lúa phơi mày mà gặp mưa to, gió lớn thì rụng hết, lấy chi làm hạt. Lúc nớ bông chỉ là túm vỏ trấu nhẹ tênh không thể uốn cần (tức là cúi đầu xuống - chị giải thích) mà đứng ngơ ra”.
Chỉ có những người nông dân gắn chặt đời mình với ruộng đồng như chị Hương mới có thể tường tận đến “nhất cử, nhất động” của cây lúa, củ khoai đến như vậy. Những vụ lúa đi qua đều để lại trong lòng người làm ruộng bao nhiêu là cảm xúc. Ngay trong vụ hè thu vừa qua, cũng lắm kẻ khóc người cười. Chỉ cần sạ sớm hay trễ vài ngày là thoát khỏi đợt mưa tai ương. Ông Lê Văn Khách (ở thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước) xuống giống sớm 3 sào ruộng. Lúa nhà ông ngậm đòng, vô hạt rồi mới gặp mưa nên không hư hại nhiều. Niềm vui được mùa lúa không thể giấu trong lòng nên gặp người nào ông cũng khoe: “May mà mấy đám ruộng nhà tui trổ sớm, không mắc mưa nên chắc hạt, vẫn giữ năng suất 10 bao/sào”.
Theo những lão nông kỳ cựu ở Hòa Vang, 3 năm liền vừa qua thời tiết khắc nghiệt nên lúa lúc được lúc mất. Riêng mùa hè thu năm nay thua đậm. Vào giờ này những năm mưa thuận gió hòa, lúa thóc khô khan cất đầy bồ, nông dân thong dong để đất nghỉ ngơi, còn mình thì bước vào quãng thời gian nông nhàn, đủng đà đủng đỉnh trồng thêm vụ rau Tết. Họ còn tính toán dự trữ số lúa ăn đến giáp hạt, số thóc dư bán lấy tiền chi tiêu và đầu tư phân tro cho mùa vụ tiếp. Bây giờ, thóc không đủ ăn, lấy đâu ra mà bán. Không khéo đến cuối vụ, người trồng lúa phải chịu cảnh chạy đong gạo bữa.
Người xưa vẫn nói rằng “Được mùa cau, đau mùa lúa”. Lúa năm nay mất mùa, nhà nông chỉ còn biết nương nhờ vào mảnh vườn cây trái. Nhưng đắng lòng hơn là năm nay tuy cau được mùa trĩu quả, mỗi buồng cau “trúng” có khi nặng cũng gần chục ký nhưng giá cả lại bết bát lắm. Đến nỗi dân buôn cau dạo này không dám “ăn” cau nhiều vì còn dòm chừng các đại lý có thu mua hay không!
Đường bê-tông liên thôn Quang Châu - Giáng Đông nhiều khi được người dân “trưng dụng” để phơi lúa. Ảnh: NHƯ HẠNH |
3. Trước bão số 4 (Noru), trời lúc mưa, lúc nắng. Những cơn giông dồn dập kéo ngang trời, đổ xuống ruộng đồng một lượng phốt-pho đáng kể đủ để những gốc rạ thâm xỉn màu bật lá xanh non. Trên chiếc võng đong đưa, giọng chị Hương rủ rỉ thả vào đêm mưa những thanh điệu đến nao lòng: “Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy ông trời cũng hay thiệt! Chẳng lấy hết đường sống của ai bao giờ. Năm mô mất mùa thì những gốc rạ còn lại trên cánh đồng sẽ ra lá trổ bông nhiều hơn. Dân mình gọi đó là lúa rài. Loại lúa ni tuy bông nhỏ nhưng chắc hạt và ngon cơm lắm”.
Trong hồi tưởng của người phụ nữ suốt một đời sống cùng cây lúa như chị, đó là những ngày đầu đông, trời phơ phất mưa bay, lúc đó lúa trong bồ đã gần cạn. Cả làng đổ ra đồng đi cắt lúa rài vui như trẩy hội. Người giỏi cũng được gần chục bao, kẻ kém hơn, ít nhất cũng vài bao sau khi phơi phóng.
Hôm gặp ông Du ở nhà họp thôn Quang Châu, ông cho biết mình đã trả bớt ruộng cho Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, kinh doanh tổng hợp số 1 Hòa Châu với lý do: “Già rồi không còn kham nổi hơn mẫu ruộng. Làm lúa bây giờ khó lắm, chẳng lời lỗ chi. Thôi chi bằng cày cấy vài sào kiếm gạo ăn hằng ngày, còn lại trồng thêm rau thêm bí trong vườn là hai vợ chồng già đủ sống”. Chia tay với hơn mẫu ruộng, người lão nông tri điền đất Quang Châu đành nhường lại danh xưng “Người làm ruộng nhiều nhất làng” cho người khác trong nuối tiếc ngậm ngùi.
Nhiều năm trở lại đây, khi đô thị hóa vùng nông thôn Hòa Vang ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt, không ít người dân đã lần lượt bỏ ruộng, bán vườn, tìm việc làm ở các khu công nghiệp trong và ngoài thành phố nhưng vẫn còn có nhiều người vẫn gắn với đất quê. Làm ruộng giữa thời buổi công nghiệp tuy nhàn thân hơn ngày trước vì các khâu cày bừa, gặt đập đều có máy móc thay thế nhưng vẫn lắm nỗi gian truân. Huống chi thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu nên cắm cây lúa xuống đồng là ruột gan thắc thỏm cho đến khi gặt hái.
Ông Trần Bá Nam, người đã sống với làng gần hết đời người chân thành bộc bạch: “Thôi thì đau mùa này ta gầy mùa khác. Lúa mất mùa nhưng ruộng vẫn còn nguyên đó. Người không phụ đất thì đất chẳng phụ công người mô mà lo…”.
Với người nông dân huyện Hòa Vang, sản xuất lúa hè thu là vụ mùa khó lường nhất trong năm. Thời tiết nổi chướng thất thường. Mới sáng nắng đổ lửa, trưa mây vần vũ kéo về, đến chiều thì xuống giông đột ngột, mưa như trút nước. Mưa thì lo lúa ngã, không kịp ngậm hạt làm đòng; nắng hạn thì sợ sâu rầy phá hoại. Từ ngày sạ lúa xuống ruộng, ruột gan bà con như để hết ngoài đồng... |
NHƯ HẠNH