Khi những người trẻ hoàn lương

.

Quá khứ có nhiều lỗi lầm nhưng khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, họ quyết tâm làm lại cuộc đời, xây dựng gia đình hạnh phúc và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Anh Nguyễn Trần Quân và Lê Thân Như Phương (bìa phải) cùng các thành viên của nhóm  “Tái sanh” mong muốn mang tới những suất ăn yêu thương cho người lao động nghèo.Ảnh: H.T.V
Anh Nguyễn Trần Quân và Lê Thân Như Phương (bìa phải) cùng các thành viên của nhóm “Tái sanh” mong muốn mang tới những suất ăn yêu thương cho người lao động nghèo. Ảnh: H.T.V

Anh Nguyễn Trần Quân (32 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết, thời thiếu niên anh nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá và dùng các chất kích thích. Rất nhiều lần anh không thể cai nghiện và dần lún sâu hơn. Được sự quan tâm của gia đình và địa phương, anh vượt qua sự tự ti, mặc cảm để thay đổi chính mình. Hiện anh đang kinh doanh quán cơm QQ tại đường Yên Khê 2 (quận Thanh Khê).

Ngoài việc mở quán cơm, hai năm qua anh Quân cùng những người bạn là những người đã hoàn lương thành lập nhóm “Tái sanh” trao tặng những suất ăn yêu thương cho người lao động nghèo. Đều đặn mỗi tháng, nhóm phát cơm miễn phí 2 lần tại quán QQ. Anh Quân tâm sự: “Cuộc đời có những sai lầm và khi nhìn lại tôi thấy rất kinh khủng. Nếu tôi không bước chân ra khỏi vũng bùn đó, thì bây giờ không biết mình sẽ như thế nào. Cai nghiện khó lắm nếu bản thân không cố gắng. Tên nhóm là tái sanh, có ý nghĩa giúp chúng tôi được sanh ra lần nữa để góp phần làm đẹp cuộc đời và sống tốt hơn”.

Mỗi suất ăn yêu thương ngoài một phần cơm, canh còn kèm theo trái cây tráng miệng. Khách đến quán hầu hết là người bán vé số, mua ve chai, bán hàng rong, chạy xe ôm, xích lô… Đặc biệt, mọi người được mua những suất cơm với giá 0 đồng. Người bán mua phí bằng nụ cười và sự chân thành, người mua trả phí bằng lời cảm ơn nồng hậu và sự ngon miệng. “Bây giờ, đối với tôi mỗi ngày đều có niềm vui khi thực hiện những điều mình thích. Nếu các bạn trẻ tự cai nghiện được thì rất tốt, nhưng quá bế tắc và không thể thoát ra thế giới của ma túy, tôi vẫn có cách chia sẻ với các bạn trong khả năng”, anh Quân nói.

Từng nghiện ma túy nặng, Nguyễn Đào Bảo (32 tuổi, quận Liên Chiểu) hiện sống với mục đích báo đáp cuộc đời. Bảo nghiện ma túy hơn 10 năm và không biết bao lần ra vào trại cai nghiện. Cám dỗ ma túy như xoáy nước, càng vùng vẫy Bảo càng chìm xuống đáy. Ma túy khiến bản thân không còn là người, buổi sáng ở trong trại nhưng buổi chiều anh bất chấp mọi thứ tìm đến ma túy thỏa mãn cơn nghiện. Anh Bảo kể: “Nhưng may mắn, tôi có gia đình và những người đi trước yêu thương, tận tình hướng dẫn, đồng hành trên con đường tái hòa nhập cộng đồng. Bằng nhiều cách cai nghiện khác nhau như qua các lớp học, các buổi ngoại khóa, làm việc để không có thời gian rãnh, tìm về những hiện thực cuộc sống để thay đổi niềm tin và lý tưởng. Dần dà tôi hiểu được chính mình đang muốn gì, cần gì nên học được cách để vượt qua”.

Cai nghiện thành công, Bảo học và xin lái xe ở một trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian làm việc, Bảo gắn bó với các trung tâm cai nghiện tự nguyện để tư vấn và hỗ trợ những người còn khổ vì ma túy. Bảo từng khích lệ và khuyên răn nhiều trường hợp trượt dài trong “cái chết trắng” quay về làm người có ích cho xã hội. Tháng 9 vừa qua, sau quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, Bảo đầu tư công ty dịch vụ vận tải với 3 chiếc xe cùng 6 tài xế là những người từng bị nghiện nay đã hoàn lương.

Tuổi trẻ bồng bột, theo đám bạn hư hỏng nên chưa đến 20 tuổi, Lê Thân Như Phương (32 tuổi, quận Liên Chiểu) đã nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… Nói về cuộc đời, anh Phương chia sẻ: “Tôi nghiện chất kích thích nặng và nhận bản án treo. Đó là lúc bừng tỉnh, nhìn lại bản thân thì quá tuyệt vọng, mẹ già quá khổ nên tôi khao khát được bắt đầu lại. Khi đến môi trường mới, tôi được chăm sóc và tư vấn nhiều phương pháp mới có thể thay đổi. Đồng thời, tôi tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo, trẻ em khuyết tật và các chương trình thiện nguyện. Từ một người khô khan, tôi dần học nói lời cảm ơn và biết quan tâm đến người xung quanh. Tôi nghĩ có quá khứ mới có tôi của hiện tại và muốn gửi đến các bạn đang nghiện rằng: bằng năng lượng tích cực, người khác làm được bạn cũng sẽ làm được”.

Vượt qua những trở ngại, anh Phương hiện đang kinh doanh nội thất và là thành viên nhóm “Tái sanh”. Anh hồ hởi nói: “Tháng 8 vừa qua, nhóm “Tái sanh” được chia sẻ việc làm nhân văn trong chương trình “Việc tử tế” trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là động lực để nhóm tiếp tục chặng đường phía trước. Mỗi thành viên trong nhóm đều có vết xước trong quá khứ, tuy việc phát cơm là việc nhỏ nhưng đó là sự cố gắng để giúp đỡ phần nào khó khăn cho người lao động nghèo”.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.